Năm 2022, GDP tăng 8,02%, nhưng cung tiền chỉ tăng 5,5%, trong khi vòng quay tiền rất thấp. Ảnh: Dũng Minh

Năm 2022, GDP tăng 8,02%, nhưng cung tiền chỉ tăng 5,5%, trong khi vòng quay tiền rất thấp. Ảnh: Dũng Minh

Cần mạnh dạn tăng cung tiền và giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 3/2023 và những tác động (nếu có) đến thị trường tiền tệ Việt Nam.

Lạm phát của Mỹ đã không giảm như dự kiến, theo ông, hành động của Fed tiếp theo sẽ là như thế nào để chống lạm phát?

Tôi cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất như dự báo là 0,25% sau cuộc họp trong tháng 3/2023, đưa lãi suất lên mức 4,75 - 5%/năm. Theo tính toán của tôi, tổng cộng sẽ có 4 kỳ tăng lãi suất trong năm 2023, với mỗi lần tăng là 0,25%. Theo đó, lãi suất vào cuối năm sẽ ở mức 5,5 - 5,75%/năm, cao nhất kể từ cuối năm 2007.

Liên quan đến hành động của Fed, chúng ta cần phải nhìn vào bản chất lạm phát của Mỹ là cầu kéo, hậu quả của giai đoạn phát hành tiền lớn để chống dịch Covid-19, mặc dù đã được thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chính phủ trung hoà một ít. Tiền vẫn trong lưu thông và tạo ra lạm phát trong dài hạn, chứ không chỉ đơn giản là câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng, hay giá nhiên liệu tăng do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Khối lượng tiền lên tới 30% GDP của Mỹ đã đưa đến lạm phát không chỉ tại quốc gia này, mà còn trên toàn cầu và đây là vấn đề dai dẳng không thể một sớm một chiều giải quyết được.

Tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ thấp và thu nhập của người dân có, nhưng cư dân không dám chi tiêu, bởi lạm phát cao dẫn đến chi tiêu không hiệu quả và kỳ vọng tương lai không rõ ràng nên phải để dành. Với việc không hy vọng lạm phát giảm xuống nhanh nên Mỹ sẽ kiên trì động thái tăng lãi suất ở một mức nào đó và kéo dài trong một thời gian khá lâu cho đến khi lạm phát xuống tỷ lệ 2,5% may ra mới điều chỉnh lãi suất hạ xuống.

Theo ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối kể từ đầu năm 2023, tuy nhiên, dư địa dự trữ ngoại hối được cho rằng vẫn ít để có thể kiềm chế đà tăng của tỷ giá. Vậy tỷ giá sẽ chịu tác động như thế nào trước bối cảnh sắp tới Fed sẽ tăng lãi suất?

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Nếu nhìn lại, hành động bán ngoại tệ để can thiệp và tăng lãi suất để ổn định tỷ giá của cơ quan quản lý trong năm ngoái có đôi chút lệch nhịp khi đồng USD đã giảm giá mới có các động thái này, nên thị trường sẽ lấn át và vô hiệu hoá hiệu suất của việc điều chỉnh.

Cụ thể, đồng Việt Nam mất giá cao nhất so với đồng USD trong năm 2022 là 8%, sau đó được kéo về 3%, nhưng cũng trong thời điểm đó, không cần bất cứ hành động gì, đồng USD cũng tự giảm giá 8% so với chỉ số Dollar Index, từ mức cao nhất 114 xuống 103,4. Nói cách khác, khi chúng ta bắt đầu điều chỉnh lãi suất (tăng - PV) để kiềm chế tỷ giá thì giá USD trên thị trường đã đi xuống. Muốn điều khiển được thị trường, cần vượt trước để đánh vào kỳ vọng, đây là điểm cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Vấn đề tiếp theo sẽ là tại sao USD tự giảm giá về 8% mà đồng Việt Nam chỉ giảm được 5%? Trả lời cho câu hỏi này, chúng ta nhìn lại động thái bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy cơ quan quản lý hướng vào vấn đề khác. Cán cân thanh toán quốc tế năm 2022 bị thâm hụt; trong đó, khoản thâm hụt lớn nhất là lỗi sai sót trên 12 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là một khối lượng ngoại tệ đã chảy ra khỏi Việt Nam mà không kiểm soát được, cần làm rõ các nguồn chảy ra.

Lỗi và sai sót là một mục trong bản cân đối kế toán của thanh toán quốc tế và quốc gia nào cũng có, nhưng tỷ lệ thường rất ít. Ví dụ về lỗi và sai sót, tổng ngoại tệ vào Việt Nam là 1 tỷ USD, ngoại tệ ra khỏi Việt Nam là 1,1 tỷ USD, phần 100 triệu USD thừa ra không giải thích được, không kiểm soát được sẽ ghi là lỗi và sai sót.

Ngoài ra, cần phải có chính sách mới đối với thị trường vàng. Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 50 tấn vàng, mỗi tấn trị giá khoảng 60 triệu USD, có nghĩa Việt Nam đã “mất” 3 tỷ USD. Việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để cân bằng thị trường thực tế là cân bằng khoản ngoại tệ bị chảy ra nước ngoài, trong đó có vàng và nhiều kênh khác.

Kênh khác ở đây là câu chuyện doanh nghiệp bán hàng và lấy ngoại tệ về Việt Nam. Lãi suất USD là 0%/năm ở Việt Nam, nhưng nếu để USD ở nước ngoài (có lãi suất cao hơn - PV) thêm 1 - 3 tháng với lý do khách hàng thanh toán chậm, thì doanh nghiệp sẽ có thêm một khoản tiền. Câu chuyện này tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng giao dịch ở nước ngoài, công ty con ở nước ngoài.

Một vấn đề khác cũng rất nhức nhối, đó là buôn lậu xăng dầu.

Việt Nam thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, buộc phải lấy vàng ra cân đối và điều này đã tác động đến tỷ giá hối đoái.

Quay trở lại vấn đề ban đầu, tôi cho rằng, xu thế đồng USD vẫn trong đà giảm, cho dù Fed tăng lãi suất, nên sẽ không có ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối của Việt Nam.

Khi tỷ giá bớt áp lực và các dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, thì câu hỏi đặt ra là tại sao lãi suất vẫn cao?

Tăng cung tiền tệ và giảm lãi suất điều hành sẽ giúp nền kinh tế tránh được khó khăn về thanh khoản.

Tôi cho rằng, cần tính đến phương án giảm lãi suất, bởi 2 lý do.

Thứ nhất, như tôi đã giải thích ở trên, tỷ giá hối đoái tự thân đã giảm, không phải mối lo, nên cần tính đến giảm lãi suất.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 2,91% với cung tiền (M2) tăng trên 13%; năm 2021, GDP tăng 2,58%, với cung tiền là 10% và năm 2022, GDP tăng 8,02%, nhưng cung tiền chỉ 5,5%. Cung tiền cần tăng bằng với GDP tính theo giá hiện hành là trên 11% (GDP 8,02% cộng với lạm phát trên 3%). Trong khi đó, vòng quay tiền của Việt Nam rất thấp, năm 2022 là 0,64 vòng/năm, năm 2021 là 0,6 vòng/năm, năm 2020 là 0,51 vòng/năm, trong khi ở Mỹ, vòng quay tiền M2 từ 1,6 - 2 vòng/năm. Đây là điều mà Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải xem xét, bởi thanh khoản quá “kẹt”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cung tiền thấp? Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ rồi hút tiền đồng về, trong khi kênh OMO (bơm - hút chủ yếu) hoạt động rất hạn chế do ít “nước”. “Room” cho phép vặn to vòi, nhưng nước trong bể không có, nên tiền trong lưu thông rất hạn chế và lãi suất vì thế tăng lên.

Chúng ta đã chứng kiến kinh tế tháng 2/2023 ở đáy với các chỉ số như GDP, công nghiệp chế biến, chế tạo… rơi rất sâu. Riêng chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) là nhích lên trên mức 50, sau khi có 3 tháng liên tiếp ở dưới ngưỡng trung bình (tháng 1/2023 là 47,4 điểm, tháng 12/2022 là 46,4 điểm, tháng 11/2022 là 47,4 điểm).

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, Việt Nam là một trong những quốc gia có lãi suất thực cho vay cao nhất thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức để chi trả cho mức lãi suất cao như vậy trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, chính sách tiền tệ thường có độ trễ khoảng 6 tháng nên tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn nhanh chóng tăng cung tiền tệ và giảm lãi suất điều hành, tránh trường hợp nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản. Việc kiểm soát lạm phát chi phí đẩy không thể dựa vào một mình chính sách tiền tệ, mà vai trò rất quan trọng của chính sách tài khóa, cụ thể là thuế hàng nhập khẩu.

Ông dự báo đồng Việt Nam có thể mất giá bao nhiêu phần trăm trong năm 2023?

Mặc dù tốc độ tăng lãi suất của Fed và mức độ tăng đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vẫn chưa chấm dứt, nên đồng Việt Nam hiện đang mất giá khoảng 3% và dự báo đến cuối năm 2023 trượt giá 4 - 5%.

Tin bài liên quan