Lấp đầy diện tích đang là mong mỏi của các KCN. 	Ảnh: Đ.T

Lấp đầy diện tích đang là mong mỏi của các KCN. Ảnh: Đ.T

Thực trạng phát triển các KCN tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “No dồn, đói góp”!

(ĐTCK-online) Khu công nghiệp (KCN) có chức năng thu hút các dự án. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thành lập, có nơi thành công, có nơi suốt thời gian qua giậm chân tại chỗ do thu hút đầu tư không hiệu quả hoặc vì triển khai các hạng mục hạ tầng quá chậm. Vấn đề hiệu quả đầu tư đang được đặt ra không chỉ với các nhà đầu tư hạ tầng KCN.

Chuyện về những “anh” khóc thầm

Theo ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban quản lý KCN Long An - LAIZA), sự thiếu vắng nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN Long An ngoài nguyên nhân khách quan do suy giảm kinh tế, vị trí..., còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ tiến độ thi công hạ tầng KCN và giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư.

Đơn cử, trường hợp KCN Xuyên Á (huyện Đức Hòa) của Công ty cổ phần Ngọc Phong vừa bị LAIZA tạm ngừng việc tiếp nhận các dự án đầu tư do không thực hiện đúng cam kết đầu tư hạ tầng. Theo ông Tình, KCN Xuyên Á là KCN đầu tiên được thành lập ở Long An, ưu tiên tiếp nhận các DN ô nhiễm di dời từ TP.HCM, nhưng hiện tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 34,87%, với 77 DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chỉ có 28 DN đã đi vào hoạt động.

Nằm cạnh KCN Xuyên Á là KCN Đức Hòa 3, với diện tích 2.300 ha, gồm 13 KCN nhỏ hợp lại. Do có đến 13 nhà đầu tư hạ tầng, nên tiến độ KCN Đức Hòa 3 khá chậm, chủ đầu tư chờ có DN mới làm hạ tầng, trong khi DN chờ hạ tầng xong để thuê đất. Hậu quả là hàng ngàn héc-ta đất bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Ly, Phó giám đốc Công ty Phú An, chủ đầu tư KCN Thạnh Đức (huyện Bến Lức) cho biết, Công ty đang đề xuất Chính phủ cho chuyển đổi KCN 256 ha này thành khu đô thị - khu du lịch nghỉ dưỡng, vì KCN Thạnh Đức triển khai từ 2007, đã hoàn thành 50% hạ tầng, nhưng không thu hút được các nhà đầu tư.

Tại tỉnh Đồng Nai, câu chuyện về những “anh” khóc thầm còn thê thảm hơn. Nổi bật hơn cả, có lẽ là KCN An Phước, (huyện Long Thành). KCN này có quyết định thành lập từ ngày 27/10/2003, với tổng diện tích 130 ha, trong đó diện tích đất dùng cho thuê là 91 ha, nhưng suốt những năm tồn tại, tỷ lệ lấp đầy vẫn bằng 0.

Thực ra, thời gian đầu, theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, đã có 1 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án đầu tư nước ngoài đã đến, nhưng do thiếu vốn nên chủ đầu tư triển khai hạ tầng quá chậm, nên không thể giao đất thực địa cho nhà đầu tư thứ cấp, buộc lòng cả 3 dự án này phải “chìm xuồng” theo.

KCN Long Khánh với tổng diện tích 264 ha, ngoài việc đã hoàn tất công tác đền bù giải tỏa ra, hiện chủ đầu tư KCN này là Công ty cổ phần KCN Long Khánh đang cho thi công đường trục chính từ Quốc lộ 1 vào KCN, dài 2,2 km, nhưng khối lượng công việc cũng mới chỉ làm được khoảng 50%, các hạng mục hệ thống điện, nước, nhà máy xử lý nước thải cũng chỉ mới bắt đầu khởi động.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Đầu tư Công ty cổ phần KCN Long Khánh cho biết, thời gian qua KCN Long Khánh chỉ mới thu được được 2 dự án đầu tư trong nước với diện tích đất cho thuê khoảng 7 ha. Đây là một kết quả không như mong đợi, dù rằng giá cho thuê đất ở KCN ngày không quá cao như những KCN khác, chỉ là 45 USD/m2/50 năm.

Cách đó không xa, KCN miền núi Xuân Lộc, với tổng diện tích 109 ha, hiện cũng chỉ mới lấp được diện tích 31 ha, thu hút được 1 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư nước ngoài.

Trong một diễn biến khác cũng chẳng lấy gì làm lạc quan, KCN Sông Mây giai đoạn II (224 ha) và KCN Hố Nai giai đoạn II (271 ha) mấy năm nay vẫn án binh bất động và vẫn chưa lấp đầy được m2 đất nào cả. Các KCN còn lại như Nhơn Trạch 6 (315 ha), Long Đức (283 ha), Giang Điền (529 ha), Dầu Giây (331 ha) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đa phần các KCN này có quyết định thành lập trong giai đoạn 2005 - 2008, nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy chưa quá 2%.

 

Và những “anh” sống khỏe

“Vành đai công nghiệp” của Long An được xác định nằm ở 3 huyện tiếp giáp TP.HCM là: Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc. Ông Phan Thành Phi cho biết, trong số 10 KCN đang hoạt động tại 3 huyện này nổi lên 4 KCN có tỷ lệ lấp đầy diện tích khá cao, thu hút được đông đảo nhà đầu tư là: Đức Hòa 1, Tân Đức, Long Hậu, Nhựt Chánh. Những KCN này có đặc điểm chung là thành lập trước 2007, hạ tầng khá hoàn chỉnh, nằm cách TP.HCM 20 - 25 km và nằm gần tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, tỉnh lộ 825 nối Long An với TP.HCM.

Theo số liệu của LAIZA, KCN Đức Hòa 1 (giai đoạn I, 70 ha) tại huyện Đức Hòa đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, thu hút được 68 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 59 DN đã đi vào hoạt động và 9 DN chuẩn bị triển khai dự án; KCN Tân Đức (giai đoạn I, diện tích 273 ha) cũng được lấp đầy với 89 nhà đầu tư đăng ký hoạt động. Tại huyện Bến Lức, KCN Nhựt Chánh có 76% diện tích đất công nghiệp được thuê, giá thuê đất 55 - 65 USD/m2 /45-50 năm trong giai đoạn đầu hiện đã tăng lên 70 - 75 USD/m2 /45-47.

Ông Trần Tấn Sỹ, Giám đốc dịch vụ khách hàng Công ty cổ phần Long Hậu - chủ đầu tư KCN Long Hậu cho biết, tính đến tháng 1/2010, KCN này đã lấp đầy gần 80% diện tích. Ngoài 44 nhà đầu tư đã thuê đất, hiện có 110 nhà đầu tư khác đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư trên diện tích 145 ha tại KCN Long Hậu giai đoạn II. Ông Sỹ cũng cho biết thêm, hiện có nhiều nhà đầu tư vào KCN này đang triển khai đầu tư kho bãi để kinh doanh dịch vụ hậu cần cho xuất nhập khẩu nhờ vị trí gần khu đô thị và Cảng Hiệp Phước (TP.HCM).