Thủ tướng hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Tín

Thủ tướng hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Tín

Thủ tướng Chính phủ: "Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt"

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tích cực triển khai quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù giữ vị thế hết sức quan trọng về cả chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng…, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.

Nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, thì đây là điểm nghẽn lớn nhất, cũng là đòi hỏi lớn trong yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

“Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước. Năm 2020, cả nước có tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%”, Thủ tướng nêu ví dụ.

Ngoài ra, quy mô kinh tế của Vùng vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm 12,08% GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước (53,98 so với 80,21 triệu đồng/người). Tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn cả nước (27,2%, cả nước là 40,5%).

Đặc biệt, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu.

Trước hết, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển tải của cải vật chất được sản xuất tại Vùng ra cả nước và thế giới; thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của Vùng…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021…

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Nhưng trước mắt, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; xây dựng các trường đại học có thương hiệu trong nước và khu vực.

Về triển khai quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

“Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém nhằm tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển”, Thủ tướng nói.

Ông cũng tiếp tục nhấn mạnh, muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.

Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất”. Không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng cho rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Ảnh: Lê Toàn
Thủ tướng cho rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Ảnh: Lê Toàn

Điểm nữa, cần sớm đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư, thực hiện phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…); tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng”, Thủ tướng nói thêm.

Điểm nữa, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

“Quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, các chính sách xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội”, Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các Nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo thẩm quyền, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng thảo luận, bàn bạc, tập trung giải quyết.

Thủ tướng cho rằng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá.

Đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Thủ tướng nói.

Thông qua Hội nghị này, ông kỳ vọng có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vì lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tin bài liên quan