Thị trường tài chính 24h: Hàng loạt doanh nghiệp lớn “cài số lùi” kế hoạch kinh doanh 2023

Thị trường tài chính 24h: Hàng loạt doanh nghiệp lớn “cài số lùi” kế hoạch kinh doanh 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Bảo hiểm nhân thọ xử lý thách thức; Cổ phiếu ngân hàng có là “tâm điểm của các con sóng”; "Họ” dầu khí: Lợi nhuận sụt giảm; Doanh nghiệp niêm yết không còn "xấu che..."; Fed hướng tới một đợt tăng lãi suất khác…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 13/4 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 11 USD lên 2.014,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng vọt lên trên 2.025 USD và tạm thời đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,32 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.606 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 – 23.610 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 30.000 USD, thì sang phiên hôm nay chững lại và giằng co nhẹ ở trên ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,36 USD (-0,43%), xuống 82,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,46 USD (-0,53%), xuống 86,87 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau khi giằng co nhẹ quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng trong nửa đầu phiên chiều, kịch bản như các phiên trước xuất hiện khi lực cung gia tăng đẩy VN-Index đi xuống và xác lập đáy của ngày lúc hơn 14h.

Dù nảy trở lại trong những phút còn lại của phiên, nhưng trước lực bán quá lớn, chỉ số này không tránh khỏi phiên giảm điểm hôm nay. Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường hôm nay cũng sụt giảm đáng kể so với các phiên trước.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,88 triệu đơn vị, Tổng giá trị bán ròng trong phiên đạt 298,48 tỷ đồng,

Kết thúc phiên giao dịch 13/4: VN-Index giảm 5,15 điểm (-0,48%), xuống 1.064,3 điểm; HNX-Index giảm 2,1 điểm (-0,99%), xuống 209,84 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,26%), lên 79,35 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Tư (12/4) khi giới đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố.

Thị trường quay đầu giảm điểm sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed cho thấy, các quan chức lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nhẹ vào cuối năm nay sau cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Dow Jones giảm 38,29 điểm (-0,11%), xuống 33.646,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,99 điểm (-0,41%), xuống 4.091,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 102,54 điểm (-0,85%), xuống 11.929,34 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ năm liên tiếp nhờ sự lạc quan về đà phục hồi của lĩnh vực bán lẻ trong nước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,26% lên 28.156,97 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,05% lên 2.007,93 điểm.

Cổ phiếu Aeon Co Ltd tăng 2,7% để dẫn đầu trên Nikkei 225, sau khi nhà bán lẻ này cho biết doanh thu quý đầu tiên trong năm 2023 đạt mức cao nhất lịch sử và dự báo lợi nhuận kỷ lục cho năm tới.

Cổ phiếu nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido Co Ltd tăng 1,96%. Các nhà đầu tư sẽ chú ý đến kết quả từ các nhà bán lẻ lớn khác vào thứ Năm, bao gồm nhà điều hành Uniqlo Fast Retailing Co Ltd và chủ sở hữu Muji Ryohin Keikaku Co Ltd.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bị kéo xuống bởi sự sụt giảm của các công ty liên quan đến Chatbot.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,27% xuống 3.318,36 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,69% xuống 4.068,98 điểm.

Cổ phiếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thiết bị truyền thông và chất bán dẫn giảm từ 3,7% đến 4,4% mỗi ngành, đè nặng lên chỉ số chuẩn.

Thị trường ít phản ứng với thông tin, xuất khẩu của nước này trong tháng 3/2023 đã tăng 14,8%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2022, và làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu.

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố trái ngược với cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích do hãng tin Bloomberg thực hiện, với dự kiến xuất khẩu của nước này sẽ giảm 7,1%.

Chứng khoán Hồng Kông đã đảo chiều tăng nhẹ, ngay cả khi những lo lắng bao gồm các cổ đông lớn của những gã khổng lồ công nghệ lớn bán cổ phần.

Cổ phiếu Alibaba Group Holding Ltd có lúc đã giảm tới 5,2% và đóng cửa mất 2%, khi SoftBank Group Corp chuyển sang bán gần như tất cả cổ phần còn lại của mình trong gã khổng lồ thương mại điện tử, Financial Times đưa tin.

Cổ phiếu nhà phát triển bất động sản Sunac China, một trong nhiều nhà phát triển Trung Quốc vỡ nợ vào năm ngoái, đã giảm 55,5% khi cổ phiếu này tiếp tục giao dịch sau hơn một năm bị đình chỉ.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng, nhờ dữ liệu xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc và đồng won mạnh lên.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 11,02 điểm, tương đương 0,43% lên 2.561,66 điểm.

Tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc được thúc đẩy khi Trung Quốc thông báo xuất khẩu bất ngờ tăng mạnh trong tháng 3.

Kết thúc phiên 13/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 74,27 điểm (+0,26%), lên 28.156,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,82 điểm (-0,27%), xuống 3.318,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 34,62 điểm (+0,17%), lên 20.344,48 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,02 điểm (+0,43%), lên 2.561,66 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bảo hiểm nhân thọ xử lý thách thức

Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới quý I/2023 của khối nhân thọ chỉ đạt hơn 3%, giảm rất mạnh so với mức 15% của cùng kỳ năm trước, buộc các doanh nghiệp ngành này phải rốt ráo tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh còn nhiều thách thức phía trước..>> Chi tiết

- Cổ phiếu ngân hàng có là “tâm điểm của các con sóng”

Bất chấp triển vọng lợi nhuận năm 2023 không lạc quan như năm ngoái, cổ phiếu ngân hàng vẫn được coi là “tâm điểm của các con sóng”..>> Chi tiết

- "Họ” dầu khí: Lợi nhuận sụt giảm

Lợi nhuận quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp thuộc “họ” dầu khí ước tính giảm mạnh so với kế hoạch cũng như cùng kỳ năm ngoái..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp niêm yết không còn "xấu che..."

Mùa đại hội năm nay, các doanh nghiệp không ngại giãi bày khó khăn cũng như đưa ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn năm trước. Trước bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro, bất định, dường như những "bước lùi" này dễ nhận được sự cảm thông của cổ đông..>> Chi tiết

- Fed hướng tới một đợt tăng lãi suất khác bất chấp thách thức suy thoái kinh tế

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đang nghiêm về khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa vào tháng tới, mặc dù các cố vấn của Fed cảnh báo một “cuộc suy thoái nhẹ” sẽ xảy ra vào cuối năm nay..>> Chi tiết

Tin bài liên quan