Bà Phùng Thị Thu Hương

Bà Phùng Thị Thu Hương

Thị trường trái phiếu, kỳ vọng sôi động vào năm 2012

(ĐTCK-online) Trước các giải pháp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, thị trường trái phiếu vẫn đang trong tình cảnh ảm đạm cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Khi nào "băng" sẽ tan, doanh nghiệp cần chuẩn bị những điều kiện gì để chớp cơ hội gọi vốn khi thị trường hồi phục. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Khối Thị trường tài chính Việt Nam, Ngân hàng ANZ.

 

Đến thời điểm này, vẫn chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào của năm 2011 thành công, trong khi giá trị huy động trái phiếu chính phủ cũng đạt ở mức thấp. Thị trường trái phiếu năm 2011 sẽ diễn biến như thế nào, thưa bà?

Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, lạm phát và lãi suất trong nước tăng cao khiến thị trường trái phiếu "đóng băng", kể cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, ngay sau khủng hoảng (năm 2009 và 2010), một lượng trái phiếu lớn đã được phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2006 (thời điểm trước khủng hoảng). Đặc biệt, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2010 tăng gấp năm lần so với năm 2006. Điều đó cho thấy, thị trường trái phiếu hồi phục rất nhanh sau khủng khoảng.

Năm nay, với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thị trường trái phiếu chịu rất nhiều thách thức. Vì đây là các khoản vay trung và dài hạn nên các tổ chức phát hành không muốn trả lãi suất cao, trong khi về phía các nhà đầu tư, lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức cao nên khó có thể đầu tư vào trái phiếu có lợi tức thấp. Tuy nhiên, nhìn vào lượng trái phiếu đáo hạn năm 2011 (khoảng 55.000 tỷ đồng) và năm 2012 (khoảng 80.000 tỷ đồng). Lượng thanh khoản này có thể được tái đầu tư vào thị trường trái phiếu nên thị trường trái phiếu hứa hẹn sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Khi nắm trên 100.000 tỷ đồng trong tay, các nhà đầu tư phải tiếp tục đầu tư cũng như các nhà phát hành lại phải tiếp tục huy động vốn để tài trợ cho các dự án của họ.

 

Thị trường khó khăn nên các sản phẩm trái phiếu truyền thống không còn hấp dẫn. Theo bà, các đơn vị phát hành cần phải làm gì để thu hút nhà đầu tư?

Với môi trường lãi suất cao như hiện nay, tôi cho rằng, các tổ chức phát hành nên tính đến sản phẩm lưỡng tính mang tính trung hòa lợi ích của cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành như trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền. Các sản phẩm này sẽ giúp lãi suất của trái phiếu giảm đi đáng kể, đổi lại, tổ chức phát hành đó phải hi sinh một phần vốn chủ sở hữu của mình, chia sẻ lợi ích đó cho nhà đầu tư. Khi phát hành trái phiểu chuyển đổi, sau một thời hạn nhất định, họ chuyển đổi thành cổ phiếu nên lợi ích của NĐT gắn chặt với lợi ích của tổ chức phát hành.

 

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa được xếp hạng định mức tín nhiệm. Bà có nghĩ đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp khi chào bán trái phiếu, nhất là chào bán ra thị trường quốc tế?

Khi doanh nghiệp muốn huy động vốn trên thị trường quốc tế thì việc xếp hạng định mức tín nhiệm gần như bắt buộc, vì các nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều thông tin, hiểu biết về doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc được xếp hạng định mức bởi các tổ chức định giá quốc tế. Nếu các doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu quốc tế thì nên tiến hành sớm.

 

Trong điều kiện thị trường tài chính khó khăn như hiện nay, để huy động vốn qua phát hành trái phiếu, ngoài việc chia sẻ lợi ích với nhà đầu tư thông qua các sản phẩm lưỡng tính, các doanh nghiệp cần hội tụ thêm những điều kiện gì thưa bà?

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn qua phát hành trái phiếu cần chuẩn bị hồ sơ để có thể chớp được cơ hội của thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải bám sát diễn biến của thị trường để khi xuất hiện cơ hội sẽ thực hiện chào bán sớm. ANZ có thể giúp các tổ chức phát hành cập nhật diễn biến của thị trường và tư vấn thời điểm thuận lợi để tổ chức phát hành có thể huy động được vốn với lãi suất hợp lý cũng như đảm bảo cho đợt phát hành thành công.