Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán lao dốc, mất gần 35 điểm trong tuần

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán lao dốc, mất gần 35 điểm trong tuần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lao dốc; Tín dụng sẽ tăng trưởng ra sao các tháng còn lại của năm 2023?; “Lỗi hệ thống” trong bán bảo hiểm qua ngân hàng; BOJ tiếp tục duy trì mức lãi suất âm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 22/9 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 68,35 – 69,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,3 USD xuống 1.919,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng bật lên 1.925 USD, nhưng đã hạ nhiệt nhẹ về cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,56 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.060 đồng/USD, giảm 3 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.190 – 24.530 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 26.600 USD thì sang phiên hôm nay đã đi ngang cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,01 USD (+1,13%), lên 90,64 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,82 USD (+0,88%), lên 94,12 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Thị trường sớm lao dốc từ sớm với áp lực bán giá thấp trên diện rộng và VN-Index có thời điểm bốc hơi gần 40 điểm. Tuy nhiên, lực cầu tại một số mã lớn như tại hai mã ngân hàng VCB và BID đã giúp VN-Index “cầm máu” và kết phiên thu hẹp đà giảm, mất gần 20 điểm khi đóng cửa.

Như vậy, tuần giao dịch qua, chỉ số VN-Index đã giảm tổng cộng 34,31 điểm, tương đương -2,8%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 12,87 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 182,97 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/9: VN-Index giảm 19,69 điểm (-1,62%), xuống 1.193,05 điểm; HNX-Index giảm 8,72 điểm (-3,46%), xuống 243,15 điểm; UPCoM-Index giảm 1,63 điểm (-1,77%), xuống 90,76 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (21/9), khi tâm trạng giới đầu tư trở nên tồi tệ hơn bởi lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed sẽ duy trì lâu hơn dự báo.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm hơn 1%, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức đỉnh 16 năm, một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo việc kiểm soát lạm phát vẫn còn một chặng đường dài trước khi tiến gần đến mục tiêu 2%.

Kết thúc phiên 21/9: Chỉ số Dow Jones giảm 370,46 điểm (-1,08%), xuống 34.070,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 72,20 điểm (-1,64%), xuống 4.330,00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 245,14 điểm (-1,82%), xuống 13.223,98 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, ảnh hưởng bởi phiên đêm qua trên phố Wall và việc Ngân hàng trung ương nước này giữ nguyên chính sách tiền tệ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,52% xuống 32.402,41 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,30% xuống 2.376,27 điểm.

Trong một tuyên bố chính sách sau cuộc họp, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ_ cho biết họ sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0.

Trong tuyên bố chính sách, BOJ cho biết: “Với những bất ổn cực kỳ cao xung quanh các nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, Ngân hàng sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đồng thời ứng phó nhanh chóng với những diễn biến trong hoạt động kinh tế và giá cả cũng như các điều kiện tài chính.”

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với kỳ vọng cải thiện tăng trưởng kinh tế, nhưng bảy tuần liên tiếp dòng vốn nước ngoài đã nhấn mạnh những lo ngại về kinh tế và địa chính trị kéo dài đối với nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,55% lên 3.132,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,81% lên 3.738,93 điểm.

"Đã có sự hỗ trợ chính sách đáng kể ở Trung Quốc trong những tuần qua trong lĩnh vực bất động sản và tài chính", giám đốc đầu tư Kelly Chung của Value Partners cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng công ty hy vọng sự phục hồi sẽ tăng tốc trong quý IV.

Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý vào thứ Sáu rằng dữ liệu tháng 8 hầu hết tốt hơn dự kiến, cho thấy tăng trưởng và lạm phát đã chạm đáy, nhưng cũng cảnh báo rủi ro từ lĩnh vực bất động sản và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện trong hai quý tới.

Tuy nhiên, dòng tiền đã chảy ra khỏi chứng khoán Trung Quốc trong bảy tuần liên tiếp, phản ánh những lo ngại kéo dài về sức khỏe kinh tế của Trung Quốc và căng thẳng của Bắc Kinh với phương Tây.

Dữ liệu gần nhất cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 75,9 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc trong tám tháng đầu năm.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ các nhà đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu sau khi thị trường sụt giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng trong tuần này.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,28% lên 18.057,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,68% lên 6.262,61 điểm.

Chỉ số công nghệ tăng 3,7% với những cái tên lớn như Tencent Holdings tăng 3,9% Alibaba Group tăng 4,7% và Meituan tăng 3,1%. Netease tăng 6,2% và BYD tăng 3,3%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, sau khi Fed dự báo một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm và chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp diễn đến năm 2024 so với dự kiến trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,84 điểm, tương đương 0,27% xuống 2.508,13 điểm, thấp nhất kể từ ngày 23/1. Trong tuần, chỉ số này giảm 3,66%, mức giảm tuần mạnh nhất trong một năm.

Kết thúc phiên 22/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 168,62 điểm (-0,52%), xuống 32.402,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 47,73 điểm (+1,55%), lên 3.132,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 402,04 điểm (+2,28%), lên 18.057,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,82 điểm (-0,27%), xuống 2.508,13 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng sẽ tăng trưởng ra sao các tháng còn lại của năm 2023?

Thông tin đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/9/2023 đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8/2023..>> Chi tiết

- “Lỗi hệ thống” trong bán bảo hiểm qua ngân hàng

Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, dư luận và cử tri băn khoăn việc có hay không sự “bắt tay” giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm…>> Chi tiết

- BOJ tiếp tục duy trì mức lãi suất âm

Hôm nay (22/9), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và lưu ý đến “những bất ổn cực kỳ cao” về triển vọng tăng trưởng trong nước và toàn cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan