Tín dụng sẽ tăng trưởng ra sao các tháng còn lại của năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/9/2023 đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8/2023.
Tín dụng sẽ tăng trưởng ra sao các tháng còn lại của năm 2023?

Năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%.

Như vậy, mặc dù đã qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng ngành đề ra, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Trong đó, riêng tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng tháng 8 tại thành phố này tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 8, tín dụng đã tăng trưởng 0,92% so với tháng 7. Tín dụng ngắn hạn tại TP.HCM tăng 4,92% so với cuối năm ngoái, trong khi tín dụng dài hạn tăng 1,88%.

Ngược lại, trên địa bàn Hà Nội, đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đã đạt 10,35% trong khi mức tăng trưởng toàn hệ thống chung chỉ ở mức 5,33% và tại TP.HCM chỉ đạt 3,62%.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Hà Thu Giang cũng cho hay, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước.

Nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm.

Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.

Ngoài ra, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động lên hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nên mức độ rủi ro cũng được đánh giá cao hơn nên ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay và không hạ được chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được ngân hàng cắt giảm so đầu năm nay, mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân.

Thậm chí, một số ngân hàng còn tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 7-8%/năm (thấp hơn cả lãi suất huy động) trong thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm. Vì thế, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2023. Đáng chú ý là khi ngân hàng đang “thừa” tiền, thanh khoản khá dồi dào.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, ngân hàng, trước bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi doanh nghiệp khó khăn. Do đó, giải pháp trước hết là phải kích cầu sức mua, giảm lãi vay... thì ngân hàng mới chữa được bệnh “thừa” tiền.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường đại học kinh tế TP.HCM cũng cho hay, hiện các chính sách của Việt Nam đều tập trung vào phía cung, ví dụ như chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng vấn đề ở đây là phía cầu.

Tuy nhiên, theo ông Huân, nếu phía cầu không có thì hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

"Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt đâu đó khoảng 12-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%”, ông Huân dự báo.

Tin bài liên quan