Thời điểm quan trọng để lựa chọn hướng phát triển bền vững

Thời điểm quan trọng để lựa chọn hướng phát triển bền vững

(ĐTCK) Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản trước khi đất nước bước sang năm mới Kỷ Hợi, ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Giám đốc quốc gia và Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, chúng ta cũng đang đứng trước thời điểm quyết định để lựa chọn hướng phát triển bền vững hay không.

Nhìn vào bối cảnh hiện tại, theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức gì trong câu chuyện phát triển bền vững, đặc biệt liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển đô thị?

Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng kinh tế tốt trong hơn 30 năm qua từ khi tiến hành công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0 và diễn biến của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo, Việt Nam đang có cơ hội lớn và đứng trước thời điểm quan trọng để lựa chọn một định hướng phát triển nhanh, xanh và bền vững cho những thập niên tới. Đây cũng là thời khắc quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030.

Biến đổi khí hậu, thiên tai và các sự cố môi trường ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn, tác động nhiều hơn, ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo, hủy hoại môi trường, tài nguyên, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, giảm chất lượng cuộc sống, tạo thêm gánh nặng ngân sách cho vấn đề y tế và phục hồi môi trường, tài nguyên thiên nhiên. 

Vậy theo ông, liệu Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm của các nước phát triển trong phát triển bền vững để vừa đảm bảo được tốc độ tăng trưởng, vừa đảm bảo phát triển bền vững?

Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy nhanh đô thị hóa với tốc độ nhanh nhất ở Đông Nam Á (tăng đều khoảng 3,4%/năm), dự báo đến năm 2025, dân số đô thị sẽ vào khoảng 52 triệu người (chiếm 50% dân số cả nước).

Điều này tạo ra các áp lực rất lớn cho cở sở hạ tầng, vì đường sá, hệ thống cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, cây xanh, quản lý đô thị... hiện đang chưa theo kịp. Đây là cơ sở để thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều yếu tố thiếu bền vững như ô nhiễm không khí ở đô thị, mà nguyên nhân chính là từ xây dựng hạ tầng.

 Ông Đào Xuân Lai

Phát triển đô thị cũng tạo ra các rủi ro mới như ngập úng, ô nhiễm nước và phát sinh các bệnh truyền nhiễm có quy mô lớn. Do quy hoạch sử dụng đất và đô thị còn thiếu đồng bộ, có khu vực phát triển nóng, mật độ xây dựng lớn, không còn không gian hấp thụ và trữ nước, tạo ra ngập úng cục bộ khi có mưa lớn tập trung.

Các đô thị ven biển còn chịu tác động của triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn, càng làm trầm trọng tình trạng ngập úng và phát sinh các thách thức mới, ví dụ điển hình là tình trạng ngập thường xuyên ở TP.HCM mỗi khi có mưa.

Đã có nhiều sáng kiến và mô hình đô thị “không phát thải” và “thông minh” được triển khai thành công ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Phần Lan, chúng đều có điểm chung là xanh - sạch - hiện đại. Ví dụ, TP. Songdo (Hàn Quốc) nói không với xe rác. Ở đây, có hệ thông thu gom chất thải bằng ống khí nén, rác thải bỏ vào thùng rác đặt tại nhà hay trên đường đều được vận chuyển trực tiếp qua đường ống đến cơ sở phân loại và xử lý nơi rác được tái chế hoặc đốt.

Nhiều mô hình đô thị xanh và thông minh được thiết kế một cách tổng thể và đồng bộ, tối đa hóa vận hành tự cung tự cấp, có đầy đủ nhất các hạng mục từ khu dân cư, bệnh viện, trường học, công sở, công viên, giải trí và có cả diện tích và các công trình tạo ra điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió.

Để đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các khu nhà ở và làm việc được thiết kế gần nhau nhằm giảm tối đa khoảng cách đi lại trong ngày - giảm thời gian đi lại và tiêu thụ năng lượng cho giao thông.

Việt Nam đang mọc lên ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng với mật độ dân số cao, theo ông, cần làm gì để giảm các tác động tiêu cực của nó, điển hình là vấn đề hiệu ứng nhà kính?

Các tòa nhà và ngành xây dựng tiêu thụ khoảng 36% năng lượng và đóng góp tới 39% phát thải khí các bon toàn cầu. Theo một nghiên cứu, riêng những toà nhà sử dụng hơn 30% tổng năng lượng tiêu thụ ở Việt Nam.

Để tiết kiệm năng lượng và tài nguyên cho các công trình tòa nhà, quá trình thực hiện phải tổng hòa từ khâu thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại.

Các tòa nhà xanh và thông minh cung cấp một không gian sống thoải mái và tiện lợi cho cư dân sinh sống trong đó, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm nước.

Quy hoạch đô thị để có những thành phố xanh và thông minh, tự cung tự cấp nhiều nhất có thể chính là giải pháp phát triển bền vững cho tương lai. Việc quy hoạch đô thị, đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa các tòa và thiết kế thông minh sẽ cho phép sử dụng tốt đa ánh sáng, lưu thông gió tự nhiên, đồng thời giúp cảnh báo, kiểm soát các sự cố tốt, đảm bảo an toàn cho cư dân, như hệ thống báo cháy.

Ngoài ra, việc sử dụng các vật liệu cách nhiệt tốt sẽ giúp giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, nhờ việc giảm lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị làm lạnh, cũng như sưởi ấm.

Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của các quốc gia phát triển mà Việt Nam có thể học tập khi sử dụng các vật liệu mới, vật liệu tái chế (như tro bay, xỉ than, vật liệu không nung…)?

Việt Nam cũng đã, đang phát triển các vật liệu xây dựng không nung và đã có nhiều công trình ứng dụng các vật liệu này rất hiệu quả. Một trong những điển hình là Ngôi nhà xanh của các cơ quan Liên Hợp Quốc ở 304 phố Kim Mã, Hà Nội, đã sử dụng gạch không nung và lắp đặt hệ thống điện mặt trời, có thể cung cấp hơn 10% lượng điện tiêu thụ trong tòa nhà có hơn 300 cán bộ làm việc thường xuyên.

Gạch không nung là một sản phẩm điển hình giúp cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Phát triển gạch không nung sẽ tận dụng gần 8 triệu tấn tro xỉ than nhiệt điện dư thừa hàng năm mà hiện nay không có nơi tiêu thụ, không mất đất canh tác nông nghiệp cho sản xuất gạch nung, giảm phát thải khí nhà khính gây biến đổi khí hậu và giảm chất thải làm ô nhiễm mối trường do không cần sử dụng than để nung gạch. Ngoài ra, việc sử dụng gạch không nung cách nhiệt tốt giúp giảm lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị làm lạnh và sưởi ấm.

Với một quốc gia như Việt Nam, theo ông, muốn tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thì cần tập trung vào những mục tiêu gì? Giải pháp ra sao?

Để có được các đô thị thông minh, cần có những cải cách lớn về quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời có đủ các công cụ đảm bảo thực hiện chính sách đưa ra. Nâng cao ý thức của công chúng nói chung và người dân sống và sử dụng các khu đô thị và các tòa nhà này cũng đóng vai trò quan trọng.

Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn, đặc biệt là mặt trời và gió. Nếu khai thác hợp lý, Việt Nam có thể lắp đặt điện gió và mặt trời công suất lên đến hơn 110.000 KWh, như thế gần bằng công suất dự kiến lắp đặt điện năng của Việt Nam vào năm 2030, đó là 129.500 KWh. Tăng tỷ lệ phát triển điện mặt trời và gió, giúp giảm sản xuất điện từ than, sẽ giảm ô nhiễm môi trường, trả lại không khí trong lành cho con người.

Giao thông xanh, đặc biệt là chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng các phương tiện giao thông điện đang diễn ra rất mạnh và tạo ra thị trường lớn. Theo một nghiên cứu tổng số xe điện tiêu thụ trên toàn cầu sẽ tăng lên đến 30 triệu chiếc vào năm 2030. Việt Nam có cơ hội trở thành nơi sản xuất và cung ứng các phương tiện này trong tương lai nếu có chính sách và tạo ra được động lực phát triển cho các doanh nghiệp.

Sử dụng các phương tiện giao thông điện sẽ giảm ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng xăng dầu, giảm một phần sử dụng than của việc phát điện. Việc phát triển và chuyển đổi sang các phương tiện giao thông điện cũng đòi hỏi phải chuyển đổi mạnh sang sản xuất năng lượng tái tạo như thế mới tạo ra được những lợi ích cộng hưởng và đồng bộ cho phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan