Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 21-28/10: Giá dầu “ngược dòng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 21-28/10, giá dầu duy trì đà tăng do lo ngại về nguồn cung và dữ liệu kinh tế tăng trưởng, đi ngược chiều so với hầu hết hàng hóa khác trên thế giới.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu tăng 2%, khí LNG giảm hơn 3%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch thứ Sáu (28/10), nhưng cả tuần vẫn tăng do lo ngại về nguồn cung và dữ liệu kinh tế tăng trưởng. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 28/6, giá dầu Brent giao sau giảm 1,19 USD (-1,2%) xuống 95,77 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,18 USD (-1,3%) xuống 87,90 USD. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, 2 loại dầu vẫn tăng lần lượt 2% và 3%.

Giá xăng kỳ hạn RBc1 của Mỹ giảm khoảng 3%, trong khi dầu diesel HOc1 kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 5% lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2022.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, các thành phố của nước này tăng cường hạn chế Covid-19 vào thứ Năm, phong tỏa các tòa nhà và các quận sau khi Trung Quốc ghi nhận 1.506 ca nhiễm mới vào ngày 27/10, tăng từ 1.264 ca nhiễm mới/ngày trước đó.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) dự kiến, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3,2% trong năm 2022, giảm so với dự báo hồi tháng 4/2022, sau khi tăng 8,1% vào năm 2021.

Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil cho biết: “Thật khó để đưa ra trường hợp phục hồi mua dầu thô của Trung Quốc trong bối cảnh không chắc chắn về chính sách không Covid”.

Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III/2022, thể hiện khả năng hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới và mức tiêu thụ dầu mỏ.

Dữ liệu từ Công ty dầu khí Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm trong tuần qua, nhưng ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2022 trong tháng Mười.

Sức mạnh kinh tế ở 2 nền kinh tế lớn đã hạn chế mức tăng giá dầu mỏ.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng tăng trưởng bất ngờ trong quý III/2022, thay vì rơi vào suy thoái như đồn đoán, bất chấp lạm phát cao và lo ngại về nguồn cung năng lượng bị thắt chặt trước lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm trong tuần qua, kéo dài chuỗi ngày sụt giảm do lượng tồn kho cao và nguồn cung hàng hóa dồi dào cuối năm làm ngưng trệ hoạt động mua.

Các nguồn tin trong ngành ước tính giá LNG trung bình giao tháng 12/2022 tại Đông Bắc Á đạt 30 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) trong tuần qua, giảm 1 USD (-3,2%) so với tuần trước nữa.

Các khách hàng châu Á đã tích trữ nguồn cung cấp nhiên liệu siêu lạnh trước mùa cao điểm của nhu cầu điện và khí đốt mùa đông, mặc dù sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ hoặc một đợt lạnh giá có thể dẫn đến nhu cầu tăng đột biến.

Kim loại: Đồng loạt giảm giá

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm hơn 1% trong phiên cuối tuần qua 28/10 do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng sau khi dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất vào tuần này.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.641,30 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 1,3% xuống 1.644,8 USD/ounce.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng (PCE) chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,6% trong tháng Mười.

Tai Wong - một nhà giao dịch cấp cao của Heraeus Precious Metals chia sẻ: “Có lo ngại rằng, PCE cốt lõi tăng 0,5% so với tháng Chín hoặc 6% so với cùng kỳ năm 2021 sẽ khiến việc tăng lãi suất chậm lại”.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng và nhiều kim loại công nghiệp khác giảm trong ngày 28/10 do lo ngại về nhu cầu ở người tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc trong bối cảnh ca nhiễm Covid-19 gia tăng và các hạn chế mở rộng.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch London giảm 1,8% xuống 7.626,50 USD/tấn và đồng giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,9% xuống 62.900 CNY (tương đương 8.696,97 USD)/tấn.

Nhà phân tích Zenon Ho của Marex cho biết, các chính sách “zero Covid” làm giảm đi sự tích cực từ thị trường cổ phiếu trong nước và có vẻ như nếu không có rủi ro định giá cổ phiếu, thì một đợt bán có hệ thống đã xuất hiện.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do dịch Covid-19 bùng phát làm tăng thêm lo ngại về triển vọng kinh tế mờ mịt.

Về các kim loại công nghiệp khác, trên sàn giao dịch London, giá nhôm giảm 1,8% xuống 2.245 USD/tấn; thiếc giảm 3,6% xuống 18.010 USD/tấn; kẽm giảm 2,1% xuống 2.880 USD/tấn và chì giảm 0,4% xuống 1.856,50 USD/tấn.

Trên sàn giao dich Thượng Hải, giá nhôm giảm 2,8% xuống 18.160 CNY/tấn; nikel giảm 1,7% xuống 185.010 CNY/tấn; thiếc giảm 4,9% xuống 158.070 CNY/tấn và kẽm giảm 2,6% xuống 23.540 CNY/tấn.

Việc cắt giảm sản lượng ở châu Âu do khủng hoảng năng lượng và tồn kho thấp đã duy trì giá kẽm ổn định trong năm qua, nhưng những khó khăn bắt nguồn từ tăng trưởng và nhu cầu giảm đang là thách thức lớn.

Giá quặng sắt kỳ hạn chốt phiên giao dịch cuối tuần qua 28/10 giảm do nhu cầu ảm đạm và áp lực phía nguồn cung, làm cho giá nguyên liệu sản xuất thép giảm xuống dưới 80 USD/tấn.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 11/2022 giảm 3,6% xuống 78,80 USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2020. Tính cả tuần, quặng sắt giảm 2,2% xuống 79,9 USD/tấn, giảm hơn 50% so với mức đỉnh tháng 4/2022 trên 160 USD/tấn.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng sắt giao tháng 1/2023 giảm 4,9% xuống mức 624,50 CNY (tương đương 86,31 USD)/tấn, trên đà giảm phiên thứ ba hàng tuần liên tiếp. Trong khi đó, quặng sắt giao ngay trong tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 là dưới 90 USD/tấn, do tỷ suất lợi nhuận âm khiến các nhà máy thép Trung Quốc phải kiềm chế sản lượng.

Nhu cầu thép toàn cầu và nhà sản xuất thép hàng đầu đều đang suy yếu, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các hạn chế Covid-19 và sự sụt giảm bất động sản, các nhà phân tích không nhận thấy sự phục hồi trong năm 2023 đối với thép và quặng sắt.

IMF cho biết, không mong đợi một giải pháp nhanh chóng đối với tình trạng bất động sản ở Trung Quốc. Chính sách “khóa” Covid-19 mới ở Trung Quốc và kỳ vọng về việc Mỹ tăng lãi suất và dấu hiệu tăng nguồn cung quặng sắt cũng tạo thêm áp lực lên giá.

Giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép khác trên Sàn giao dịch Đại Liên cũng giảm, với giá than luyện cốc và than cốc giảm lần lượt 2% và 2,6%.

Trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giá kim loại đen sụt giảm, với giá thép cây giảm 2,8%, giá thép cuộn cán nóngthép cuộn giảm lần lượt 3% và 2,2%. Giá thép không gỉ giảm 2,9%.

Nông sản: Ngô và lúa mì giảm giá, đi ngược với đậu tương

Giá ngô giảm trong phiên 28/10 do lo ngại về việc doanh số xuất khẩu của Mỹ chậm lại, giá lúa mì kỳ hạn cũng giảm do mưa có lợi cho các khu vực trồng trọt ở Đồng bằng phía Nam Hoa Kỳ. USD mạnh lên càng gây áp lực lên giá những nông sản này.

Cụ thể, hợp đồng ngô giao dịch nhiều nhất giảm 1-1/2 cent xuống 6,80-3/4 USD/bushel, chạm mức giá thấp nhất kể từ ngày 19/10/2022. Giá lúa mì kết thúc tuần giảm 9-1/4 cent xuống 8,29-1/4 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 19/9/2022.

Ngược lại, giá đậu tương phiên này tăng do dữ liệu xuất khẩu của Mỹ cao. Hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất tăng 6-3/4 cent lên 14,00-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá dầu cọ, dầu đậu tương, cà phê, cao su đều giảm

Giá dầu cọ Malaysia phiên 28/10 giảm trở lại theo đà giảm của các loại dầu thực vật cạnh tranh khác. Giá có xu hướng giảm hàng tuần trong bối cảnh lo ngại nhu cầu chậm chạp.

Cụ thể, hợp đồng dầu cọ giao tháng 1/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 1,25% xuống 4.095 ringgit (867,95 USD)/tấn và thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng này ở mức 4.047 ringgit (857,6 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 0,84%.

Giá dầu thô yếu hơn khiến dầu cọ trở nên kém hấp dẫn trong vai trò là nguồn cung cấp nhiên liệu thay thế.

Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 1,7% và giá dầu cọ giảm 2,55%. Giá đậu tương trên sàn Chicago (Mỹ) đi ngang. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Trong tuần giữa tháng 10/2022, giá dầu cọ đã tăng lên mức cao nhất 7 tuần do lo ngại bão và lũ lụt ở nước trồng lớn có thể làm gián đoạn nguồn cung, trong khi các nhà đầu tư cũng cảnh giác về khả năng tăng thuế nhập khẩu ở nước mua hàng đầu Ấn Độ.

Indonesia đã ban hành cảnh báo lũ lụt cho các tỉnh ở Kalimantan và Sumatra. Mưa lớn liên tục và lũ lụt kéo dài tại Malaysia cũng đã làm gián đoạn việc thu hoạch và vận chuyển trái cọ, cũng như làm giảm chất lượng cọ dầu. Ngoài ra, Ấn Độ đang xem xét đề xuất tăng thuế nhập khẩu dầu cọ cũng là một mối lo ngại đối với thị trường, theo Marcello Cultrera, Giám đốc có trụ sở tại Kuala Lumpur tại Apricus 8 Pte Ltd.

Hội đồng Dầu cọ Malaysia cho biết, giá dầu cọ thô (CPO) đã được công bố ở mức 3.575,80 ringgit/tấn, chịu thuế xuất khẩu tối đa là 8% kể từ tháng 1/2021.

Cơ cấu thuế xuất khẩu CPO của Malaysia bắt đầu ở mức 3% khi giá giao hàng tự do đối với CPO nằm trong khoảng 2.250-2.400 ringgit/tấn. Mức thuế tối đa là 8% khi giá CPO trên 3.450 ringgit/tấn.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng, chịu sức ép bởi triển vọng vụ mùa năm tới ở Brazil được cải thiện và lo ngại rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể hạn chế nhu cầu.

Cụ thể, giá cà phê arabica giao tháng 12/2022 giảm 9,05 cent (-5,1%) ở mức 1,698 USD/lb sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng là 1,6775 USD/lb. Hợp đồng này đã mất 11% giá trị trong tuần qua và 25% trong 4 tuần qua.

Giá cà phê robusta giao tháng 1/2023 cũng giảm 29 USD (-1,5%) xuống 1.849 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng là 1.833 USD/tấn.

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm trong ngày thứ Sáu, theo đà giảm ở thị trường Thượng Hải và sự suy yếu của thị trường nội địa, trong bối cảnh nhiều thành phố ở Trung Quốc đưa ra những hạn chế mới chống Covid-19.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 4/2023 trên Sở giao dịch Osaka giảm 5,6 JPY (-2,6%) xuống 210,4 JPY (1,44 USD)/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Hợp đồng này đã giảm khoảng 4,9% trong cả tuần.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 335 CNY xuống 11.835 CNY (1.636 USD)/tấn.

Những tháng qua đã chứng kiến những lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu cao su ở Trung Quốc chậm lại, do nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản và các đợt nắng nóng làm gián đoạn sản xuất.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan