Thị trường tài chính 24h: Hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ có lợi nhuận cao trong năm 2022

Thị trường tài chính 24h: Hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ có lợi nhuận cao trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục lên gần 1.050 điểm; Lãi suất kéo lợi nhuận bảo hiểm; “Lỗ hổng” Vạn Trường Phát; Lợi nhuận quý I: Tăng ít, giảm nhiều; Chuyện những cổ đông chủ động; First Republic Bank phải đối mặt với khả năng hạn chế vay từ Fed…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 28/4 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ nhích nhẹ 0,2 USD lên 1.988,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm về gần 1.980 USD trước khi nảy lên gần 1.985 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,00 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.639 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 29.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp lao dốc khá mạnh về 27.500 USD, trước khi hồi trở lại gần ngưỡng 29.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,22 USD (+0,29%), lên 74,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,54 USD (+0,69%), lên 78,91 USD/thùng.

VN-Index lên gần 1.050 điểm

Trường bước vào phiên sáng nhanh chóng lấy lại sắc xanh và hồi phục lại mốc 1.040 điểm nhờ sự lan tỏa của dòng tiền đến hầu hết các nhóm ngành.

Bước sang phiên chiều, chỉ số đã từng bước nhích nhẹ và giao dịch quanh vùng đỉnh của phiên sáng tại 1.045 điểm.

Bất ngờ đã xảy ra trong đợt khớp lệnh ATC, khi lực cầu gia tăng mạnh đã kéo nhiều cổ phiếu lên vùng giá cao nhất ngày, đồng thời, VN-Index cũng tăng vọt lên sát ngưỡng 1.050 điểm với thanh khoản sôi động, vượt mức 10.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,49 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 335,81 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/4: VN-Index tăng 9,49 điểm (+0,91%) lên 1.049,12 điểm; HNX-Index tăng 1,62 điểm (+0,79%), lên 207,48 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,35 điểm (+0,45%) lên 77,77 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng tích cực trong phiên thứ Năm (27/4), khi đà tăng tốc của Meta và nhóm cổ phiếu công nghệ đã làm lu mờ báo cáo tăng trưởng GDP Mỹ thấp hơn dự báo.

Bộ thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I năm nay chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự báo là tăng 2%. Nhưng nhiều nhà đầu tư lại xem đây là tin tốt, vì đồng nghĩa với Fed có thể sớm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thúc đẩy thị trường phiên này vẫn là nhóm cổ phiếu công nghệ, với Meta (Facebook) tăng13,9% sau khi báo cáo doanh thu quý đầu tiên trong năm 2023 vượt kỳ vọng và đưa ra dự báo lạc quan.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Dow Jones tăng 524,29 điểm (+1,57%), lên 33.826,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 79,36 điểm (+1,96%), lên 4.135,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 287,89 điểm (+2,43%), lên 12.142,24 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong tám tháng, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên các thiết lập chính sách tiền tệ nới lỏng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,4% lên 28.856,44 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,23% lên 2.057,48 điểm điểm.

Đúng như dự đoán, BOJ giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm khoảng 0%, cam kết sẽ "kiên nhẫn" tiếp tục chính sách kích thích.

Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng là nạn nhân của quyết định của BOJ, chuyển từ mức tăng 2,64% vào buổi sáng sang mức giảm mạnh tới 2,41%, do ý tưởng rằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục đè bẹp lợi nhuận cho vay trong tương lai gần.

Đồng yên giảm 0,83% xuống chỉ còn 135 yên/USD cũng đã hỗ trợ thị phần của các nhà xuất khẩu Nhật Bản, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với cổ phiếu công nghệ thông tin (CNTT) và tài chính dẫn đầu.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,14% lên 3.323,27 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,02% lên 4.029,09 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư cũng được hỗ trợ sau cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết chính sách tài khóa chủ động nên được đẩy mạnh.

"Tâm lý nhà đầu tư ổn định phần nào khi sự phục hồi tiêu dùng vẫn đi đúng hướng và lo ngại về sự hồi sinh của Covid- giảm bớt", Morgan Stanley nhận định.

Công ty môi giới cũng cho biết, tâm lý thị trường có thể cải thiện hơn nữa nếu có dữ liệu trong kỳ nghỉ lễ 1/5 tích cực, nhiều dấu hiệu điều chỉnh thu nhập doanh nghiệp chạm đáy và quan hệ Mỹ-Trung ổn định với các dấu hiệu kênh liên lạc trực tiếp được thiết lập lại.

Phiên này, cổ phiếu các công ty tài chính và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng lần lượt 1,6% và 1,1%, với Ping An Insurance Group Co of China Ltd mở rộng đà tăng sau khi tăng 10% trong phiên trước đó nhờ lợi nhuận quý I tốt hơn dự kiến.

Các công ty CNTT tăng 2,4%, trong khi cổ phiếu truyền thông tăng hơn 8% sau khi điều chỉnh trong hai phiên trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, nhờ cổ phiếu công nghệ, với nhà sản xuất chip SMIC dẫn đầu.

Cổ phiếu Ping An tăng 0,9%, trong khi Alibaba nhích 0,3%, cổ phiếu Xpeng dẫn đầu các nhà sản xuất ô tô với mức tăng 2,9%.

Nhà sản xuất chip SMIC tăng 4,2% sau khi Intel dự đoán rằng biên lợi nhuận gộp - một thước đo được theo dõi chặt chẽ sẽ bắt đầu tăng trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất chip lớn và các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,72 điểm, tương đương 0,23% lên 2.501,53 điểm.

Chỉ số KOSPI giảm 1,69% trong tuần, mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng 1, nhưng vẫn kết thúc tháng 4 tăng 2,65%.

"Chỉ số KOSPI đang trong giai đoạn điều chỉnh, đã ghi nhận mức tăng tương đối mạnh hơn so với thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng 4", nhà phân tích Lee Kyoung-min tại Daishin Securities cho biết.

Phiên này, cổ phiếu Samsung Electronics tăng 1,39%, sau khi nhà sản xuất chip này hôm thứ Năm thông báo đà phục hồi dần đối với chip trong nửa cuối năm nay. Cổ phiếu cùng ngành SK Hynix tăng 0,79%.

Cổ phiếu Naver tăng 2,18% và tin nhắn tức thời Kakao tăng 4,12%, theo dõi mức tăng 13,9% của gã khổng lồ Meta của Mỹ đêm qua.

Kết thúc phiên 28/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 398,76 điểm (+1,40%), lên 28.856,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 37,39 điểm (+1,14%), lên 3.323,27 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 54,29 điểm (+0,27%), lên 19.894,57 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 5,72 điểm (+0,23%), lên 2.501,53 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất kéo lợi nhuận bảo hiểm

Sau năm 2021 thất bát, hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam ghi nhận lợi nhuận cao trong năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất ổn định..>> Chi tiết

- “Lỗ hổng” Vạn Trường Phát

Những ngày này, nhiều trái chủ vẫn đang truân chuyên trên dặm trường đòi lại quyền lợi của mình sau khi bỏ hàng tỷ đồng mua trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát)..>> Chi tiết

- Lợi nhuận quý I: Tăng ít, giảm nhiều

Trong các doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận quý I/2023, số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận và thua lỗ chiếm đa số..>> Chi tiết

- Chuyện những cổ đông chủ động

Họ là những người coi đầu tư chứng khoán là nghề nghiệp, am hiểu các công ty mà mình bỏ vốn và không ngại đi xa để tham dự đại hội cổ đông, sẵn sàng chuẩn bị cứ liệu để chất vấn ban lãnh đạo về những vấn đề nóng nhất..>> Chi tiết

- First Republic Bank phải đối mặt với khả năng hạn chế vay từ Fed

Fed và FDIC đang xem xét tiềm năng tài chính của First Republic Bank và hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng không vượt qua được cuộc kiểm tra của Fed có thể phải đối mặt với các giới hạn về tần suất hoặc thời gian vay của Fed..>> Chi tiết

Tin bài liên quan