Ngành Du lịch đang chờ ngày trở lại. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngành Du lịch đang chờ ngày trở lại. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thời cơ để ngành Du lịch “sửa mình” đón nhiều hơn các nhóm khách hàng trung và cao cấp, tạo hiệu ứng dẫn dắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt hai từ ngày 15/3/2023, đây được xem là tín hiệu đáng mong chờ nhất của ngành công nghiệp không khói sau thời gian dài ảm đạm.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO của Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Điểm đến (The Outbox Company) có những chia sẻ về câu chuyện này.

Là đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường du lịch, khách sạn, ông đánh giá thế nào về tác động của thị trường tỷ dân với ngành du lịch Việt Nam?

Trung Quốc luôn là một thị trường quan trọng của ngành du lịch thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Năm 2019, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 32,2% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, vượt hơn 1,6 triệu lượt so với thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2.

Nói cách khác, ở giai đoạn 2015 - 2019, giai đoạn phát triển thịnh vượng của ngành du lịch Việt Nam phụ thuộc một phần quan trọng vào sự bùng nổ của thị trường khách Trung Quốc. Do đó, không quá khó để nhận định rằng, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giữ một vai trò quan trọng đối với du lịch nước ta trong thời gian tới. Du lịch Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc vào thị trường này ít nhất là trong ngắn hạn.

Ông Đặng Mạnh Phước.

Ông Đặng Mạnh Phước.

Có vẻ khách du lịch Trung Quốc giữ vai trò tương tự như một liều doping kích thích sự hưng phấn của toàn ngành?

Vai trò của thị trường Trung Quốc đối với du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng được thể hiện rõ nét qua cách thức mà ngành du lịch Việt Nam phản ứng với sự kiện mở cửa thí điểm cho phép người dân nước này được phép du lịch ra nước ngoài theo đoàn: từ lo âu đến lạc quan.

Rõ ràng với việc phụ thuộc lớn vào thị trường khách Trung Quốc, việc quốc gia này đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm đợt hai mở ra một bức tranh tích cực với nhiều hứa hẹn hơn cho ngành du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đón được 8 triệu lượt khách quốc tế năm nay, đặc biệt trong bối cảnh việc phục hồi thị trường khách quốc tế đang bị đánh giá là kém hiệu quả so với các quốc gia khác trong khu vực.

Cảm giác phấn khởi là điều đương nhiên, nhưng chắc cũng cần có những lưu ý?

Ở góc độ của mình, chúng tôi cũng cho rằng các doanh nghiệp du lịch trong nước cũng cần có những kế hoạch thận trọng và bài bản hơn đối với thị trường khách Trung Quốc để tránh lặp lại những sai lầm trong việc phục hồi các thị trường quốc tế khác giai đoạn trước đây. Cần làm rõ rằng, Chính phủ Trung Quốc chỉ mới đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa cho phép các doanh nghiệp nước này được tổ chức tour du lịch theo đoàn cho du khách chứ không phải là từ ngày 15/3 thị trường khách Trung Quốc đã hoàn toàn phục hồi.

Trên thực tế, ngay cả trong điều kiện mở cửa hoàn toàn, một thị trường bình thường cũng phải cần đến một khoản thời gian nhất định để có thể kết nối lại. Do đó, khách Trung Quốc trong điều kiện lạc quan nhất cũng chỉ có thể trở lại với Việt Nam sớm nhất từ quý II, thậm chí là phải chờ đến quý III năm nay.

Rõ ràng đã là thí điểm thì chưa thể thực hiện trên diện rộng, đây phải chăng là điều các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý?

Việc mở cửa của du lịch Trung Quốc hiện nay về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng thí điểm. Tức là mọi kịch bản đều có thể xảy ra, do đó ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu có các phương án kịch bản khác nhau để có thể linh hoạt phản ứng tùy vào diễn biến của thị trường.

Các doanh nghiệp cũng có thể dựa vào đó để xây dựng các kế hoạch trở lại phù hợp, tránh chậm chân hơn thị trường cũng như lạc quan thái quá về khả năng phục hồi.

Những yếu tố rào cản nào có thể khiến khách Trung Quốc chưa sang Việt Nam nhiều?

Có nhiều rào cản ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực trong việc đón khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng.

Một trong những bất cập lớn đã được các chuyên gia và doanh nghiệp nhấn mạnh gần đây là các vấn đề liên quan đến visa du lịch của Việt Nam, từ độ cởi mở đến sự tiện lợi linh hoạt về quy trình thủ tục.

Theo chúng tôi, về lâu dài, các bên liên quan ở Việt Nam cần sớm trao đổi và có một chính sách visa hấp dẫn hơn cho du khách để nâng cao năng lực du lịch Việt Nam.

Giới chuyên môn nói nhiều đến những tồn tại “trong lòng” ngành du lịch, quan điểm của ông về vấn đề này?

Cần nhấn mạnh rằng, visa chỉ là một trong những hạn chế của du lịch Việt Nam, chứ không phải là rào cản duy nhất làm ảnh hưởng tới khả năng phục hồi du lịch quốc tế của nước ta. Những rào cản ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam xuất phát chủ yếu từ các vấn đề nội tại của du lịch Việt Nam nhiều năm qua hơn như năng lực phát triển sản phẩm, hiệu quả công tác truyền thông điểm đến hay khả năng thấu hiểu thị trường cũng như các vấn đề liên quan đến nền tảng phát triển của du lịch Việt Nam.

Đối với việc thu hút khách Trung Quốc hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận rõ rằng, thị trường khách Trung Quốc vốn chiếm đến 1/3 tổng lượng khách Việt Nam giai đoạn trước đây chủ yếu là phân khúc khách thấp cấp của Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của thị trường khách Trung Quốc trung và cao cấp.

Thị trường Trung Quốc cũng giống như các thị trường khác, nguyên tắc phục hồi sẽ luôn bắt đầu bằng phân khúc khách cá nhân với thu nhập trung cao cấp rồi sau đó mới là sự trở lại của các phân khúc khách phổ thông hơn.

Điều đó giải thích lý do tại sao Việt Nam vẫn chưa thể đón được một lượng khách Trung Quốc lớn như kỳ vọng ở giai đoạn hiện tại – thời điểm mà thị trường Trung Quốc chỉ vừa mới mở cửa. Ngành du lịch Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục chờ đợi và kỳ vọng vào sự trở lại sớm của các phân khúc truyền thống trước đây.

Chúng ta đang cần làm là việc “sửa mình”, “nâng tầm” để đón những đoàn khách cao cấp?

Trong tương lai, để có thể hướng đến các phân khúc khách cao cấp hơn cũng như có thể chủ động hơn trong công tác thị trường, chúng tôi cho rằng đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch trong nước phải có những thay đổi trong tư duy tiếp cận thị trường, đầu tư hơn cho công tác nghiên cứu thị trường và đổi mới chiến lược quảng bá xúc tiến.

Theo ông, ngành du lịch, các điểm đến, các cơ sở lưu trú cần làm gì để phục vụ khách du lịch Trung Quốc nói riêng, khách du lịch nói chung tốt hơn?

Sau Covid-19, không chỉ thị trường Trung Quốc mà toàn bộ thị trường đều có những thay đổi sâu sắc và toàn diện. Các phương án tiếp cận và vận hành cũ trước đây có thể sẽ không còn phù hợp với những thay đổi mới hiện nay của khách hàng.

Do đó, theo chúng tôi, các điểm đến và doanh nghiệp cần có những phương án tiếp cận du khách trực tiếp một cách chủ động hơn thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác gửi khách như trước đây. Việc nâng cao năng lực truyền thông và xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách sẽ là chìa khoá quyết định khả năng thu hút du khách của mỗi điểm đến hay doanh nghiệp trong ngành trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm và duy trì chất lượng dịch vụ đồng nhất và quan tâm hơn đến mức độ hài lòng của du khách cũng sẽ là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Sự hài lòng của một du khách có thể ảnh hưởng lớn tới danh tiếng của cả một điểm đến hay cơ sở lưu trú.

Ngoài ra, trong bối cảnh thay đổi lớn của hành vi du khách như hiện nay và đặc biệt để hướng tới mục tiêu đa dạng hóa thị trường theo hướng cao cấp, chi tiêu nhiều hơn, như đã nói ở trên, các điểm đến và doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam cần có những đầu tư nghiêm túc hơn cho việc thấu hiểu thị trường khách hàng, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về hành vi, nhu cầu của thị trường mục tiêu để có những nền tảng vững chắc và rõ ràng hơn cho các kế hoạch tương lai cũng như phản ứng linh hoạt hơn với bất kì thay đổi nào của thị trường.

Tin bài liên quan