Thị trường vốn đã hồi phục lại, sau khi mức bán lẻ trên thị trường Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1.

Thị trường vốn đã hồi phục lại, sau khi mức bán lẻ trên thị trường Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1.

Thị trường phố Wall tăng nhờ vào mức bán lẻ

(ĐTCK-online) Vào giữa tuần qua, TTCK phố Wall đã được tiếp thêm một luồng sinh khí mới nhờ vào sự tăng trưởng ngoài mong đợi của mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường Mỹ; đảm bảo chắc chắn thêm một lần nữa rằng, người tiêu dùng sẽ vẫn tiếp tục mua sắm hàng hóa, bất chấp viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Doanh thu của Applied Materials cùng với thông tin Yahoo đang tiến hành liên minh với News Corp đã góp phần thúc đẩy sự tăng giá của cổ phiếu ngành công nghệ thông tin.

Cổ phiếu của các công ty dịch vụ dầu khí cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của thị trường sau khi giá dầu thô tăng lên trên 93 USD/thùng.

Thứ Tư tuần qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,4% và đạt 1.367,20 điểm tại phiên đóng cửa, trong khi đó chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1,5% lên 12.552,24 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,3% lên 2.373,93 điểm.

Thị trường vốn đã hồi phục lại, sau khi mức bán lẻ trên thị trường Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1 so với dự báo sẽ giảm 0,3% trước đây. Bất chấp những dự báo trước rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ hạn chế mức mua sắm của họ lại, khi giá nhà sụt giảm và một viễn cảnh đen tối của thị trường nhân lực tại nước này, những dữ liệu về mức bán lẻ trong tháng 1 vừa qua vẫn được phố Wall chào đón.

Tuy nhiên một vài nhà phân tích vẫn ít lạc quan hơn. “Mặc dù mức bán lẻ là ngoài sự mong đợi trong tháng 1 vừa qua, nhưng về cụ thể thì vẫn yếu hơn,” John Ryding, chuyên gia kinh tế của Bear Stearns, nói. Ông này lưu ý đến việc sụt giảm trong những tháng trước và vấn đề lợi nhuận thu được trong tháng 1 này.

Vào hôm thứ  Tư vừa qua, Tổng thống Bush đã ký một dự thảo kích thích nền kinh tế trị giá 168 tỷ USD, bao gồm việc giảm thuế cho người dân Mỹ và cho các doanh nghiệp; từ đó làm sự phát triển kinh tế không bị chậm lại.

Bất chấp những dấu hiệu tích cực diễn ra vào giữa tuần qua, sự không ổn định trên thị trường vẫn còn cao. Standard & Poors, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm uy tín của Mỹ, cho rằng chỉ số chuẩn của họ đã có 17 ngày tăng hoặc giảm hơn 1% trong suốt 28 ngày giao dịch vừa qua của năm 2008. Đây là lần thứ 3, việc khởi đầu bất ổn này xảy ra trong một năm, sau các năm 1932 và 1933.

Trong ngày thứ Ba vừa qua, khi tỷ phú Warren Buffett nói rằng, ông sẵn lòng tiếp quản một số khoản nợ trị giá 800 tỷ USD của ba công ty bảo hiểm trái phiếu hàng đầu thế giới là MBIA Inc., Ambac Financial Group và FGIC, đã góp phần làm dịu đi những mối lo ngại về cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng. Trong ngày thứ Tư thì cổ phiếu của công ty Ambac Financial đã tăng 5,3% lên 9,37 USD/cổ phiếu. Các hãng bảo hiểm nợ cũng đang phải chống lại tỷ lệ nợ tín dụng nhà đất gia tăng. MGIC Investment, một công ty bảo hiểm nợ của Mỹ, đã lỗ 1,5 tỷ USD trong quý IV/2007. Cổ phiếu của công ty này đã giảm 11,1% xuống còn 12,61 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của hãng bảo hiểm nợ Radian Group cũng đã giảm 10% xuống còn 7,33%, trong khi đó cổ phiếu của Morgan Stanley đã tăng 1,2% lên 43,23 USD/cổ phiếu sau khi hãng này tuyên bố sẽ cắt giảm 1.000 nhân công.

Cổ phiếu của các công ty máy tính và sản xuất chất bán dẫn đã tăng lên nhờ sự thúc đẩy từ công ty Applied Materials. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 10,2% lên 19,91 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu của Apple cũng có mức tăng đáng kể khi tăng 3,6% lên 129,40 USD/cổ phiếu. Trong khi đó cổ phiếu của Coca-Cola giảm 0,9% xuống còn 59,39 USD/cổ phiếu, mặc dù có thông tin rằng, công ty này đã đạt lợi nhuận  hơn mong đợi, khi tăng đến 79% vào quý IV/2007, tương đương 1,21 tỷ USD.