Nhiều dự án nhà ở tại Hà Nội bị bỏ hoang hóa, trở thành bãi chăn thả gia súc. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều dự án nhà ở tại Hà Nội bị bỏ hoang hóa, trở thành bãi chăn thả gia súc. Ảnh: Dũng Minh

Thu hồi đất: Lo tiếp tục “bắt cóc bỏ đĩa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều địa phương đang đẩy mạnh thu hồi các dự án chậm triển khai, nhưng một lần nữa mối lo tái diễn cảnh “bắt cóc bỏ đĩa” được đề cập tới, khi mà những vướng mắc, bất cập liên quan tới việc thu hồi đất vẫn nguyên.

“Tại anh, tại ả”

37 dự án với tổng diện tích 1.878 ha đất là số dự án được Tổ công tác của Ban chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội trình lên UBND Thành phố kiến nghị thu hồi, chấm dứt hoạt động tại cuộc họp gần đây.

Dù không phải là câu chuyện mới mẻ gì, nhưng mỗi lần bản danh sách được Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật để trình cơ quan cấp trên đều thu hút sự quan tâm lớn, đặc biệt là từ người dân Thủ đô, khi việc công bố, kiến nghị liên tục được thực hiện nhưng kết quả giải quyết thu hồi dự án đều không đạt kỳ vọng. Nếu chỉ xét riêng các dự án hạ tầng đô thị, con số dự án chậm triển khai còn lớn hơn nhiều và tập trung ở một số khu vực ngoại thành như Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai...

Đáng chú ý, nhiều dự án được cấp phép xây dựng từ hàng chục năm trước tới nay vẫn chưa triển khai. Đơn cử, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) được cấp phép từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nhếch nhác, là nơi chăn thả trâu bò…, vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa làm đảo lộn cuộc sống, mất kế sinh nhai của nhiều người dân có đất bị thu hồi làm dự án.

Các cuộc họp của các cấp chính quyền bàn về việc xử lý dự án này, theo nhiều người dân, cho tới nay gần như “đếm không xuể” mà vẫn chưa đưa ra được đường hướng giải quyết cụ thể vì nhiều lý do, trong đó đúc rút lại là “rất khó”, “rất phức tạp” như lời lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từng than thở. Chính quyền địa phương cho rằng, nguyên nhân khiến dự án bê trễ kéo dài là do chủ đầu tư không chủ động triển khai dự án, trong khi chủ đầu tư “đổ lỗi” cho Thành phố chưa hoàn thành bàn giao đất nên chưa thể triển khai.

Dự án Thành phố Công nghệ xanh ở quận Nam Từ Liêm cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi chủ đầu tư đã phải gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ để xin điều chỉnh lại quy hoạch, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư do vướng giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm triển khai hơn 10 năm qua.

Cũng tại Nam Từ Liêm, dự án Khu tập thể Cơ khí số 5 được quy hoạch thuộc phạm vi dự án Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ đã được phê duyệt triển khai từ hơn 15 năm trước. Tuy nhiên, đến nay, phần dự án trên địa bàn Tổ dân phố Nhuệ Giang chưa được xây dựng, dẫn đến việc các hộ dân tại đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ), không được chia tách, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cũng không được cấp phép xây dựng, gây bức xúc cho người dân.

Ở quận Tây Hồ, dự án Khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê (dự án Sông Hồng City) với diện tích 51.300 m2 tại khu vực hồ Nghĩa Dũng (nay thuộc địa giới phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Phúc Xá, quận Ba Đình), chủ đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1995 (thời hạn sử dụng đất là 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039) và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, sau 25 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư đến nay, dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm “trên giấy”.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thông tin, cả nước hiện có hàng nghìn dự án treo và Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều dự án treo nhất, đồng nghĩa với việc số vốn bị treo rất lớn. Con số này ở khía cạnh nào đó nói lên sự phức tạp trong công tác thu hồi dự án chậm triển khai và để lại nhiều hệ lụy, mà trước tiên là không đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Không riêng Hà Nội, việc xử lý các dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai cũng đang là bài toán gây “đau đầu” ở nhiều địa phương. Chẳng tại, tại Thanh Hóa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82 ha, trong đó có tới 247 dự án (chiếm 15,28%) thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng và 60 dự án thuê đất (chiếm 3,71%) đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng. Tuy nhiên, tới nay, UBND tỉnh mới ra quyết định thu hồi được 21 dự án với tổng diện tích khoảng 89,88 ha.

Lý giải việc chậm triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đưa ra nhiều nguyên nhân, cả khách quan là do cơ chế hay chủ quan là đánh giá chưa đúng năng lực chủ đầu tư, nhưng riêng nguyên nhân “chưa đánh giá đúng năng lực chủ đầu tư”, theo các chuyên gia, đây là tiêu chí mang tính định tính rất lớn, bởi để xác định một chủ đầu tư có đủ năng lực triển khai dự án là không dễ dàng.

Bao giờ có “thuốc đặc trị”?

Trung tuần tháng 7/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp đồng bộ, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch; thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định…

Theo TS-KTS. Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc đẩy mạnh công tác thu hồi dự án “treo” là cần thiết nhưng lại thiếu “thuốc đặc trị”, dẫn tới tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” kéo dài.

Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Đất đai năm 2003 quy định, trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án sẽ bị thu hồi. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

“Quy định là vậy, nhưng rất khó triển khai trên thực tiễn bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi đất. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, ông Chính nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, rõ ràng là có sự thiếu quyết liệt, nhất quán, buông lỏng quản lý nên mới xảy ra tình trạng không thể thu hồi đất tại những dự án bê trễ kéo dài.

“Dường như cơ quan quản lý các địa phương đã không nhìn nhận một cách đầy đủ và cân đối các lợi ích, không đủ tầm nhìn từ khi quy hoạch đến khi chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án và đến điểm cuối là không sẵn sàng, không dám và không muốn thu hồi dự án, hoặc có thể chuyển dự án đó để đầu tư sang một lĩnh vực khác có lợi hơn…”, ông Nhưỡng nêu vấn đề.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết dứt điểm các dự án treo tại Hà Nội cũng như các địa phương khác, cần kiên quyết hơn và có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, chẳng hạn chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp.

“Theo phương án này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn bởi nếu nhà đầu tư này không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn để triển khai, vừa giúp hạn chế tình trạng đầu cơ đất, ôm đất chờ thời”, ông Võ nói.

Tin bài liên quan