Hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, như ANA, AEON, Mitsui... đã và đang tích cực triển khai dự án tại Việt Nam. Trong ảnh: Trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh.

Hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, như ANA, AEON, Mitsui... đã và đang tích cực triển khai dự án tại Việt Nam. Trong ảnh: Trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh.

Thu hút FDI trong kỷ nguyên mới (Bài 4): Dòng vốn mới, bộ lọc mới

Nếu như 30 năm qua, cùng với hành trình Đổi mới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu, thì nay, dòng vốn ấy sẽ lại tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong hành trình đi đến thịnh vượng.

Bài 4: Dòng vốn mới, bộ lọc mới

Định hướng chiến lược trong thu hút FDI giai đoạn mới đã ngày càng sáng tỏ, nhưng điều quan trọng là làm sao có thể thực hiện được chiến lược đó, thu hút được đúng dòng vốn FDI mà mình cần? Câu trả lời nằm ở “bộ lọc” mới.

Nỗi trăn trở của đầu tàu thu hút FDI

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP.HCM, với lũy kế đến nay đạt gần 32,9 tỷ USD. Thậm chí, nếu chỉ tính 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội đứng đầu, với trên 5,8 tỷ USD.

Điều đó khiến ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội không khỏi tự hào. “30 năm qua, dòng vốn FDI đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Nhưng trong nỗi trăn trở của người đứng đầu UBND TP. Hà Nội, vẫn còn khá nhiều hạn chế, bất cập của dòng vốn FDI, từ chuyện quy mô dự án FDI còn nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thấp, dẫn tới có tình trạng “dự án ngoại, vốn nội”, lại có cả chuyện bỏ trốn, đăng ký dự án nhưng không triển khai; đến chuyện số doanh nghiệp FDI hoạt động không hiệu quả, nợ thuế chiếm tỷ trọng khá lớn, có doanh nghiệp “lỗ giả, lãi thật” để chuyển giá..; rồi chuyện dự án công nghệ cao còn ít...

Để có động cơ đúng đắn trong thu hút FDI, theo tôi, phải đưa ra hệ thống chỉ tiêu đánh giá khác đi, ví dụ số lao động sử dụng trên số vốn bỏ ra, so với diện tích đất thuê, đóng góp ngân sách bao nhiêu…

- ông Nguyễn Xuân Thành, Trường đại học Fulbright Việt Nam

Nguyên nhân được ông Nguyễn Đức Chung chỉ ra là tâm lý “nôn nóng, thu hút đầu tư chạy theo số lượng” của địa phương, cùng cả nguyên nhân từ phía chủ đầu tư.

“Sự thông thoáng trong thủ tục cấp phép đã tăng quyền tự chủ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, song lại thiếu chế tài, công cụ giám sát, ràng buộc và xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện đúng cam kết, nội dung đăng ký đầu tư về tiến độ, vốn..., dẫn đến tình trạng một số dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực về đất đai, tài nguyên, ảnh hưởng đến hiệu quả và môi trường đầu tư”, ông Chung cho biết.

Thực tế, đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội, mà là của cả nước nói chung trong thu hút và quản lý vốn FDI. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng đã từng nhấn mạnh rằng, thu hút FDI hiện nay vẫn đang “gắn với thành tích chính trị của chính quyền địa phương nhiều hơn là hiệu quả thực sự”.

Vì là thành tích chính trị, nên có những địa phương đã thu hút FDI bằng mọi giá, bất kể hiệu quả và hệ lụy của dự án ra sao.

“Thậm chí, để thu hút FDI, nhiều địa phương đã phải bỏ tiền ra đầu tư kết cấu hạ tầng, hy sinh quỹ đất, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư rất tốn kém..., nhưng liệu đồng vốn thu hút được có xứng đáng với số tiền mà nhà nước bỏ ra?”, ông Đậu Anh Tuấn đặt câu hỏi.

Vì thành tích chính trị, nên đã xuất hiện những “cuộc đua xuống đáy” của các địa phương trong thu hút FDI. Vì thoáng tiền kiểm mà chưa chặt hậu kiểm, nên có chuyện chuyển giá, chuyện gây ô nhiễm môi trường như Formosa...

“Nhưng sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta phải tự đứng lên. Sau câu chuyện của Formosa, chúng ta thấy rất rõ cần phải quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, chuyện công nghệ và hiệu quả của các dự án.

Đó là bộ lọc mà sau này, khi thu hút FDI, chúng ta phải quan tâm. Sẽ không có chuyện chỉ hô hào thu hút FDI theo chiều rộng, mà không quan tâm đến chất lượng đầu tư nữa”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Dòng vốn mới, bộ lọc mới

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc không giấu sự tự hào khi kể rằng, mới đây, Vĩnh Phúc đã từ chối một dự án FDI quy mô hơn 300 triệu USD (Dự án dệt nhuộm của TAL - PV), mà chỉ cần nhìn vào con số đó, không ít địa phương “thèm muốn”. “Trong quá trình đánh giá tác động môi trường, chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề, nên đã từ chối”, ông Thành nói.

Thậm chí, theo ông Thành, xác định nguyên tắc bất di bất dịch là phát triển phải đi đôi với bền vững, gìn giữ môi trường và đảm bảo đời sống nhân dân, nên khi thu hút FDI, Vĩnh Phúc không chỉ chọn lựa rất kỹ lĩnh vực thu hút đầu tư, mà còn rất quan tâm đến các chỉ số đánh giá chất lượng dòng vốn đầu tư. “Nếu chưa đạt, chúng tôi buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh”, ông Thành nói.

Thực tế, thời gian qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, một số địa phương đã bắt đầu nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright Việt Nam), các tỉnh quan tâm đến các chỉ tiêu về vốn thu hút được, vốn giải ngân, chứ chưa quan tâm tới hiệu quả thực sự của dòng vốn FDI.

“Để có động cơ đúng đắn trong thu hút FDI, theo tôi, phải đưa ra hệ thống chỉ tiêu đánh giá khác đi, ví dụ số lao động sử dụng trên số vốn bỏ ra, so với diện tích đất thuê, đóng góp ngân sách bao nhiêu…

Khi doanh nghiệp Việt Nam muốn kêu gọi đầu tư của các quỹ nước ngoài, họ cũng công bố các chỉ tiêu như thế. Nếu chúng ta cũng có chỉ tiêu như vậy, học tập kinh nghiệm từ các quỹ đầu tư nước ngoài, thì tự nhiên sẽ trở thành cơ chế khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn đúng vào lĩnh vực mà Việt Nam cần”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Đó là một thực tế. Nhưng tới đây, sẽ không chỉ là khuyến nghị từ các chuyên gia, hay những việc làm kiểu “tự phát” như Vĩnh Phúc, mà một “bộ lọc” mới trong thu hút và quản lý dòng vốn FDI trong kỷ nguyên mới đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và sẽ được triển khai trong cả nước.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tới đây, sẽ xây dựng công cụ quản lý FDI bằng các chỉ số nhằm không chỉ phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp ưu đãi đầu tư, mà còn đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI.

Tất cả phải được lượng hóa ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư để các địa phương dễ dàng hơn trong việc đưa ra lựa chọn của mình.

Bộ chỉ số này, theo dự kiến, sẽ bao gồm suất đầu tư/diện tích đất sử dụng đối với một số dự án chiếm đất lớn; lao động/vốn đầu tư để xác định mức độ thâm dụng lao động; tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/tổng vốn đầu tư; tỷ lệ đào tạo và sử dụng lao động có kỹ thuật, quản lý/tổng lao động; đầu tư cho bảo vệ môi trường/tổng vốn đầu tư…

Thậm chí, để cấp ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp FDI, sẽ phải dựa vào các tiêu chí cụ thể, như mức độ sử dụng nguyên liệu đầu vào từ doanh nghiệp trong nước; số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia liên kết; giá trị xuất khẩu được tạo ra/nhập khẩu được thay thế; đầu tư R&D/vốn thực hiện; vốn đầu tư cho đào tạo, nâng cao trình độ lao động, đào tạo lại/vốn đầu tư…

Chưa kể, ở các cấp địa phương, trong quá trình thu hút và quản lý dòng vốn FDI, phải quan tâm tới các chỉ số như vốn thực hiện/vốn đăng ký; vốn đăng ký hoặc vốn thực hiện/chi phí xúc tiến đầu tư hàng năm; dự án triển khai hoạt động/tổng số dự án…

“Khi xây dựng được các tiêu chí này, áp dụng thống nhất cả trong khâu hậu kiểm, chúng ta sẽ lọc được các dự án FDI tốt và có hiệu quả cao với kinh tế - xã hội”, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nói.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Chung còn cho rằng, tới đây, cần tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, giám sát hiệu quả thực hiện dự án sau cấp phép.

Chẳng hạn, bổ sung các quy định về tỷ lệ vốn góp thực hiện dự án trên tổng vốn đầu tư đăng ký để đảm bảo tính khả thi của dự án; bổ sung quy định về tỷ lệ mức vốn góp tối thiểu phải đáp ứng của nhà đầu tư nước ngoài đối với mỗi lĩnh vực đầu tư để phát huy thế mạnh, tiềm năng khai thác vốn đầu tư...

“Cũng cần bổ sung cơ chế phối hợp quản lý, giám sát sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa các địa phương, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu chung về FDI để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước (về đầu tư, doanh nghiệp, thuế, hải quan, lao động….), nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư theo quy định”, ông Chung nói.

Kỷ nguyên mới của dòng vốn FDI

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút FDI. Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng hồ hởi nói: “Giờ là lúc để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng”.

Cơ hội là rất lớn, nhưng việc Việt Nam có thực sự đón được “kỷ nguyên mới” của dòng vốn FDI lại phụ thuộc vào hành động của Việt Nam.

Thông tin cho biết, ngay sau Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bắt tay vào việc hoàn thiện Đề án Tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng vốn FDI và chủ động chuyển hướng chính sách trong giai đoạn tới.

Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động chuyển hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả FDI trong giai đoạn tới cũng đã bắt đầu được xây dựng để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị thông qua và ký ban hành. Sau đó, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết này.

Ngay sau khi chủ trì Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bên lề Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản và chuyến thăm Nhật Bản (từ ngày 7 - 10/10), đã có cuộc tiếp hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, như Tập đoàn ANA, Tập đoàn AEON, Công ty Mitsui...

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã khẳng định cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực hàng không, bán lẻ, kết cấu hạ tầng…

Những động thái trên cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu hành động và đã sẵn sàng để đón dòng đầu tư mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin bài liên quan