Thị trường tài chính 24h: Thanh khoản chứng khoán đang là nỗi lo

Thị trường tài chính 24h: Thanh khoản chứng khoán đang là nỗi lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 14 điểm; Cổ đông ngân hàng ngóng cổ tức tiền mặt; Xây dựng nguyên tắc trái phiếu toàn diện; Nhiều kế hoạch IPO, lên sàn "đứng hình"; Viện Tài chính Quốc tế: Nợ toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 24/2 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 3,9 USD xuống 1.821,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.825 USD, nhưng đã đảo chiều về gần 1.815 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,87 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.642 đồng/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.630 – 23.970 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 23.800 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ dao động quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+0,52%), lên 75,78 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,49 USD (+0,60%), lên 82,80 USD/thùng.

VN-Index giảm về dưới 1.040 điểm, thanh khoản về mức thấp trong hơn 2 năm

Áp lực bán xuất phát từ nhóm bluechip từ sớm đã lan rộng ra thị trường khiến sắc đỏ dần chiếm áp đảo trên bảng điện tử. VN-Index lùi sát xuống 1.040 điểm.

Bước sang phiên, dòng tiền cũng chỉ nhúc nhắc tham gia khiến thị trường tiếp tục trong trạng thái ảm đạm, chỉ số chủ yếu biến động quanh mốc 1.040 điểm và để rơi mốc này khi đóng cửa.

Thanh khoản đang là vấn đề đáng lo ngại của thị trường khi chứng kiến đây là phiên thấp nhất trong gần 2,5 năm qua xét về giá trị giao dịch (kể từ phiên 12/11/2020 với giá trị đạt hơn 5.880 tỷ đồng).

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,41 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 181,41 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/2: VN-Index giảm 14,1 điểm (-1,34%), xuống 1.039,56 điểm; HNX-Index giảm 1,98 điểm (-0,95%), xuống 207,32 điểm; UPCoM-Index giảm 0,66 điểm (-0,86%), xuống 76,73 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên ngày thứ Năm (23/2), nhưng nhìn chung nhà đầu tư vẫn lo ngại về lộ trình nâng lãi suất của Fed.

Đè nặng lên tâm lý thị trường phiên này vẫn là mối lo về những đợt tăng lãi suất tương lai của Fed, trong bối cảnh những tín hiệu kinh tế trái chiều.

Dù lạm phát vẫn dai dẳng ở mức cao, người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cho thấy sự vững vàng trong chi tiêu và điều này khiến cho việc khống chế lạm phát trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn đối với Fed.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Dow Jones tăng 108,82 điểm (+0,33%), lên 33.153,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,27 điểm (+0,53%), lên 4.012,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 83,33 điểm (+0,72%), lên 11.590,40 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các cổ phiếu liên quan đến chip tăng và thống đốc sắp tới của Ngân hàng Nhật Bản ủng hộ chính sách nới lỏng hiện nay.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,29% lên 27.453,48 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn tăng 0,67% lên 1.988,40 điểm.

Phiên này, những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp chip như Tokyo Electron và Advantest đóng góp gần một nửa trong tổng mức tăng 349 điểm của Nikkei 225, trong đó, Advantest là chỉ số hoạt động tốt hàng đầu, tăng 8,22%, tiếp theo là mức tăng 7,13% của Tokyo Electron, sau khi Nvidia của Mỹ dự báo doanh thu hàng quý tốt hơn mong đợi.

Ứng cử viên Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda đã bắt đầu điều trần tại hạ viện, nói rằng chính sách hiện tại của BOJ là “phù hợp” và “cần thiết”, mặc dù ông nói thêm rằng “nếu triển vọng cơ bản về giá cải thiện hơn nữa, chúng tôi sẽ có không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghĩ về việc bình thường hóa chính sách”.

Trước đó cùng ngày, dữ liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 41 năm vào tháng Giêng.

Chiến lược gia Naka Matsuzawa của Nomura Securities cho biết: “Ông ấy ôn hòa, đúng như dự đoán - hoặc ít nhất là ông ấy không nói bất cứ điều gì cụ thể về thay đổi chính sách”.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi căng thẳng Trung-Mỹ làm sứt mẻ tâm lý nhà đầu tư và kéo hầu hết các lĩnh vực đi xuống, mặc dù các công ty quốc phòng hàng không vũ trụ đã tăng vọt.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,62% xuống 3.267,16 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,04% xuống 4.061,05 điểm.

Thông tin khiến thị trường bị ảnh hưởng là việc Mỹ thông báo chuẩn bị mở rộng quân số giúp huấn luyện lực lượng Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Các công ty quốc phòng hàng không vũ trụ của Trung Quốc đã tăng 1,9% sau tin tức này,

Chứng khoán Hồng Kông lùi bước, khi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,68% xuống 20.010,04 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,28% xuống 6.730,45

Những gã khổng lồ công nghệ niêm yết ở Hồng Kông giảm 3,3% và dẫn đầu đà sụt giảm của thị trường.

Đáng chú ý là cổ phiếu Alibaba giảm 5,4%, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, ngay cả khi công ty báo cáo doanh thu quý cuối cùng của năm 2022 tốt hơn mong đợi vào thứ Năm, nhờ Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế Covid-19 và nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi nhà đầu tư chọn cách bán thu về tiền mặt và trong bối cảnh không chắc chắn về chính sách lãi suất của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 15,48 điểm, tương đương 0,63% xuống 2.423,61 điểm.

Phiên này, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,13% và SK Hynix mất 1,83%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,79%.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 349,16 điểm (+1,29%), lên 27.453,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,32 điểm (-0,62%), xuống 3.267,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 341,31 điểm (-1,68%), xuống 20.010,04 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,48 điểm (-0,63%), xuống 2.423,61 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cổ đông ngân hàng ngóng cổ tức tiền mặt

Nếu như 2 năm trước, nhà đầu tư vui khi được trả cổ tức bằng cổ phiếu do thị giá cao thì năm nay, tiền mặt lại là vua..>> Chi tiết

- SSI Research: HSG và NKG có thể đối mặt với áp lực chốt lời mạnh trong ngắn hạn

Mặc dù giá thép phục hồi có thể tác động tích cực đến hàng tồn kho của HSG và NKG trong quý I/2023, giá cổ phiếu trong ngắn hạn có thể đối mặt với áp lực chốt lời mạnh sau đợt tăng giá vừa qua..>> Chi tiết

- Xây dựng nguyên tắc trái phiếu toàn diện

Xây dựng nguyên tắc trái phiếu toàn diện trên nhiều khía cạnh là hoạt động mà Việt Nam nên nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới..>> Chi tiết

- Nhiều kế hoạch IPO, lên sàn "đứng hình"

Lãi suất tăng, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đã ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý thận trọng hơn sau những trường hợp tăng vốn trước niêm yết… khiến nhiều thương vụ IPO, đưa cổ phiếu lên sàn tạm “đứng hình”..>> Chi tiết

- Viện Tài chính Quốc tế: Nợ toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015

Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) được công bố hôm thứ Tư (22/2) ước tính rằng, giá trị danh nghĩa của nợ toàn cầu đã giảm khoảng 4.000 tỷ USD, đưa con số này trở lại dưới ngưỡng 300.000 tỷ USD vào năm 2022, ghi dấu sự sụt giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2015..>> Chi tiết

Tin bài liên quan