Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán mất gần 150 điểm trong tháng 9

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán mất gần 150 điểm trong tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng nhẹ; Chính sách tài khóa và tiền tệ cần hợp lực nhiều hơn; Đừng để xói mòn niềm tin của nhà đầu tư; Chọn cổ phiếu cho quý IV; Trái phiếu riêng lẻ: Cửa khó rộng; Nền kinh tế toàn cầu sẽ quay cuồng với lãi suất tăng cao…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/9 tăng 350.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 500.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,40 – 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 0,3 USD lên mức 1.660,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục nhích dần và lên gần 1.670 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 112,06 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.400 đồng/USD, tăng 29 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.730 – 24.010 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 19.500 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,33 USD (+0,41%), lên 81,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,74 USD (+0,84%), lên 89,23 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng điểm

Trạng thái thận trọng và giao dịch nhỏ giọt ngay từ sớm, áp lực bán trên diện rộng đã khiến các các chỉ số đồng loạt giảm sâu.

Bước vào phiên chiều, diễn biến càng trở nên tiêu cực hơn khi các lệnh bán tháo ồ ạt tung ra khiến hàng loạt mã đua nhau nằm sàn, VN-Index bị đẩy xuống dưới mốc 1.100 điểm.

Khi về vùng hỗ trợ này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh mẽ, VN-Index đã bật hồi khoảng 35 điểm từ vùng đáy trong phiên, trước khi thu hẹp đà tăng chút ít trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa trên mốc 1.130 điểm.

Phiên này, cổ phiếu HAG là tâm điểm, khi đã tăng tốc lên mức giá trần tại 13.250 đồng, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 31,42 triệu đơn vị.

Như vậy, trong tháng 9 này, chỉ số VN-Index mất 148,4 điểm, tương đương -11,5%. Còn trong quý III/2022, VN-Index giảm 160,57 điểm, tương ứng -12,4%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,99 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 188,39 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/9: VN-Index tăng 6,04 điểm (+0,54%), lên 1.132,11 điểm; HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,34%), lên 250,25 điểm; UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,3%), xuống 84,96 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục giảm mạnh vào thứ Năm (29/9), do lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể gây khó khăn cho nền kinh tế Mỹ và khi các nhà đầu tư lo lắng về sự thay đổi của thị trường nợ và tiền tệ toàn cầu.

Phiên này, các cổ phiếu công nghệ là Apple và Nvidia Corp sụt giảm hơn 4% đã nhấn chìm Nasdaq xuống gần mức đáy năm 2022, được thiết lập vào giữa tháng 6.

Trong khi chỉ số S&P 500 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số này đã giảm hơn 8% trong tháng 9, và đang tiến gần đến việc kết thúc tháng 9 tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Dow Jones giảm 458,12 điểm (-1,54%), xuống 29.225,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,57 điểm (-2,11%), xuống 3.640,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 314,13 điểm (-2,84%), xuống 10.737,51 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh và ghi mức giảm một tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên làm rung chuyển các thị trường cách đây hai năm rưỡi.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,83% xuống 25.937,21 điểm. Chỉ số này đã giảm 7,669% trong tháng 9, mức giảm trong tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Chỉ số Topix giảm 1,76% xuống 1.835,94 điểm, và cũng là tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Mọi lĩnh vực trên chỉ số Nikkei 225 đều giảm trừ bất động sản, tăng 0,54%. Trong số 225 thành phần của chỉ số, 186 mã giảm giá, 35 mã tăng giá và 4 mã đứng giá.

Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô nằm trong số những mã hoạt động kém nhất, dẫn đầu là Mazda Motor Corp, giảm 8,17%, Mitsubishi Motors Corp, Nissan Motor Co Ltd và Subaru Corp cũng giảm mạnh theo.

Gã khổng lồ Fast Retailing Co Ltd có tác động lớn nhất đến chỉ số Nikkei 225, khi giảm 3,58%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trước kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, theo đà giảm đêm qua trên Phố Wall, do lo ngại lạm phát và rủi ro suy thoái, trong khi một cuộc khảo sát về hoạt động nhà máy giảm cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,55% xuống 3.024,39 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,58% xuống 3.804,89 điểm.

Trong quý này, chỉ số CSI 300 đã giảm 15,2%, ghi nhận mức giảm trong một quý kể từ khi thị trường chứng khoán suy thoái vào năm 2015.

"Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi, chủ yếu do lập trường diều hâu liên tục của Fed về việc tăng lãi suất, các đợt bùng phát Covid-19, cũng như việc đồng nhân dân tệ giảm giá so với USD," Morgan Stanley cho biết trong một ghi chú.

Hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã có sự tăng trưởng trong tháng 9, nhưng tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chậm lại và một cuộc khảo sát về sản xuất trong khu vực tư nhân hạ nhiệt, khi nền kinh tế vật lộn với các biện pháp chống Covid-19 và nhu cầu xuất khẩu giảm.

Các nhà phân tích cho biết, du lịch trong kỳ nghỉ tuần lễ vàng của Ngày Quốc khánh sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, lo ngại về các ảnh hưởng của Covid-19, theo các nhà phân tích.

Các công ty tiêu dùng và liên quan đến du lịch theo đó giảm khoảng 2%, trong khi cổ phiếu năng lượng mới giảm 3,2%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhưng ghi nhận quý tồi tệ nhất trong 11 năm, khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro, trong bối cảnh lo lắng về suy thoái

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,33% lên 17.222,83 điểm, nhưng giảm 14% trong tháng 9 và mất 21,2% trong quý III, quý tệ nhất kể từ quý III năm 2011 với mức giảm khi đó là 21,5%.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,03% lên 5.914,08 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn dẫn dắt thị trường, đã bị bán tháo ồ ạt trong quý III này với các ông lớn Tập đoàn Alibaba giảm 30%, Tencent mất 25% trong khi Meituan giảm 15%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, khi các nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất pin xe điện tiếp tục trượt dốc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 15,44 điểm, tương đương 0,71% xuống 2.155,49 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 10/7/2020.

Chỉ số KOSPI giảm 5,9% trong tuần và trong tháng 9 đã giảm 12,8%, lần giảm đầu tiên trong ba lần và mất 7,6% trong quý III.

“Cổ phiếu ô tô, vốn tương đối vững chắc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn đã sụt giảm do lo ngại về nhu cầu yếu hơn và kéo chỉ số xuống thấp hơn,” Choi Yoo-june, nhà phân tích tại Shinhan Financial Investment, cho biết.

Theo đó, các cổ phiếu của Hyundai Motor và Kia Corp lần lượt mất 2,75% và 3,49%, LG Energy Solution giảm 3,07%, Samsung SDI giảm 3,53% và SK Innovation giảm 1,71%.

Kết thúc phiên 30/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 484,84 điểm (-1,83%), xuống 25.937,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,81 điểm (-0,55%), xuống 3.024,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 56,96 điểm (+0,33%), lên 17.222,83 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,44 điểm (-0,71%), xuống 2.155,49 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chính sách tài khóa và tiền tệ cần hợp lực nhiều hơn

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Trên thực tế, chỉ tiêu này cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả 2 năm 2020, 2021 lần lượt là 12,17% và 13,61%..>> Chi tiết

- Đừng để xói mòn niềm tin của nhà đầu tư

Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Viện Kiểm toán nội bộ Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về câu chuyện minh bạch thông tin của doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Chọn cổ phiếu cho quý IV

Trong bối cảnh xu hướng thị trường khó đoán định và các nhóm ngành được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh, việc chọn sai mã cổ phiếu có thể dẫn tới thua lỗ lớn..>> Chi tiết

- Trái phiếu riêng lẻ: Cửa khó rộng

Nút thắt tâm lý của các thành viên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được tháo gỡ, kỳ vọng dần khơi thông lại hoạt động huy động vốn thông qua công cụ này..>> Chi tiết

- Nền kinh tế toàn cầu sẽ quay cuồng với lãi suất tăng cao

Nếu Fed tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi có điều gì đó đổ vỡ, thì những âm thanh rạn nứt đầu tiên có thể là ở châu Âu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan