Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng tăng trưởng đáng khích lệ với bối cảnh hiện tại

Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng tăng trưởng đáng khích lệ với bối cảnh hiện tại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Lợi nhuận ngân hàng quý I/2023 giảm tốc; Cửa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hé mở: Ngân hàng có dám mạnh tay?; Muôn lý do đại hội cổ đông muộn; Trung Quốc và Fed khiến các nhà đầu tư có lựa chọn khó khăn giữa dầu và vàng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 27/4 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm trở lại đúng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,55 – 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,1 USD xuống 1.988,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên và có thời điểm vượt 2.000 USD trước khi để mất mốc này vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,51 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.639 đồng/USD, giảm 6 đồng so hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 29.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp lao dốc khá mạnh về 27.500 USD, trước khi hồi trở lại gần ngưỡng 29.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,09 USD (+0,12%), lên 74,39 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,19 USD (+0,24%), lên 77,88 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng giảm nhẹ với lực mua chủ yếu là thăm dò, dòng tiền vẫn thận trọng và các bluechip tiếp tục phân hóa mạnh với biên độ giá không cao trong phiên chiều, khiến VN-Index chủ yếu giao dịch giằng co nhẹ ngay dưới tham chiếu cho đến khi đóng cửa với thanh khoản sụt giảm.

Hai cổ phiếu trong nhóm bất động sản phiên này thu hút nhà đầu tư nhất là DIG và DXG, khi khớp lệnh cao nhất nhì thị trường, với 32,59 triệu đơn vị tại DIG và 30,2 triệu đơn vị tại DXG.

Cổ phiếu DIG có thời điểm vọt 6%, trước khi hạ nhiệt sau đó và đóng cửa còn +3,6% lên 17.500 đồng, cổ phiếu DXG thậm chí còn có lúc đã chạm giá trần, kết phiên +4,8% lên 13.200 đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,49 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 335,81 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/4: VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,11%), xuống 1.039,63 điểm; HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 205,86 điểm; HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 205,86 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chỉ số Nasdaq trên Phố Wall nhích nhẹ trong phiên thứ Tư (26/4) nhờ đà khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng S&P 500 và Dow Jones suy yếu do lo ngại kéo dài về sức khỏe lĩnh vực ngân hàng.

Cổ phiếu Microsoft Corp tăng vọt 7,2% sau kết quả kinh doanh quý I lạc quan và doanh số bán sản phẩm trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ,

Theo dõi hiệu suất mạnh mẽ trong phân khúc đám mây từ Microsoft, các công ty bao gồm Amazon.com tăng 2,4%, trong khi công ty phân tích dữ liệu Datadog và gã khổng lồ đám mây dữ liệu Snowflake Inc đã tăng từ 10,5% và 8,6%.

Trong khi đó, nỗi lo về ngành ngân hàng lại trỗi dậy khi cổ phiếu của First Republic Bank tiếp tục lao dốc, mất gần 30% xuống mức thấp kỷ lục, kéo chỉ số phụ ngân hàng S&P 500 giảm 1,4%, sau khi có báo cáo cho biết chính phủ Mỹ không sẵn sàng giải cứu ngân hàng này.

Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones giảm 228,96 điểm (-0,68%), xuống 33.301,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,64 điểm (-0,38%), xuống 4.055,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 55,19 điểm (+0,47%), lên 11.854,35 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất nhờ sự lạc quan về kết quả kinh doanh quý I, trong khi lo ngại về sự lây lan của ngân hàng đè nặng ngành tài chính.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,15% lên 28.457,68 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,43% lên 2.032,51 điểm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh tiếp tục với cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị Hitachi Construction Machinery Co tăng 3,67% sau khi cho biết lợi nhuận hoạt động cả năm tăng 45%. Trái ngược với công ty môi giới Nomura Holdings Inc, giảm 7,24% sau khi công bố lợi nhuận hàng quý sụt giảm.

Cổ phiếu Canon Inc tăng 4,16% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 sau khi gã khổng lồ hình ảnh nâng dự báo lợi nhuận. Sony Corp đã tăng 3,54% trước báo cáo kết quả vào thứ Sáu.

Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị chip Advantest Corp giảm hơn 9,21%, mức giảm mạnh nhất trong gần ba năm, sau khi dự báo lợi nhuận không đạt kỳ vọng của thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu là các công ty bảo hiểm khi thu nhập tốt hơn dự kiến thúc đẩy tâm lý thị trường, trong khi các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trước căng thẳng địa chính trị và dữ liệu kinh tế để đánh giá tốc độ phục hồi của nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,67% lên 3.285,88 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,74% lên 3.988,42 điểm.

Các cổ phiếu bảo hiểm tăng 5,9%, với Ping An Insurance Group Co of China Ltd tăng hết biên độ 10%, khi thu nhập quý đầu tiên tốt hơn dự kiến và giúp chỉ số phụ ngành tài chính tăng 1,4%.

Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm với tốc độ chậm hơn một chút trong quý I/2023, nhưng mức giảm vẫn ở mức hai con số khi nền kinh tế phải vật lộn để phục hồi hoàn toàn sau khi thoát khỏi chính sách zero-COVID.

Các nhà phân tích của Citi cho biết lợi nhuận công nghiệp cho thấy mặc dù tăng trưởng kinh tế phục hồi, nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất vẫn kém.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư lần đầu tiên kể từ khi diễn ra xung đột Nga -Ukraine.

Tuy nhiên, căng thẳng với Mỹ vẫn tiếp tục khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bà Gina Raimondo nói rằng các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc như Huawei Cloud và Alibaba Cloud có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và tuyên bố sẽ xem xét yêu cầu thêm những công ty này vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Chứng khoán Hồng Kông cũng được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu bảo hiểm, nhưng đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã hạn chế mức tăng của thị trường.

Cổ phiếu AIA Group tăng 1,6%, trong khi công ty bảo hiểm Ping An tăng mạnh nhất trong bốn tháng với mức tăng 9%.

Trái lại, các cổ phiếu công nghệ lùi bước, với Alibaba Group giảm 1,8%, Baidu giảm 1,7% và Tencent mất 0,9%.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng, cắt đứt chuỗi giảm năm ngày, trong khi tâm lý giao dịch dường như vẫn còn lung lay do lo ngại về lĩnh vực ngân hàng Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 10,98 điểm, tương đương 0,44% lên 2.495,81 điểm, sau khi giảm tới 0,8% trước đó.

Samsung Electronics Co Ltd, cổ phiếu có trọng số lớn trên KOSPI, đã tăng hơn 0,8% sau khi đánh dấu sự phục hồi dần nhu cầu đối với chip trong nửa cuối năm sau khi bộ phận bán dẫn báo cáo khoản lỗ kỷ lục.

Kết thúc phiên 27/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 41,21 điểm (+0,15%), lên 28.457,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,78 điểm (+0,67%), lên 3.285,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 83,01 điểm (+0,42%), lên 19.840,28 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,98 điểm (+0,44%), lên 2.495,81 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng quý I/2023 giảm tốc

Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy có sự giảm tốc so với quý liền trước, song đây vẫn là mức tăng trưởng đáng khích lệ với bối cảnh hiện tại..>> Chi tiết

- Cửa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hé mở: Ngân hàng có dám mạnh tay?

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được quyền mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết thay vì phải đợi sau 12 tháng như quy định hiện hành được giới chuyên gia đánh giá là nhằm giải tỏa áp lực đáo hạn hơn là mở cửa cho ngân hàng mạnh tay đầu tư vào trái phiếu..>> Chi tiết

-Muôn lý do đại hội cổ đông muộn

Nhiều doanh nghiệp đại chúng lùi thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên sang cuối tháng 5, thậm chí cuối tháng 6..>> Chi tiết

- Trung Quốc và Fed khiến các nhà đầu tư có lựa chọn khó khăn giữa dầu và vàng

Cuộc suy thoái hàng hóa cổ điển sẽ khiến nhu cầu chuyển từ dầu mỏ sang vàng, nhưng xu hướng dịch chuyển này hiện có không chắc chắn khi các nhà đầu tư phải đối mặt với các tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch của Trung Quốc..>> Chi tiết

Tin bài liên quan