Thị trường inbound còn ảm đạm, doanh nghiệp hiến kế phục hồi

Thị trường inbound còn ảm đạm, doanh nghiệp hiến kế phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Sự vắng bóng của du khách quốc tế - đối tượng khách chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu ngành du lịch đã khiến các hãng hàng không, dịch vụ, lưu trú, các hãng tàu không thể vực lên.

Bức tranh còn u ám

Phát biểu tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” vừa tổ chức tại TP.HCM, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định thị trường thu hút khách du lịch inbound còn rất ảm đạm.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, thế nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân là do, Trung Quốc là quốc gia có lượng khách quốc tế tới Việt Nam nhiều nhất (với 5,8 triệu khách - khoảng 32% tổng lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam) chưa mở cửa cho du lịch vì chính sách Covid- 19. Qua đầu năm 2023 quốc gia này đang dần mở cửa nhưng chưa đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia để đưa khách đoàn tới. Đến ngày15/3/2023, Trung Quốc mới chính thức cho phép tổ chức các chuyến du lịch theo đoàn tới Việt Nam.

Ngoài ra, ảnh hưởng của bất ổn do xung đột của Nga – Ukraine khiến khách du lịch từ Nga, một nguồn khách truyền thống và quan trọng của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Khối Sun World – Tập đoàn Sun Group cho biết, giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, doanh nghiệp chỉ ghi nhận mức phục hồi khoảng 60%. Trong đó, Phú Quốc là thị trường truyền thống và rất tiềm năng nhưng cũng chỉ đạt 60% so với kế hoạch đặt ra mặc dù du lịch nội địa tăng trưởng rất tốt.

“Tại Hạ Long, tình hình còn u ám hơn khi trong 1 năm vừa qua, nhiều khách sạn tắt đèn hoàn toàn và chúng tôi cũng chỉ đón được lượng khách bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí công viên của chúng tôi (Công viên Sunworld Hạ Long) không mở cửa xuyên suốt 1 tuần vì lượng khách không đủ đông”, bà Nguyện cho biết.

Cần tháo gỡ nhiều chính sách

Theo nhiều doanh nghiệp, chính sách visa du lịch còn cứng nhắc, chưa có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới là một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho khách du lịch quốc tế.

Cụ thể, số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn rất ít, với 24 quốc gia; thời gian được miễn thị thực ngắn, với 15-30 ngày. Trong khi đó, các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ...

Nhưng khi so sánh với Thái Lan, quốc gia này miễn thị thực cho 65 quốc gia, đồng thời miễn visa du lịch với thời hạn lên tới 45 ngày. Chỉ riêng về chính sách xuất nhập cảnh, Việt Nam đang gặp bất lợi trong cuộc tranh đua thu hút du khách từ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc – những thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, nhu cầu du lịch lớn, thời gian lưu trú dài ngày… để bù đắp cho sự thiếu hụt du khách Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các chính sách mới.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore đều có những chính sách thay đổi kịp thời, phát triển sản phẩm du lịch ấn tượng sau dịch Covid-19… đây là những cơ hội để các quốc gia này thu hút khách inbound.

“Tại Thái Lan, quốc gia này có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại, dịch vụ đến các cửa hàng miễn thuế. Trong khi đó, Trung Quốc chủ trương xây dựng đảo Hải Nam thành Khu thương mại tự do, nơi đây có các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới với khoảng 800 thương hiệu. Đây là một trong những giải pháp thu hút được lượng khách du lịch lớn”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Sự vắng bóng của du khách quốc tế - đối tượng khách chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu ngành du lịch đã khiến các hãng hàng không, dịch vụ, lưu trú, các hãng tàu... không thể vực lên nổi dù lượng khách nội địa năm qua tăng vọt. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ các nút thắt và nhanh chóng phục hồi ngành du lịch.

TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch chia sẻ: “Có một thực trạng là khách du lịch từ Việt Nam qua Singapore nhưng không quay lại được Việt Nam nên họ đành lựa chọn qua các quốc gia lân cận, đây là yếu điểm trong chính sách của Việt Nam để giữ chân du khách.”

Do đó ông Nam mong muốn Việt Nam có thể miễn visa cho toàn bộ khách từ các nước khu vực EU vì đây là đối tượng khách an toàn, văn minh. Đặc biệt có thể miễn thêm visa cho khách đoàn nước ngoài vào Việt Nam theo các sự kiện MICE, đánh golf dưới sự xác nhận của các đơn vị tổ chức...

Đặc biệt, việc tăng số nước miễn visa đơn phương, kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và giới thiệu sản phẩm… là các yếu tố giúp doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực.

Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Nguyện đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, cần tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp mong muốn áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.

Ngoài ra, ông Hạnh Nguyễn đề xuất các hãng hàng không sẽ “bắt tay” với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành. Với mô hình này, các bên tham gia đều được hưởng lợi và có nhiều cơ hội thu hút khách quốc tế hơn.

Tin bài liên quan