Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng đang chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay

Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng đang chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cổ phiếu bất động sản vẫn hút tiền; Đua huy động lãi suất cao, ngân hàng bắt đầu ngấm đòn; Bệnh chung của các F; 5 cổ phiếu trong tiêu điểm đầu tư tháng 5 của Agriseco; Chủ tịch Bundesbank: ECB có thể sắp kết thúc quá trình tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 11/5 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,65 – 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 4,4 USD xuống 2.029,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm xuống dưới 2.025 USD, nhưng đã lấy lại ngưỡng này vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,89 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.632 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.300 – 23.640 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 27.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã hạ nhiệt nhẹ và về gần 27.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,30 USD (+0,40%), lên 72,86 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,40 USD (+0,52%), lên 76,81 USD/thùng.

Nhóm bất động sản vẫn hút mạnh dòng tiền

Giao dịch trở lại trong phiên chiều không có thêm diễn biến nào đáng kể ở các bluechip, khi đều chỉ biến động nhẹ, khiến VN-Index gần như chỉ đi ngang quanh tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, sự sôi động tiếp diễn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi có thêm không ít được kéo lên giá trần, với tâm điểm ở các mã bất động sản, xây dựng với khối lượng khớp lệnh sôi động.

Các mã vừa và nhỏ nhóm bất động sản, xây dựng nhận lực cầu giá cao tích cực và giúp HQC, EVG, QCG, CTD, PTC, HAR, TDG, VPH, UDC và DIG đều đã tăng kịch trần khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,77 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 137,96 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/5: VN-Index giảm 1,14 điểm (-0,11%), xuống 1.057,12 điểm; HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,24%), lên 214,41 điểm; UpCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,37%), lên 79,13 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall biến động nhẹ trong phiên thứ Tư (10/5) sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 4 gần chính xác như dự báo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 4,9%. Con số này thấp hơn một chút so với những gì các nhà kinh tế đã dự báo sẽ giữ ổn định ở mức 5% như trong tháng 3.

Trong khi đó, chỉ số lạm phát lõi (CPI lõi) - loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ hơn so với mức 5,6% trong tháng Ba.

Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Dow Jones giảm 30,48 điểm (-0,09%), xuống 33.531,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,47 điểm (+0,45%), lên 4.137,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 126,89 điểm (+1,04%), lên 12.306,44 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co nhẹ và đóng cửa gần như không đổi, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây và giao dịch thận trọng trong tuần cao điểm báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như chờ cuộc họp cấp cao của G7.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,02% lên 29.126,72 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,14% xuống 2.083,09 điểm.

Gần 300 công ty đã báo cáo thu nhập trong thứ Tư, tiếp theo là khoảng 1.500 công ty khác vào thứ Năm và thứ Sáu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 và các quan chức tài chính sẽ nhóm họp tại Nhật Bản trong những ngày tới.

Phiên này, cổ phiếu Mazda Motor Corp mất 2,69% sau khi nhà sản xuất ô tô cắt giảm doanh số và lợi nhuận.

Cổ phiếu Sumitomo Metal Mining Co giảm 11,73% sau khi dự báo lợi nhuận thấp hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và giá kim loại không chắc chắn.

Cổ phiếu Fujifilm Holdings Corp tăng 5,88% sau kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của thị trường.

Các nhà sản xuất kim loại màu là những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, giảm 4,34%. Các công ty dầu khí là những công ty tăng mạnh nhất, tăng 3,17%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi lạm phát tiêu dùng chậm và dữ liệu giảm phát cho thấy sự phục hồi không đồng đều và làm dấy lên lo ngại giảm phát.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,29% xuống 3.309,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,16% xuống 3.990,66 điểm.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 0,1% trong tháng 4, tốc độ chậm nhất trong hơn hai năm, trong khi tốc độ tăng trưởng tại các nhà máy ngày càng giảm, cho thấy có thể cần nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế chắp vá hậu COVID.

Giá tiêu dùng tăng yếu củng cố các tín hiệu từ dữ liệu thương mại tuần này cho thấy nhu cầu trong nước vẫn mờ nhạt.

Phiên này, cổ phiếu kim loại màu giảm 1% và các công ty trí tuệ nhân tạo giảm 1,6%. Trong khi đó, các công ty năng lượng và truyền thông mới lần lượt tăng 1,3% và 2,1%.

Trong một diễn biến khác, các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã yêu cầu "bốn ngân hàng quốc doanh lớn" giảm trần lãi suất, khi các ngân hàng phải đối mặt với biên lợi nhuận bị siết chặt dưới sức nặng của dòng tiền tiết kiệm và tiền gửi khổng lồ trong bối cảnh rủi ro kinh tế gia tăng.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do ảnh hưởng từ chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tại Đại lục, nhưng nhóm cổ phiếu công nghệ nhích lên đã hạn chế đà đi lên.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,09% xuống 19.743,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,18% lên 6.695,11 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 1,3%, với Alibaba tăng 3,1%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư coi dữ liệu lạm phát thấp của Trung Quốc phản ánh động lực kinh tế yếu của nước này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 5,51 điểm, tương đương 0,22% xuống 2.491,00 điểm.

Các cổ phiếu lớn như gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics Co Ltd giảm 0,62% và SK Hynix Inc mất 0,69%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution Ltd giảm 2,3%.

Kết thúc phiên 11/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 4,54 điểm (+0,01%), lên 29.126,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,60 điểm (-0,29%), xuống 3.309,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 18,41 điểm (-0,09%), xuống 19.743,79 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 5,51 điểm (-0,22%), xuống 2.491,00 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Đua huy động lãi suất cao, ngân hàng bắt đầu ngấm đòn

Trót huy động vốn lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái, nên nhiều ngân hàng đang chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay vì giá vốn đầu vào cao..>> chi tiết

- Bệnh chung của các F

Hành động không dứt khoát là bệnh chung không chỉ của các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, các F0 trên thị trường, mà còn phổ biến ở không ít nhà đầu tư dạn dày trận mạc..>> Chi tiết

- 5 cổ phiếu trong tiêu điểm đầu tư tháng 5 của Agriseco

Sau quá trình nghiên cứu và chọn lọc, Agriseco Research đưa ra 5 cổ phiếu tiềm năng tháng 5, trong đó ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng trong quý II, cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp..>> Chi tiết

- Chủ tịch Bundesbank: ECB có thể sắp kết thúc quá trình tăng lãi suất

Thành viên Hội đồng thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kiêm Chủ tịch Bundesbank, ông Joachim Nagel nhận định, có thể ECB đang tiến gần đến chặng cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất lịch sử..>> Chi tiết

Tin bài liên quan