Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 13-20/5: Giá dầu tăng trở lại, vàng lao dốc, nhiều mặt hàng khác biến động mạnh

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 13-20/5: Giá dầu tăng trở lại, vàng lao dốc, nhiều mặt hàng khác biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 13-20/5, giá dầu đã tăng trở lại, qua đó chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tục, còn giá vàng giảm mạnh nhất trong hơn 3 tháng, trong khi các mặt hàng như quặng sắt, thép, cao su… biến động mạnh.

Năng lượng: Giá dầu tăng 2%, khí LNG giảm về mức thấp nhất 2 năm

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu giảm vào thứ Sáu (19/5) do các nhà đầu tư lo ngại rằng các chính trị gia Mỹ sẽ không đồng ý về trần nợ mới và gây ra tình trạng vỡ nợ - có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Cụ thể, hợp đồng dầu Brent giảm 28 cent (-0,8%) xuống 75,58 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 25 cent (-0,3%) xuống 71,69 USD/thùng.

Hợp đồng dầu kỳ hạn tháng 5/2023 đáo hạn hôm nay (22/5) đóng cửa giảm 31 cent (-0,4%) xuống 71,55 USD.

Tuy nhiên, giá dầu Brent và WTI cùng ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên trong một tháng, với mức tăng khoảng 2% cho cả 2 loại.

Về cuối tuần, giá dầu giảm do USD mạnh lên sau khi các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ và chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu tạm dừng đàm phán về việc tăng trần nợ công 31.400 tỷ USD của Chính phủ Liên bang.

Bộ Tài chính đã cảnh báo Chính phủ Liên bang có nguy cơ không thể thanh toán tất cả các hóa đơn trước ngày 1/6/2023. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng cho biết, 2 bên vẫn có thể đạt được một thỏa thuận.

Trong khi đó, thị trường cũng lo ngại trước nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell rằng, lạm phát “vượt xa” mục tiêu và chưa có quyết định nào về hành động lãi suất tiếp theo.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo về sản lượng trong tương lai, đã giảm 11 giàn khoan xuống còn 575 giàn trong tuần này, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2021.

Các nhà phân tích của National Australia Bank cho biết, trong khi khả năng tăng lãi suất bổ sung làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu yếu ở Mỹ, giá có thể tăng do nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng trong suốt năm 2023.

Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 18,9% so với một năm trước đó lên mức cao thứ hai được ghi nhận từ trước tới nay, dữ liệu cho thấy trong tuần này.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc duy trì hoạt động ở mức cao để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước đang hồi phục và xây dựng kho dự trữ trước mùa du lịch hè.

Trên thị trường khí đốt, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất 2 năm do nhu cầu yếu và tồn kho cao, trong khi giá LNG của châu Âu cũng giảm xuống dưới mốc 10 USD/mmBtu trong bối cảnh dự trữ tăng mạnh và nhu cầu hạn chế.

Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 7/2023 tới Đông Bắc Á giảm 6,6% so với tuần trước xuống 9,8 USD/mmBtu (một triệu đơn vị nhiệt Anh), mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021, các nguồn tin trong ngành ước tính.

Toby Copson, người đứng đầu bộ phận giao dịch toàn cầu của Trident LNG cho biết: “Giá tiếp tục dao động dưới 10 USD/mmBtu do nhu cầu chung vẫn còn thấp, mở ra sự quan tâm từ một số khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc và các công ty tiện ích của Nhật Bản”.

“Xu hướng của giá giao ngay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia có tiềm năng lớn nhất để hấp thụ lượng LNG dư thừa trên toàn cầu, nhưng chỉ phục hồi một cách khiêm tốn từ đầu năm đến nay”, Leo Kabouche - nhà phân tích thị trường LNG của Energy Aspects cho biết.

Tại châu Âu, Hans Van Cleef - nhà kinh tế năng lượng trưởng tại PZ - Energy Research & Strategy cho biết, động lực kinh tế để bán LNG không theo hợp đồng cho châu Âu đang giảm dần do nhu cầu khí đốt thấp hơn và lượng hàng tồn kho cao (đã đầy 65% các kho chứa) sẽ là vấn đề đáng quan tâm thời gian tới.

S&P Global Commodity Insights báo giá tham chiếu (LNG Marker (NWM) hàng ngày ở Tây Bắc châu Âu cho các lô hàng được giao trong tháng 7/2023 trên cơ sở xuất xưởng (DES) ở mức 8,427 USD/mmBtu vào ngày 18/5/2023, giảm 1,22 USD/mmBtu so với giá khí đốt giao tháng 7 tại trung tâm khí đốt TTF của Hà Lan, theo Allen Reed - biên tập viên quản lý của Atlantic LNG.

Kim loại: Vàng giảm mạnh nhất hơn 3 tháng, đồng ít biến động, quặng sắt và thép diễn biến trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng phiên cuối tuần qua (19/5) lấy lại một phần đã mất trong những phiên đầu tuần khi thị trường dấy lên những lo ngại mới về sự ổn định của ngành ngân hàng khu vực của Mỹ, trong khi các nhà giao dịch giảm đặt cược cho một đợt tăng lãi suất khác sau nhận xét của Chủ tịch Fed.

Cụ thể, vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,2% lên 1.981,79 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2023 tăng 1,1% lên 1.981,6 USD/ounce.

Tương tự, giá bạc cũng tăng 1,7% lên 23,9 USD/ounce; bạch kim tăng 1,4% lên 1.064,09 USD/ounce và palađi tăng 3,8% lên 1.508,57 USD/ounce.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2023, mất khoảng 1,5%, sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ.

Tai Wong - một nhà giao dịch kim loại độc lập ở New York cho biết: “Vàng tăng giá nhờ bà Yellen hơn là do thái độ thận trọng của ông Powell, người vẫn cho rằng tháng 6 sẽ là một cuộc họp 'bỏ qua việc điều chỉnh', trừ khi dữ liệu trong vài tuần tới đặc biệt rắc rối”.

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực của Mỹ đã giảm sau khi CNN đưa tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các giám đốc điều hành ngân hàng rằng, có thể cần phải sáp nhập thêm nữa sau một loạt ngân hàng gặp sự cố.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có cần tăng lãi suất của thêm hay không, khi các quan chức ngân hàng trung ương cân bằng sự không chắc chắn về tác động của các lần tăng trước đây đối với chi phí đi vay.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trở lại vào thứ Sáu (19/5) với hy vọng các chính trị gia Mỹ sẽ ký một thỏa thuận để tránh vỡ nợ liên bang và khi các nhà đầu tư điều chỉnh vị thế trước cuối tuần.

Cụ thể, đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên này tăng 1% lên 8.254,50 USD/tấn sau khi giảm 1,6% trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá đồng gần như không thay đổi.

Giá đồng kỳ hạn trên sàn Comex của Mỹ tăng 1,1% lên 3,73 USD/lb.

Đồng là kim loại công nghiệp được sử dụng làm thước đo sức khỏe nền kinh tế, đã giảm giá gần 15% so với mức cao nhất vào tháng 1/2023.

Về các kim loại khác, trên sàn LME, giá nhôm giảm 0,2% xuống 2.280 USD/tấn, nhưng cả tuần vẫn tăng; niken tăng 1,9% lên 21.340 USD/tấn; kẽm tăng 0,9% lên 2.481 USD/tấn; chì tăng 2% lên 2.096 USD/tấn và thiếc tăng 1,5% lên 25.385 USD/tấn.

Giá quặng sắt kỳ hạn tại sàn Đại Liên giảm trong phiên thứ Sáu do triển vọng nhu cầu ảm đạm tại nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc, mặc dù cả tuần giá tăng nhờ triển vọng Trung Quốc kích thích hơn nữa cho nền kinh tế.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc - hợp đồng được giao dịch nhiều nhất, kết thúc phiên giảm 1,4% xuống 736,0 CNY (106,48 USD)/tấn. Hợp đồng này ghi nhận mức tăng hơn 5% trong tuần.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2023 giảm 1,1% xuống 105,65 USD/tấn và cả tuần giá tăng hơn 7%.

Ngân hàng ANZ cho biết trong một lưu ý: “Các chỉ số về bất động sản của Trung Quốc không cho thấy sự phục hồi bền vững.

Giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng 4/2023 tăng tháng thứ 4 liên tiếp nhưng với tốc độ chậm hơn, làm gia tăng lo ngại nhu cầu bị dồn nén sau khi nền kinh tế nước này đang giảm dần.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc thấp hơn dự báo cho thấy nền kinh tế đã mất đà vào đầu quý II/2023 và gia tăng áp lực lên các nhà hoạch định chính sách nhằm củng cố sự phục hồi sau dịch.

Tồn kho thấp tại các nhà máy thép Trung Quốc đã hỗ trợ một chút cho giá quặng sắt vào đầu tuần này.

Một cuộc khảo sát với 114 nhà máy cho thấy, tồn kho quặng thiêu kết nhập khẩu giảm tuần thứ 3 liên tiếp, bao gồm mức giảm gần 1% so với tuần trước xuống 24,19 triệu tấn tính đến ngày 18/5/2023, đưa tổng hàng tồn kho kể từ cuối tháng 4 giảm 7,6% - theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Mysteel.

Hợp đồng thép cây được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên cuối tuần qua giảm 1,4%; thép cuộn cán nóng giảm 1% và thép không gỉ giảm 0,6%.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Giá đậu tương Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Sáu (19/5) do các nhà đầu tư vội vã thanh lý vị thế trước cuối tuần.

Hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất giảm xuống mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2022 và một số hợp đồng đậu tương vụ mới cũng giảm xuống mức thấp - trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu của Mỹ kém và một dự báo mới ước tính rằng vụ đậu tương của Brazil sẽ lớn hơn dự kiến.

Hợp đồng ngô và lúa mì cũng trải qua phiên giao dịch không ổn định do một lượng lớn lực mua với giá hời vào đầu phiên đã kéo giá lên trong một đợt phục hồi kỹ thuật từ mức thấp sâu một ngày trước đó.

Tuy nhiên, ngô và lúa mì kỳ hạn cũng kết thúc ngày giảm giá, với lúa mì mùa đông đỏ cứng tháng 7/2023 có thời điểm chạm xuống mức giá thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 5.

Cụ thể, hợp đồng đậu tương hoạt động tích cực nhất của sàn Chicago (CBOT) kết thúc phiên giảm 26 US cent xuống 13,07-1/4 USD/bushel; hợp đồng ngô hoạt động tích cực nhất giảm 3/4 US cent xuống 5,54-1/2 USD/bushel và lúa mì giảm 6-3/4 US cent xuống 6,05 USD/bushel.

Cả 3 mặt hàng này đều giảm giá khá mạnh trong tuần.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường giảm, đi ngược với cà phê, cao su diễn biến trái chiều

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 phiên cuối tuần qua (19/5) tăng 0,17 cent (+0,7%) lên 25,78 cent/lb, nhưng cả tuần vẫn giảm 1,7%. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 tăng 3,40 USD (+0,5%) lên 710,00 USD/tấn, cả tuần giảm 0,7%.

Các đại lý cho biết, lo ngại El Nino có thể hạn chế sản xuất tại các nhà sản xuất lớn của châu Á như Ấn Độ và Thái Lan vẫn là một trong những yếu tố hỗ trợ giá, đồng thời lưu ý sự phát triển của mùa gió mùa ở Ấn Độ, sẽ diễn ra vào tháng tới, cần được theo dõi chặt chẽ. Thị trường cũng được củng cố bởi sản lượng giảm ở châu Âu với diện tích trồng ở Pháp giảm, mặc dù dự kiến sẽ tăng nhẹ ở Đức.

Giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE tăng mạnh trong tuần và đạt mức cao mới trong 12 năm vào thứ Sáu (19/5) do nguồn cung vẫn eo hẹp. Cụ thể, cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 48 USD (+1,9%) lên 2.588 USD/tấn sau khi có lúc chạm 2.607 USD/tấn - cao nhất trong 12 năm qua. Cà phê arabica cùng kỳ hạn tăng 5,35 cent (+2,9%) lên 1,92 USD/lb, tính chung cả tuần giá tăng 3,2%.

Các đại lý cho biết, nguồn cung tại nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu Việt Nam dường như còn rất hạn chế và thị trường đang chờ các chuyến hàng từ Brazil. Trong khi đó, thu hoạch cà phê robusta của Brazil hiện hoàn thành khoảng 18%, thấp hơn một chút so với mức trung bình 20% vào thời điểm này trong năm, theo công ty tư vấn Safras & Mercado. USDA dự đoán sản lượng của Colombia niên vụ 2023/24 sẽ tăng 3%.

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tuần qua tăng nhờ các nhà sản xuất lốp xe hoạt động mạnh mẽ, mặc dù nhu cầu của Trung Quốc giảm và đồng yên mạnh hơn hạn chế mức tăng.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 10/2023 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,7 JPY (+0,3%) lên 212,7 JPY (1,57 USD)/kg, kéo dài mức tăng từ phiên trước. Tính chung cả tuần, giá tăng 1,8%.

Tuy nhiên, hợp đồng cao su giao tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 15 CNY xuống còn 12.215 CNY (1.767,19 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6/2023 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức 136 US cent/kg, giảm 0,3%.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan