Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền thông minh đang sàng lọc cơ hội đầu tư

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền thông minh đang sàng lọc cơ hội đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Làn sóng chào bán vốn cổ phần ở ngân hàng Việt; “Đãi” cơ hội tháng 7; Đón những phiên giao dịch tỷ đô; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trước giờ mở cửa; Ngân hàng Thế giới thực hiện các động thái mới để tăng khả năng cho vay…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 18/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ nhích nhẹ 0,2 USD lên 1.954,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nới đà tăng và lên trên 1.960 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,73 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.714 đồng/USD, tăng 13 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.470 – 23.810 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 30.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này về gần 30.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,54 USD (+0,73%), lên 74,69 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,45 USD (+0,57%), lên 78,95 USD/thùng.

VN-Index thêm một phiên nhích nhẹ

Nhà đầu tư vẫn giao dịch thận trọng trong phiên chiều và diễn biến chỉ số VN-Index không khác nhiều so với phiên sáng khi chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và kết phiên xanh nhạt nhờ một số cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ.

Các trụ đỡ chính phiên này đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng TPB, VPB, STB, TCB và BID trong rổ VN30 và SHB cũng sẽ vào rổ VN30 vào 7/8 khi đều là những mã tăng tốt nhất nhóm bluechip này.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,41 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 433,08 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/7: VN-Index tăng 0,96 điểm (+0,08%), lên 1.174,09 điểm; HNX-Index tăng 0,01 điểm lên 230,96 điểm; UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,25%), lên 87,02 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Hai (17/7), khi các nhà đầu tư hướng tới các công ty lớn tiếp theo trong mùa báo cáo tài chính quý vừa qua.

Các công ty dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này bao gồm Tesla và Netflix, và các ngân hàng lớn như Bank of America, Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng đang trên đà công bố kết quả sau các báo cáo từ JP Morgan và Citigroup vào tuần trước.

Giới phân tích dự báo lợi nhuận các công ty trên S&P 500 sẽ giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Refinitiv, lớn hơn mức giảm 5,7% dự báo vào đầu tháng.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones tăng 76,32 điểm (+0,22%), lên 34.585,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,37 điểm (+0,39%), lên 4.522,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 131,25 điểm (+0,93%), lên 14.244,95 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi những đà tăng của nhóm cổ phiếu liên quan đến ngân hàng và chip đã bù đắp cho lực bán chốt lời.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,32% 32.493,89 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,59% lên 2.252,28 điểm.

Nhóm cổ phiếu Tài chính dẫn đầu đà tăng khi nhích 2,18%, nhờ ảnh hưởng tích cực sau đợt phục hồi của các công ty cùng ngành Mỹ trong những phiên gần đây.

Các cổ phiếu chip cũng nâng đỡ chỉ số với Tokyo Electron đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225, thêm 20 điểm tích cực với mức tăng 1%. Nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 0,6% và cổ phiếu nhà sản xuất chip Renesas Electronics tăng 2,34%.

Chỉ số Nikkei 225 đã phục hồi kể từ giữa tuần trước từ mức giảm 5,4% sau khi đạt mức cao nhất trong 33 năm đóng cửa là 33.753,33 điểm vào ngày 3/7.

Nomura Securities dự kiến Nikkei 225 sẽ dao động trong khoảng từ 32.000 đến 33.000 điểm trong tuần này.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất là công ty internet Rakuten Group, giảm 6,16%. Cổ phiếu này đã tăng khoảng 20% kể từ cuối tháng 6.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi một loạt các nhà phân tích bên hạ dự báo tăng trưởng cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,37% xuống 3.197,82 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,32% xuống 3.854,94 điểm.

Một loạt dữ liệu kinh tế được công bố vào thứ Hai đã xác nhận rằng tăng trưởng vẫn chậm chạp trong quý thứ hai. Các nhà kinh tế và phân tích kể từ đó đã hạ thấp kỳ vọng của họ về tăng trưởng cả năm của Trung Quốc.

Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc 0,7% xuống còn 5% sau khi nước này báo cáo chỉ số GDP quý II "yếu".

"Tuy nhiên, không có ngân hàng lớn nào dự báo con số tăng trưởng dưới 5% vào thời điểm này, có thể là do kỳ vọng chung rằng các gói kích thích chính sách tiếp theo sẽ được đưa ra, ít nhất là để ngăn chặn sự suy thoái hơn nữa", Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, sau khi thị trường mở cửa trở lại sau khi đóng cửa bất ngờ vào thứ Hai do cơn bão Talim, với nhóm cổ phiếu công nghệ đã giảm 2,4%, phần nào phản ánh dữ liệu kinh tế yếu kém chung tại Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,05% xuống 19.015,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,42% xuống 6.400,09 điểm.

Chỉ số công nghệ giảm 2,3%, với Alibaba Group giảm 3,4%, JD.com giảm 4,8% và Tencent giảm 4,7%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản đại lục được giao dịch tại Hồng Kông mất 5,4%, mức giảm tồi tệ nhất trong gần bảy tháng, sau khi nhà phát triển China Evergrande Group công bố lỗ ròng hơn 81 tỷ USD của năm 2021 và 2022, cùng với gần 340 tỷ USD nợ phải trả trong bản báo cáo tài chính quá hạn của doanh nghiệp.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi giới đầu tư thận trọng do các chỉ số kinh tế yếu kém từ Trung Quốc, mặc dù đà tăng của các nhà sản xuất pin đã hạn chế đà giảm của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 11,38 điểm, tương đương 0,43% xuống 2.607,62 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,77% nhưng SK Hynix tăng 0,51%. Hyundai Motor và hãng xe anh em Kia Corp lần lượt mất 0,98% và 0,81%.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,04%, sau khi nhà sản xuất xe điện Tesla tăng 3,2% qua đêm. Công ty mẹ LG Chem tăng 1,34%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt tăng 0,58% và 3,96%.

Kết thúc phiên 18/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 102,63 điểm (+0,32%), lên 32.493,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,81 điểm (-0,37%), xuống 3.197,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 398,06 điểm (-2,05%), xuống 19.015,72 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 11,38 điểm (-0,43%), xuống 2.607,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Làn sóng chào bán vốn cổ phần ở ngân hàng Việt

Với làn sóng số hóa đang lan tỏa rộng rãi khắp khu vực, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư ngoại, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế đối với tiềm năng tăng trưởng của thị trường..>> Chi tiết

- “Đãi” cơ hội tháng 7

Bức tranh hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các doanh nghiệp dần lộ diện, dòng tiền thông minh đang sàng lọc cơ hội đầu tư..>> Chi tiết

- Đón những phiên giao dịch tỷ đô

Gần 75 triệu cổ phiếu STB được giao dịch trong phiên cuối tuần không chỉ giúp cổ phiếu này “thoát sàn” ngoạn mục mà còn đẩy thanh khoản chỉ riêng sàn HOSE lên mức gần 21.000 tỷ đồng..>> Chi tiết

- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trước giờ mở cửa

Dự kiến, ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (TPDNRL) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ chính thức vận hành..>> Chi tiết

- Ngân hàng Thế giới thực hiện các động thái mới để tăng khả năng cho vay

Hôm thứ Ba (18/7), Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố các biện pháp mới nhằm tăng cường khả năng cho vay đối với các quốc gia nghèo nhất..>> Chi tiết

Tin bài liên quan