Thị trường tài chính 24h: Năm 2024, khả năng mặt bằng lãi suất phá đáy vẫn còn để ngỏ

Thị trường tài chính 24h: Năm 2024, khả năng mặt bằng lãi suất phá đáy vẫn còn để ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Lãi suất, mong manh khả năng phá đáy; “Cổ đất” sẽ giảm vai trò dẫn dắt; Năm 2024, MBS gợi ý 2 cổ phiếu tiềm năng; Fed không đưa ra dấu hiệu nào về việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp gần nhất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 22/11 tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và không đổi chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 71,10 – 71,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 20,1 USD lên 1.997,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng bật lên trên 2.000 USD và lùi về sát ngưỡng này vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.885 đồng/USD, giảm 30 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.015 – 24.355 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 37.100 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp rơi khá sâu về 35.800 USD, trước khi hồi lên 36.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-0,55%), xuống 77,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,43 USD (-0,52%), xuống 82,02 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng nhẹ

Trong phiên sáng, tâm lý giằng co của bên mua và bán khiến VN-Index khó tiến xa và chỉ số này vừa chạm vùng MA200 tại ngưỡng 1.115 điểm đã nhanh chóng thoái lui.

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán đã có phần gia tăng khiến VN-Index giảm về gần ngưỡng 1.100 điểm. Tuy nhiên, tại đây lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật hồi và vượt thành công mốc tham chiếu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 26,26 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 587 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/11: VN-Index tăng 3,36 điểm (+0,3%), lên 1.113,82 điểm; HNX-Index tăng 0,69 điểm (+0,3%), lên 230,49 điểm; UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,21%), xuống 86,04 điểm.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Lễ Tạ ơn.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng, khi đồng yên yếu đi đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu xuất khẩu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,29% lên 33.451,83 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,44% lên 2.378,19 điểm.

"Chứng khoán Nhật Bản đã mạnh hơn so với các nước khác gần đây và rất nhiều người vẫn muốn mua cổ phiếu", Naka Matsuzawa, chiến lược gia tại Nomura Securities, cho biết.

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 28% trong năm nay và dự báo năm sẽ đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ là 35.000 điểm vào cuối tháng 6, theo ước tính của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Phiên này, các nhà sản xuất ô tô nhìn chung rất vững chắc, với Subaru tăng điểm 2,29% và hãng xe tải Isuzu tăng 1,92%.

Các chủ hàng dẫn đầu đà tăng của cổ phiếu Tokyo 33 nhóm ngành của Exchange, tiếp theo là giấy và bột giấy, tăng lần lượt 1,8% và 1,34%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi nước này đề xuất các mục tiêu kinh tế tăng trưởng năm 2024.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,79% xuống 3.043,61 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,02% xuống 3.544,42 điểm.

Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc đề xuất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2024, dao động từ 4,5% đến 5,5% cho cuộc họp thường niên của các nhà hoạch định chính sách, khi Bắc Kinh tìm cách tạo thêm việc làm và giữ các mục tiêu phát triển dài hạn đi đúng hướng, Reuters đưa tin.

Để đạt được các mục tiêu như vậy sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải tăng cường kích thích tài khóa, các cố vấn cho biết.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào sự hỗ trợ chính sách mới của Trung Quốc trong những tháng tới để củng cố đà phục hồi vào năm 2024.

Chứng khoán Hồng Kông ít thay đổi, những người tham gia thị trường đứng ngoài chờ đợi nhiều kích thích hơn cho nền kinh tế Trung Quốc khi nước này phải vật lộn để tăng trưởng trở lại trạng thái ổn định.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng không đáng kể lên 17.734,60 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,03% xuống 6.074,83 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà đầu tư nước ngoài đẩy cao lực mua cổ phiếu chip và công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,28 điểm, tương đương 0,05% lên 2.511,70 điểm.

Chỉ số Kospi bật lên ở những phút cuối nhờ nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh cổ phiếu chip và công nghệ, ngay cả khi Nvidia bày tỏ lo ngại về doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong tương lai, Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Trong số các cổ phiếu lớn, Kakao tăng 2,13%, Naver tăng 1,47%. Nhà sản xuất chip Samsung Electronics đi ngang và SK Hynix mất 0,53%.

Kết thúc phiên 22/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 97,69 điểm (+0,29%), lên 33.451,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 24,32 điểm (-0,79%), xuống 3.043,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 0,71 điểm (+0,00%), lên 17.734,60 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,28 điểm (+0,05%), lên 2.511,70 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất, mong manh khả năng phá đáy

Nửa đầu tháng 11, lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục giảm thêm, tiền đề để lãi suất cho vay tiếp tục giảm mạnh. Nhưng nhìn sang năm 2024, khả năng mặt bằng lãi suất phá đáy hay không vẫn còn để ngỏ..>> Chi tiết

- “Cổ đất” sẽ giảm vai trò dẫn dắt

Dù “lên bổng, xuống trầm” và có những giai đoạn tưởng như không thể gượng dậy, nhưng 2023 vẫn là năm cổ phiếu bất động sản cho thấy vị thế “đầu kéo” của mình. Bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam có những chia sẻ khi nhìn lại diễn biến “cổ đất” thời gian qua..>> Chi tiết

- Lợi nhuận doanh nghiệp thép dự kiến tăng 40% năm 2024, MBS gợi ý 2 cổ phiếu tiềm năng

MBS cho rằng giá thép hồi phục khoảng 8% so với cùng kỳ và giá nguyên vật liệu giảm nhẹ 6% là cơ sở để biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép hồi phục và giúp lợi nhuận dự kiến tăng trưởng 40%..>> Chi tiết

- Fed không đưa ra dấu hiệu nào về việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp gần nhất

Theo biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố hôm thứ Ba (21/11), các quan chức đã bày tỏ không muốn sớm cắt giảm lãi suất, đặc biệt khi lạm phát vẫn còn cao hơn mục tiêu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan