Tăng trưởng ngành nông nghiệp không hoàn thành mục tiêu
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, có ¾ chỉ tiêu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thành vượt kế hoạch. Chỉ tiêu duy nhất đạt thấp là tăng trưởng toàn ngành (2,2%).
“Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải thích. Theo ông, khoảng 5,9 triệu con với trọng lượng 337.800 tấn, chiếm 8,9% tổng sản lượng thịt cả nước đã bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng và xảy ra ở nhiều địa phương. Đàn heo giảm khoảng 26,8% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt heo cả năm khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Trung ương Đảng, Chính phủ tổ chức đã chỉ đạo tiêu hủy, tiêu độc khử trùng dập dịch ngay khi dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019. Đồng thời, Bộ cũng đã chủ động khuyến khích nuôi gia súc lớn, gia cầm, thủy sản… để bù đắp nguồn cung. Tổng số chi ngân sách để phòng chống dịch bệnh lên tới gần 5000 tỷ đồng. Nhiều địa phương chủ động tái đàn khi giá heo hơi tăng mạnh vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế bùng phát và lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế; vẫn giữ được khoảng 25 triệu con lợn, đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu. “Không có chuyện thiếu thịt lợn”, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi từ vấn đề này.
Điểm sáng trong năm nay là hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay ước đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. Tỷ lệ che phủ của rừng cũng vượt kế hoạch đạt 41,85%; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10-15%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018, riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, giải quyết các vướng mắc tích cực được thực hiện để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng. Việt Nam đã có lô sữa đầu tiên được xuất vào Trung Quốc trong tháng 10/2019.
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc...; thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ; hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hong Kong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hong Kong…
Thủ tướng ủng hộ thị trường chính ngạch và đánh giá đây là cách để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho mọi người dân. Sự kiện gạo ST 25 được vinh danh là "gạo ngon nhất thế giới" là dẫn chứng về cách làm bài bản này.
Ngoài điểm sáng về xuất khẩu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng có những tiến triển. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết tỉnh xác định phát triển hợp tác xã là giải pháp quan trọng trong hoạt động tái cơ cấu ngành. Số lượng hợp tác xã (HTX) cả tỉnh hiện đã tăng lên 626 HTX trong thời gian ngắn, trong đó có 520 HTX nông nghiệp; 40 nhà máy chế biến nông lâm thủy sản được đầu tư và có 18 thương hiệu nông sản chủ lực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đã tạo ra môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, tại Hội nghi, Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, yếu kém trong hoạt cơ cấu lại nông nghiệp như triển khai chưa đồng đều ở các địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Ngoài ra, công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao.
Ngân sách đầu tư cho nông nghiệp hầu như chưa được phân bổ
Tại Hội nghị, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng đề xuất năm 2020 tới Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Cùng đó, câu chuyện giải ngân cho ngành cũng được tư lệnh ngành báo cáo đề xuất. Theo Nghị định 57/2018 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Ngân sách trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm cho ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thực tế đến nay ngân sách Trung ương cũng như địa phương hầu như chưa được phân bổ hoặc rất ít để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với vấn đề này, Thủ tướng cho biết cũng giao nhiệm vụ cho các bộ liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh chủ trì tham mưu, hướng dẫn phân bổ nguồn lực như đã quy định.
Năm 2025 phấn đấu có 15 mặt hàng tỷ đô
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 3%, cao hơn năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng mà Quốc hội đã giao là 42%, tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp.
Còn mục tiêu đến 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%. Mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra là sẽ nâng số lượng mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên từ 10 lên 15 nhóm mặt hàng với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới.
Số lượng doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp phấn đấu tăng gấp đôi lên 25.000. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng lên 35.000 hợp tác xã nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2020, 80% số xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay, Thủ tướng nêu.