Thị trường tài chính 24h: Nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023

Thị trường tài chính 24h: Nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Cần mạnh dạn tăng cung tiền và giảm lãi suất; Cổ phiếu ngân hàng, khi "tin xấu" đã rõ; Cổ phiếu ngân hàng, khi "tin xấu" đã rõ; Nợ xấu có thể lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ; Nỗi sợ bị hạ xếp hạng tín nhiệm khiến các doanh nghiệp từ bỏ phát hành trái phiếu mới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 6/3 giảm 50.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,15 – 66,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 20,6 USD lên 1.856,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt nhẹ và về gần 1.850 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.636 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.530 – 23.870 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 23.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,82 USD (-1,03%), xuống 78,86 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,07 USD (-1,25%), xuống 84,76 USD/thùng.

VN-Index hạ nhiệt nhanh

Thông tin tích cực cuối tuần qua về sửa Nghị định 65 đã tiếp sức cho cho thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng, hàng loạt mã vừa và nhỏ tại các doanh nghiệp đang chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đua trần, đưa VN-Index lên mức trên 1.040 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn không mấy được kích hoạt. Đà tăng mạnh của thị trường phần nào là nhờ áp lực bán hạ nhiệt. Sự nghi ngờ đã được thể hiện khi khiến nhiều cổ phiếu trụ hạ độ cao, thậm chí là nhóm bất động sản cũng dần xuất hiện những mã đỏ điểm.

Thị trường dần thu hẹp biên độ tăng và lùi về sát mốc tham chiếu, kết phiên ở vùng giá thấp nhất trong ngày khi chỉ còn tăng nhẹ 2 điểm. Đồng thời, thanh khoản tiếp tục chứng kiến thêm phiên giao dịch ở mức thấp.

Kết thúc phiên giao dịch 6/3: VN-Index tăng nhẹ 2,41 điểm (+0,24%), lên 1.027,18 điểm; HNX-Index tăng 1,67 điểm (+0,82%), lên 206,56 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,27%), lên 76 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nhích lên trong phiên thứ sáu (3/3), nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ giảm từ các mức đỉnh gần đây.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 4%. Nhà đầu tư đã xem mốc 4% là mức trong quan trọng có thể dẫn đến một đợt lao dốc khác trong cổ phiếu. Có những thời điểm trong tuần này khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng trên mốc 4%, chứng khoán đã suy giảm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,75%, S&P 500 tăng 1,90%, Nasdaq Composite vọt 2,58%.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones tăng 387,40 điểm (+1,17%), lên 33.390,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 64,29 điểm (+1,61%), lên 4.045,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 226,02 điểm (+1,97%), lên 11.689,01 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong ba tháng, theo dõi đà tăng của Phố Wall trong phiên trước đó, sau khi các quan chức Fed xoa dịu lo ngại về chính sách thắt chặt quá mức.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,11% lên 28.237,78 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,84% lên 2.036,49 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất hoạt động tốt hơn ở Nhật Bản, giống như ở Mỹ, sau khi Chủ tịch Fed Richard Thomas Barkin nhận xét rằng, lạm phát “có thể đã qua mức đỉnh”. Trước đó một ngày, Giám đốc Fed Atlanta Raphael Bostic cũng ám chỉ rằng lãi suất có thể đạt đỉnh vào mùa hè.

Phiên này, cổ phiếu công ty thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron đã hỗ trợ lớn nhất cho Nikkei 225, cung cấp 50 điểm trong mức tăng 310 điểm của chỉ số với mức tăng 3,1%. Sony cũng nổi bật với mức tăng 2,56%.

Cổ phiếu lớn khác là SoftBank Group đã tăng 2,74%, có thêm động lực từ thông tin rằng công ty con ARM đặt mục tiêu huy động ít nhất 8 tỷ USD từ việc niêm yết tại Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ là 5% cho năm 2023, làm giảm kỳ vọng về việc có thêm nhiều các biện pháp kích thích kinh tế

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,19% xuống 3.322,03 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,52% xuống 4.109,01 điểm.

Trung Quốc đặt mục tiêu khiêm tốn cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay là khoảng 5%, khi nước này khai mạc phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào Chủ Nhật, cơ quan sẵn sàng thực hiện cuộc cải tổ chính phủ lớn nhất trong một thập kỷ.

Các nhà kinh tế của Nomura cho biết: “Do kỳ vọng của thị trường về mục tiêu tăng trưởng GDP đang tăng lên trước phiên họp của NPC, nên thị trường có thể hơi thất vọng và không thấy dấu hiệu của một chương trình kích thích lớn, các nhà kinh tế của Nomura nhận định.

Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý rằng, các nhà đầu tư có thể tìm thêm manh mối về trọng tâm lãnh đạo kinh tế vào năm 2023 từ thông báo về đội ngũ lãnh đạo mới của chính phủ và một cuộc họp báo vào tuần tới.

Hoạt động của các ngành phân hóa trên thị trường, với các nhà phát triển bất động sản sa sút sau khi Trung Quốc cảnh báo trong báo cáo của NPC hôm Chủ nhật rằng rủi ro vẫn còn trên thị trường bất động sản.

Chỉ số ngành quốc phòng tăng 1,2% sau khi Trung Quốc cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng tăng 7,2% trong năm nay.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ nhờ cổ phiếu viễn thông bù đắp cho đà giảm ở nhóm cổ phiếu bất động sản và công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,68% lên 20.603,19 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,03% xuống 6.937,50 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành viễn thông tăng 3%, trong khi cổ phiếu bất động sản đại lục giảm 0,7%. Các gã khổng lồ công nghệ ở Hồng Kông giảm 0,8%, với Tencent giảm 1,3% và Alibaba mất 0,9%.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng phiên thứ tư liên tiếp, đạt mức cao nhất trong hơn hai tuần, với cổ phiếu của các dịch vụ nền tảng trực tuyến dẫn đầu mức tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 30,54 điểm, tương đương 1,2% lên 2.462,61 điểm, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 16/2.

"Tâm lý thị trường được cải thiện cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và đồng đô la yếu đi", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.

Các cổ phiếu nền tảng tăng mạnh với Kakao tăng 4,26 % và công cụ tìm kiếm Naver tăng 4,38 %.

Các cổ phiếu lớn như Gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,65%, SK Hynix tăng 2,75% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,67%.

Kết thúc phiên 6/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 310,31 điểm (+1,11%), lên 28.237,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,37 điểm (-0,19%), xuống 3.322,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 35,65 (+0,17%), lên 20.603,19 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 30,55 điểm (+1,26%), lên 2.462,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cần mạnh dạn tăng cung tiền và giảm lãi suất

Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 3/2023 và những tác động (nếu có) đến thị trường tiền tệ Việt Nam..>> Chi tiết

- Cổ phiếu ngân hàng, khi "tin xấu" đã rõ

Điểm khó khăn nhất của các tổ chức tín dụng, nhưng cũng tiềm ẩn dư địa tăng trưởng nếu vấn đề được xử lý, đó là trích lập dự phòng. Quan trọng hơn, những yếu tố rủi ro của hệ thống ngân hàng đã được nhận diện..>> Chi tiết

- Tín hiệu tạo đáy chưa rõ ràng

Kinh tế Việt Nam đang chống chịu tốt trước các sự kiện vĩ mô tiêu cực trên thế giới, nhưng vận động phục hồi của chỉ số VN-Index chỉ là sự phản kháng trong xu hướng giảm điểm..>> Chi tiết

- Chứng khoán Mirae Asset: Nợ xấu có thể lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ

Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản (BĐS) trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ..>> Chi tiết

- Nỗi sợ bị hạ xếp hạng tín nhiệm khiến các doanh nghiệp từ bỏ phát hành trái phiếu mới

Các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu đã đi vay với chi phí thấp trong nhiều năm đang phải đối mặt với sự trở lại của nỗi sợ hãi quen thuộc một thời là bị hạ xếp hạng tín nhiệm..>> Chi tiết

Tin bài liên quan