Trong 10 tháng đầu năm 2020, có 41.783 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 58,7% với cùng kỳ năm 2019.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, có 41.783 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 58,7% với cùng kỳ năm 2019.

Thời điểm vàng để quyết định gói hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

Đây là thời điểm vàng để quyết định! Các doanh nghiệp, giới chuyên gia kinh tế đã nhắc ngay điều này khi phân tích dự thảo chính sách hỗ trợ bổ sung cho đối tượng gặp khó khăn do Covid-19.

Thứ nhất, hàng loạt kiến nghị từ chính doanh nghiệp đã có trong bản dự thảo trên. Có thể kể đến các đề xuất về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp hàng không; giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành trong 2 năm; giảm giá điện trong 3 tháng tới cho cơ sở lưu trú bằng với điện sản xuất; tạm dừng đóng phí công đoàn đến hết năm 2021...

Nếu những giải pháp này được thực hiện, thì ngay lập tức chi phí kinh doanh, áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực sẽ giảm đi đáng kể. Cộng với những phương án hỗ trợ người lao động, kích thích tiêu dùng đồng thời được đề xuất, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn có cơ hội vượt lên, trụ vững.

Thứ hai, doanh nghiệp không thể chờ đợi lâu hơn.

Theo thống kê mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp, trong 10 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 41.783 doanh nghiệp, tăng 58,7% với cùng kỳ năm 2019.

Thứ ba, Quốc hội đang thảo luận, xây dựng một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025... Đây là thời điểm để những giải pháp liên quan đến thuế suất, các giải pháp ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước có thể được tính toán một cách tổng thể, dài hạn, từ đó đưa ra những phương án có tác động thực sự mạnh mẽ, thậm chí có thể là những phương án đặc biệt dành cho thời điểm đặc biệt. Đó là điều mà các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi đầu năm chưa có được.

Điều quan trọng là những giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp cầm cự như các giải pháp tạm chưa thu các khoản phải nộp đưa ra hồi đầu năm, mà nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có đủ nguồn lực phục hồi gắn với tái cấu trúc...

Song, cũng phải nhắc lại tỷ lệ doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua là rất lớn, cho dù các giải pháp được đưa ra khá kịp thời.

Cuộc điều tra doanh nghiệp do Trường đại học Kinh tế quốc dân thực hiện từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020, với 6 ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, gồm du lịch, lưu trú, ăn uống; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; logistics; dệt may; công nghệ thông tin và bất động sản cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô và dừng hoạt động, nhưng số tiếp cận được các gói hỗ trợ chỉ là 20%.

Có 2 lý do chính được doanh nghiệp nhắc tới. Một là, không đáp ứng điều kiện nhận hỗ trợ, chiếm gần 55% và hai là, không nắm rõ chính sách, với 26,2% doanh nghiệp. Đặc biệt, hơn 14% doanh nghiệp cho rằng, quy trình thủ tục khó khăn, phức tạp và thiếu minh bạch. Hệ quả là doanh nghiệp không đủ cơ sở để tính toán các phương án kinh doanh đặc biệt cho giai đoạn đặc biệt này.

Các đề xuất chính sách đã có. Điều kiện cần để có những quyết sách kịp thời, quyết liệt cũng đã có. Nhưng thời điểm đặc biệt đang rất cần tư duy đặc biệt để có những quyết định đặc biệt.

Tin bài liên quan