Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10/2022 có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10/2022 có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Thúc đẩy PPP phát triển sân bay nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thế giới có đến 59% sân bay nhỏ đang được vận hành, khai thác bởi các doanh nghiệp tư nhân. Thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển sân bay nhỏ đang được quan tâm tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư sân bay, nhu cầu thực tế

Nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ đều trăn trở về việc đầu tư, xây dựng một sân bay tại địa phương nhằm góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tại tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10/2022, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm: “Đầu tư sân bay nhỏ là nhu cầu chính đáng. Các lãnh đạo địa phương đều nhìn thấy sân bay mang lại động lực phát triển kinh tế địa phương mạnh mẽ và tìm mọi cách xây dựng sân bay như một điểm nhấn của hệ sinh thái phát triển. Nhu cầu chính đáng đó cần được ủng hộ. Ngoài ra, cũng cần tạo ra các thể chế, công cụ để các nhà đầu tư có thể cảm nhận được sự hấp dẫn của dự án đầu tư sân bay”.

Phú Quốc (Kiên Giang) là một minh chứng tiêu biểu về sự xuất hiện của sân bay tạo đà cho kinh tế địa phương “cất cánh”. Từ một huyện đảo nghèo những năm 2010, nhờ chủ trương phát triển của Chính phủ, đặc biệt là sau khi khánh thành sân bay quốc tế vào năm 2012, Phú Quốc đã trở thành thành phố du lịch tầm cỡ thế giới, kinh tế địa phương tăng trưởng mạnh mẽ.

Báo cáo “Hàng không: Lợi ích vượt ngoài biên giới” của ATAG và Oxford Economics phối hợp thực hiện năm 2020, cứ 100 triệu USD dành cho nghiên cứu và phát triển hàng không sẽ tạo ra lợi ích 700 triệu USD/năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới cảng hàng không hồi tháng 9 vừa qua cũng khẳng định, đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Hiện có nhiều sân bay cũ hoạt động không hiệu quả, liệu có nên đầu tư xây dựng sân bay mới? Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “muốn đi tới tương lai, phải chấp nhận phá bỏ cái cũ”, những sân bay cũ hoạt không hiệu quả sẽ vẫn tiếp tục không hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc địa phương đề xuất xây dựng sân bay xuất phát từ nhu cầu chính đáng là phát triển kinh tế địa phương, điều này cần được tôn trọng. Tuy vậy, việc đầu tư sân bay nhỏ cần phải có căn cứ khoa học, hệ thống và dài hạn.

Đẩy mạnh PPP trong phát triển sân bay

Đầu tư xây dựng sân bay cần nguồn vốn rất lớn. Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông - Vận tải soạn thảo, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 vào khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành, được huy động từ ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hệ thống sân bay trong 10 năm tới sẽ cao gấp 4 lần so với tổng vốn giai đoạn 2011 - 2020 (khoảng 95.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.900 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước hơn 83.100 tỷ đồng). Đây là con số đầu tư lớn, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) được cho là phù hợp trong phát triển hạ tầng sân bay. Các chuyên gia cho rằng, nên khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này.

Ủng hộ sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có phát triển sân bay, ông Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp tư nhân muốn hưởng lợi thì phải làm lợi cho xã hội đã. Chúng ta hãy tin vào doanh nghiệp tư nhân để cùng với họ có bài toán tốt hơn. Các tập đoàn lớn có điều kiện để nhìn xa và có lợi ích lớn”.

Tính đến thời điểm này, Lào Cai trở thành địa phương thứ hai sau Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không. Sân bay Sapa có tổng mức vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP, là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cả mục tiêu quân sự và dân sự, đáp ứng nhu cầu vận tải 3 triệu hành khách mỗi năm.

Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, để triển khai đầu tư sân bay Sapa, tỉnh Lào Cai đã dùng ngân sách của tỉnh xây dựng khu tái định cư với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, 530 tỷ đồng giải phóng mặt bằng 371 ha. Đến nay, mặt bằng sạch đã đạt được 60%.

Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tăng cường kết nối Lào Cai với các vùng kinh tế lớn, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và đóng góp nhiều giá trị xã hội khác.

Theo ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO, Tập đoàn Royal Haskoning DHV, mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển sân bay đã trở nên phổ biến trên thế giới. Có ba cách tiếp cận theo mô hình này: Thứ nhất, cổ phần hóa sân bay lớn; tư nhân hóa sân bay nhỏ để tạo ra hiệu quả; thứ ba là thông qua việc tư nhân hóa nhiều sân bay sẽ được trợ cấp chéo bởi các sân bay lớn trong hệ thống. Mô hình này được thực hiện phổ biến ở Brazil và Mexico.

Ông Mick Werson cho rằng hình thức PPP trong phát triển sân bay được tổ chức tốt sẽ đem lại lợi ích cho các bên liên quan, từ nâng cấp sân bay cũ hay phát triển sân bay mới, cung cấp vốn. Khi các nhà đầu tư tư nhân vào, họ sẽ vận hành, khai thác quản lý hiệu quả tạo ra lợi nhuận, bởi các nhà đầu tư tư nhân có thế mạnh trong tiếp thị với hãng hàng không, tối ưu hóa doanh thu, đặc biệt doanh thu từ thương mại, có quan hệ với các công ty vận hành, cửa hàng miễn thuế.

Trên thế giới, hầu hết các sân bay nhỏ có lưu lượng hành khách thấp, nhưng chúng giữ chức năng quan trọng trong hệ thống, có giá trị thúc đẩy nền kinh tế và cộng đồng địa phương, bao gồm cả giá trị xã hội. Nhờ những lợi thế này, hơn một nửa sân bay nhỏ có thể vận hành bởi các tổ chức công hoặc tư nhân.

Hiện nay, dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải chưa được thông qua, các địa phương đang trông chờ quy hoạch sớm được quyết định để có kế hoạch phát triển.

Thực tế chứng minh, sự cần thiết và lợi ích lớn mà sân bay mang lại cho kinh tế địa phương, không chỉ là giá trị kinh tế, kết nối thu hút đầu tư mà còn giá trị xã hội, tạo việc làm cho người dân địa phương, thay đổi chất lượng sống cùng nhiều giá trị khác.

Tin bài liên quan