Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 12-19/7: Bạch kim lên cao nhất 11 năm, vàng nhích tăng, dầu quay đầu giảm

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 12-19/7: Bạch kim lên cao nhất 11 năm, vàng nhích tăng, dầu quay đầu giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 12-19/7, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến đà tăng giá của hầu hết các mặt hàng, từ vàng, nhôm, quặng sắt, thép… cho đến lúa mì, ngô, đậu tương, cà phê, ca cao…, riêng bạch kim tăng cao nhất 11 năm - đạt hơn 1.472 USD/ounce, trong khi dầu quay đầu giảm 2%...

Năng lượng: Giá dầu giảm 2%, khí LNG cũng lùi nhẹ

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch cuối tuần qua (18/7) khi thị trường phản ứng trước loạt thông tin trái chiều về kinh tế và thuế quan tại Mỹ, cùng những lo ngại về nguồn cung dầu sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.

Cụ thể, kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 24 cent (-0,3%) về 69,28 USD/thùng; giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm 20 cent (-0,3%) về 67,34 USD/thùng.Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI cùng giảm khoảng 2%.

Diễn biến trên phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước dữ liệu tồn kho nhiên liệu tăng mạnh tại Mỹ, cùng với sự thiếu rõ ràng về lộ trình cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Những yếu tố này đã lấn át phần nào tác động từ tình hình địa chính trị và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho xăng tại Mỹ trong tuần trước tăng thêm 3,4 triệu thùng, trái ngược với dự kiến giảm 1 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng 4,2 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 200.000 thùng. Tuy nhiên, tồn kho dầu thô giảm 3,9 triệu thùng, xuống còn 422,2 triệu thùng, nhiều hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 552.000 thùng.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm nhẹ trong phiên giao dịch thứ Sáu (18/7) sau khi tăng lên gần mức cao nhất 2 tuần trong ngày thứ Tư, do thời tiết nóng buộc các nhà máy điện phải đốt nhiều khí đốt để duy trì hoạt động của máy điều hòa.

Cụ thể, giá LNG tương lai giao tháng 8 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York, giảm 0,9 cent (-0,3%) về 3,542 USD/mmBTU. Hôm thứ Tư (16/7), hợp đồng này đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 27/6/2025 trong ngày thứ hai liên tiếp.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty năng lượng đã bổ sung 46 tỷ feet khối khí đốt vào kho lưu trữ trong tuần kết thúc vào ngày 11/7, khiến lượng khí đốt dự trữ tăng khoảng 6% so với mức bình thường 5 năm vào thời điểm này trong năm.

LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 107,0 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 7, tăng từ mức cao kỷ lục hàng tháng là 106,4 bcfd vào tháng 6. LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 110,0 bcfd trong tuần này xuống còn 107,5 bcfd vào tuần tới.

Trên thị trường than, giá than nhiệt châu Âu tăng trên 107-109 USD/tấn, được thúc đẩy bởi nhiệt độ cao trở lại vào đầu tuần này.

Giá than nhiệt lượng CV 6.000 của Nam Phi đã vượt 96 USD/tấn, được hỗ trợ lượng tồn kho thấp tại Cảng Nam Phi Ricchards Bay (RBCT). Tồn kho tại cảng RBCT lùi về mức 3,39 triệu tấn trong tuần qua (-0,2 triệu tấn so với tuần trước nữa). Trong tháng 7, xuất khẩu qua RBCT dự kiến đạt 3,7 triệu tấn (-0,59 triệu tấn hoặc -14% so với tháng trước), do việc bảo trì từ ngày 15-26/7/2025.

Tại Trung Quốc, giá than giao ngay 5.500 NAR tại cảng Tần Hoàng Đảo tăng nhẹ lên trên 86 USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ tăng và lượng hàng tồn kho tại cảng giảm. Hơn nữa, tăng trưởng sản lượng than tại các mỏ lộ thiên ở các khu vực như Sơn Tây, Nội Mông và Thiểm Tây đã chậm lại do điều kiện thời tiết không thuận lợi, trong khi nhu cầu từ các công ty phát điện tăng cao do nhiệt độ cao và mức tiêu thụ điện cao hơn.

Lượng than tồn kho tại 9 cảng lớn nhất Trung Quốc giảm xuống còn 27,37 triệu tấn (-0,23 triệu tấn), trong khi lượng than tồn kho tại 6 nhà máy nhiệt điện ven biển lớn nhất đạt tổng cộng 14,27 triệu tấn (-0,06 triệu tấn).

Giá than Indonesia 5.900 GAR giảm xuống còn 71 USD/tấn, trong khi giá than 4.200 GAR tăng trên 40 USD/tấn.

Than Úc nhiệt lượng CV cao 6.000 tiếp tục giao dịch dưới 110 USD/tấn, trong khi giá than 5.500 tăng nhẹ trên 65 USD/tấn. Chỉ số than luyện kim HCC của Úc đã giảm xuống dưới 178 USD/tấn, sau khi tăng mạnh một trong tuần trước nữa, do nguồn cung từ trong nước tăng mạnh.

Kim loại: Vàng nhích tăng, bạch kim cao nhất 11 năm; quặng sắt, thép cũng đi lên; đồng biến động trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng vào ngày thứ Sáu (18/7) do đồng USD suy yếu cùng với sự bất ổn địa chính trị và kinh tế đang tiếp diễn đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại trú ẩn an toàn này.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 3.353,25 USD/ounce, sau khi giảm 1,1% phiên trước đó. Vàng tương lai tăng 0,4% lên 3.359,7 USD/ounce.

Đồng USD giảm 0,5% làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ những đồng tiền khác. Vàng thường tăng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và lãi suất thấp hơn thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư vì vàng là một tài sản không đem lại lợi suất.

Ngoài vàng, giá bạch kim tăng 2,6% lên 1.472,2 USD/ounce - cao nhất kể từ tháng 8/2014; paladi tăng 1,4% lên 1.297,78 USD/ounce - cao nhất kể từ tháng 8/2023; bạc đi ngang ở mức 38,12 USD/ounce.

Riêng với bạch kim, thị trường tiếp tục đối mặt với tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, khi thâm hụt dự kiến kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp, yếu tố then chốt nâng đỡ giá kim loại quý này trong thời gian qua.

Trong khi đó, nhu cầu trang sức bạch kim tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, dự báo tăng 15% lên 474.000 ounce trong năm nay, theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC). Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, sản lượng chế tác trang sức bạch kim tại thị trường này trong quý I/2025 đã vọt lên 26% so với cùng kỳ năm trước.

Về nguồn cung, tổng sản lượng bạch kim trong năm 2025 dự kiến sẽ giảm 4% xuống còn khoảng 7 triệu ounce, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, do sản lượng khai thác giảm ở các khu vực sản xuất chính. Lượng tồn kho bạch kim trên toàn cầu trong năm nay cũng dự kiến giảm 31% xuống còn 2,2 triệu ounce - chỉ tương đương 3 tháng nhu cầu toàn cầu, làm trầm trọng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong trung và dài hạn.

Lãi suất duy trì ở mức cao tiếp tục củng cố sức mạnh của đồng USD, khiến các mặt hàng định giá bằng USD như bạch kim trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng ngoại tệ khác. Thực tế này đang làm gia tăng lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu toàn cầu đối với bạch kim, khi chi phí mua vào tăng lên ở hầu hết các thị trường ngoài Mỹ.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng tăng trong phiên 18/7, được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực hơn dự kiến và kỳ vọng Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới sẽ tăng mua, sau đợt điều chỉnh giảm gần đây.

Cụ thể, trên sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn 3 tháng tăng 0,36% lên 9.701,5 USD/tấn và tăng 0,49% trong tuần. Còn tại sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), hợp đồng đồng được giao dịch nhiều nhất tăng 0,65% lên 78.410 CNY (10.922,74 USD/tấn), nhưng vẫn ghi nhận mức giảm 0,28% trong tuần này.

Dữ liệu từ Mỹ cho thấy, doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 0,6% sau khi giảm 0,9% trong tháng 5. Đồng thời, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm trong tuần trước nữa, cho thấy thị trường lao động vẫn duy trì tăng trưởng ổn định trong tháng 7.

Tổng lượng đồng tồn kho tại các kho đã đăng ký trên LME đã tăng 34,8% kể từ cuối tháng 6, đạt 122.150 tấn tính đến ngày thứ Năm (17/7). Mức tăng chủ yếu tập trung tại các kho châu Á như Gwangyang (Hàn Quốc) và Đài Loan.

Thị trường cũng đang theo dõi sát hạn chót ngày 1/8/2025, thời điểm Mỹ dự kiến công bố chính thức việc áp mức thuế nhập khẩu 50% đối với đồng - một diễn biến có thể tác động mạnh tới thương mại kim loại toàn cầu.

Cũng trên sàn LME, giá thiếc tăng 0,68% lên 33.240 USD/tấn; kẽm tăng 0,42% lên 2.748,5 USD/tấn; chì tăng 0,2% lên 1.977 USD/tấn; nhôm tăng 0,19% lên 2.583 USD/tấn; niken tăng 0,09% lên 15.110 USD/tấn.

Trên sàn SHFE, giá thiếc dẫn đầu mức tăng với 1,07% lên 264.540 CNY/tấn; kẽm tăng 1% lên 22.300 CNY/tấn; niken tăng 0,73% lên 120.500 CNY/tấn; nhôm tăng 0,42% lên 20.510 CNY/tấn; chì giảm 0,3% còn 16.820 CNY/tấn.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế tăng do nhu cầu tiêu thụ thép mạnh mẽ tại Trung Quốc. Tại sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE), phần lớn các chỉ số chuẩn về thép đều ghi nhận xu hướng đi lên.

Cụ thể, giá thép cây giao tháng 3/2026 trên sàn SHFE tăng 38 CNY lên 3.204 CNY/tấn. Cùng lúc đó, trên sàn Đại Liên giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tăng 1,3% lên 781,5 CNY (108,87 USD/tấn). Trên sàn Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 cũng tăng 0,66% lên 100,6 USD/tấn.

Các chuyên gia Galaxy Futures nhận định, sản lượng thép tại Trung Quốc đang phục hồi mạnh nhờ nhu cầu sản xuất tăng, tích trữ nguyên vật liệu xây dựng và xuất khẩu ổn định. Tuy nhiên, một số khu vực trọng điểm như Sơn Tây, Đường Sơn bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng để điều tiết thị trường.

Theo các nhà phân tích, xuất khẩu quặng sắt từ 2 quốc gia cung cấp hàng đầu là Úc và Brazil đã sụt giảm sau giai đoạn tăng mạnh cuối quý II/2025. Dù Rio Tinto ghi nhận sản lượng quý II/2025 cao nhất kể từ năm 2018, nhưng các lô hàng thực tế lại không đạt kỳ vọng và ở mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2014, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết.

ANZ nhận định, biên lợi nhuận tại các nhà máy thép đang cải thiện, tạo ra tâm lý tích cực về nhu cầu thị trường. Tuy vậy, BHP vẫn cảnh báo rằng, chi phí xây dựng ngành công nghiệp “sắt xanh” tại Úc hiện còn quá cao, bất chấp việc nước này và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hợp tác giảm phát thải trong chuỗi cung ứng ngành thép.

Trong khi giá thép và quặng sắt duy trì xu hướng tăng, các nguyên liệu đầu vào khác như than luyện cốc và than cốc trên sàn Đại Liên lại giảm lần lượt 0,66% và 0,83%. Về mặt bằng giá chung, thép cây tăng 0,26%; thép cuộn cán nóng tăng 0,68%; thép dây tăng 0,39%; trong khi thép không gỉ giảm nhẹ 0,08%.

Diễn biến thị trường cho thấy nhu cầu thép tại Trung Quốc vẫn là động lực chính nâng đỡ giá cả toàn cầu. Tuy nhiên, việc kiểm soát sản lượng trong nước và những biến động từ nguồn cung quốc tế vẫn sẽ là những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

Nông sản: Đồng loạt tăng giá

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá lúa mì kỳ hạn tăng trong phiên cuối tuần qua (18/7), được hỗ trợ bởi việc thu hoạch chậm lại tại Mỹ. Dù phần lớn các bang trọng điểm đã gần hoàn tất vụ mùa, tốc độ bán ra từ nông dân vẫn thấp, giúp giá có thêm động lực.

Tại châu Âu, Pháp đã thu hoạch được 71% diện tích lúa mì mềm - mức nhanh hơn trung bình nhiều năm, theo FranceAgriMer. Trong khi đó, xuất khẩu lúa mì Nga vẫn hạn chế do nông dân bán ra nhỏ giọt, nhất là loại giàu protein.

Cụ thể, lúa mì đỏ mềm tháng 9 (WU25) tăng 12,75 cent lên 5,4625 USD/giạ; lúa mì cứng đỏ KC tháng 9 (KWU25) tăng 11,5 cent lên 5,29 USD/giạ; lúa mì Xuân Minneapolis tháng 9 (MWEU25) tăng 0,5 cent lên 5,9505 USD/giạ.

Tương tự, giá ngô CBOT cũng bật tăng trong bối cảnh dự báo nắng nóng kéo dài tại vùng Corn Belt của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trổ cờ - thụ phấn, giai đoạn then chốt trong phát triển năng suất. Các hoạt động mua bù bán khống cùng tín hiệu tích cực từ phân tích kỹ thuật tiếp thêm lực đẩy cho giá trong ngắn hạn.

Cụ thể, kết thúc phiên, giá ngô giao tháng 12 (CZ25) tăng 6,75 cent lên 4,2775 USD/giạ - là mức cao nhất trong gần 3 tuần.

Giá đậu tương CBOT tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp, chủ yếu nhờ sức bật từ dầu đậu nành - được thúc đẩy bởi kỳ vọng gia tăng tiêu thụ nội địa trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học. Dự kiến hơn 50% sản lượng dầu đậu sẽ được dùng trong sản xuất biofuel năm tới. Ngoài ra, thời tiết nóng trong tháng 8 – thời điểm quyết định năng suất đậu tương cũng đang gây áp lực tăng giá.

Theo đó, giá đậu tương tháng 11 (SX25) tăng 9,25 cent lên 10,3574 USD/giạ; dầu đậu nành tháng 8 (BOQ25) giảm nhẹ 0,4 cent còn 55,82 cent/pound, sau khi chạm đỉnh 57,17 cent/pound; khô đậu nành tháng 8 (SMQ25) tăng 5,3 USD lên 274 USD/tấn ngắn.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường, ca cao và cao su cùng bật tăng, cà phê diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (18/7), hợp đồng đường thô (SB1!) tăng 0,08 cent (+0,5%) lên 16,82 cent/pound và đánh dấu mức tăng 1,5% cho cả tuần. Đường trắng (SF1!) cũng tăng 0,8% lên 487,7 USD/tấn.

Theo số liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 420.000 tấn đường trong tháng 6/2025, nâng tổng lượng nhập khẩu từ đầu năm đến nay lên 1,04 triệu tấn - giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, một tòa án tại Indonesia vừa tuyên phạt cựu bộ trưởng thương mại nước này 4,5 năm tù vì cấp phép nhập khẩu đường sai quy định, gây thất thoát ngân sách gần 600 tỷ rupiah (tương đương 36,84 triệu USD). Thông tin này có thể tác động đến niềm tin thị trường trong thời gian tới.

Giá cà phê Arabica giao tháng 8 (KC2!) giảm 3,6 cent (-1,2%) về 3,036 USD/pound trong phiên thứ Sáu (18/7), nhưng hợp đồng này vẫn tăng 6% trong tuần trước thông tin Hoa Kỳ dự kiến áp mức thuế 50% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Brazil - quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu bắt đầu từ ngày 1/8/2025.

Hiện nay, Brazil cung cấp tới 1/3 lượng cà phê nhập khẩu của Mỹ. Nếu mức thuế mới được áp dụng, dòng cà phê Brazil gần như sẽ bị cắt đứt khỏi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Nhà môi giới Thiago Cazarini tại Brazil nhận định: “Nếu không có hướng dẫn rõ ràng, rủi ro khi giao dịch hàng hóa như cà phê là rất lớn”.

Tuy nhiên, hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil vẫn diễn ra thuận lợi với 77% sản lượng đã được thu hoạch tính đến ngày 16/7/2025, cao hơn mức 74% của cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Safras & Mercado.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta (RC2!) tăng 1,1% lên 3.348 USD/tấn, nối dài chuỗi phiên đi lên.

Hợp đồng ca cao London (C1!) bật tăng 245 bảng (+5,1%), lên 5.048 bảng Anh/tấn trong phiên 18/7, qua đó lấy lại đà sau khi lao dốc hơn 5% ở phiên liền trước. Tuy vậy, tính cả tuần, hợp đồng này vẫn giảm 4%. Giá ca cao New York (CC1!) cũng phục hồi mạnh, tăng 6,7% lên mức 7.800 USD/tấn trong phiên này, nhưng vẫn giảm sâu 12% trong cả tuần.

Theo giới thương nhân, mức giảm nhẹ 2,78% trong sản lượng xay xát ca cao quý II/2025 của Bắc Mỹ phần nào hỗ trợ thị trường, dù con số này ít tiêu cực hơn so với mức sụt giảm đáng kể tại châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, theo phân tích từ BMI, áp lực lớn nhất hiện nay đến từ mối lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Giá cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn OSE - Nhật Bản tăng 0,7 JPY (+0,2%) lên 321 JPY/kg; giá cao su cùng kỳ hạn trên sàn SHFE tăng 220 CNY (+1,5%) lên 14.795 CNY/tấn; giá cao su kỳ hạn tháng 8 tại Thái Lan tăng 0,5 Baht (+0,8%) lên ức 74,08 Baht/kg. Tính cả tuần, giá cao su Nhật Bản tăng 2%, Trung Quốc và Thái Lan đều ghi nhận tăng 3%.

Theo European Rubber Journal, Tập đoàn Dynasol (Tây Ban Nha) vừa đưa vào vận hành dây chuyền mới tại nhà máy Gajano (Santander), bổ sung thêm 20.000 tấn/năm công suất sản xuất cao su styrene butadiene dạng dung dịch (SSBR).

Cùng với đó, Dynasol cũng nâng thêm 10.000 tấn/năm sản lượng tại dây chuyền sản xuất styrene-butadiene copolymer (SBC) ở nhà máy Altamira, Mexico. Tổng vốn đầu tư này nhằm tăng tính linh hoạt trong vận hành, cho phép công ty dễ dàng điều chỉnh sản lượng giữa SSBR và SBS (styrene-butadiene-styrene) theo biến động thị trường.

Trước mở rộng, nhà máy Santander có công suất 120.000 tấn/năm (SBS và SEBS), còn Altamira đạt 110.000 tấn/năm (SSBR và SBS). Các sản phẩm SSBR và SBC của Dynasol được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật, keo dán, cải tiến nhựa đường và các ngành công nghiệp khác.

Dynasol cho biết, nhu cầu đang tăng mạnh tại châu Mỹ và châu Âu, đặc biệt từ các ngành như xe điện (EV), điện tử, tiêu dùng nhanh, nhựa đường và hợp chất cao su kỹ thuật.

(Nguồn: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan