Thúc vốn ngoại chảy mạnh hơn vào chứng khoán

Thúc vốn ngoại chảy mạnh hơn vào chứng khoán

(ĐTCK) Tại cuộc họp báo quý I-II của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), ông Trần Văn Dũng, tân Tổng giám đốc HOSE cho biết, HOSE đang và sẽ tổ chức nhiều hội thảo mang tính quốc tế với nội dung tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của HOSE, quý I/2016, giá trị vốn hóa thị trường đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch thị trường đạt 130.059 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn 7% so với quý IV/2015. Bình quân một ngày, thị trường giao dịch 2.204 tỷ đồng, cao hơn quý liền kề 83 tỷ đồng/ngày.

Khối lượng giao dịch tăng trưởng đều qua các quý trong năm 2015 và tiếp tục trong quý I/2016. Cụ thể, quý I, khối lượng giao dịch là 8,077 tỷ chứng khoán, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của HOSE, điều này chứng tỏ nguồn cung lượng hàng hóa trên TTCK đang ngày càng phong phú cả về chất lượng và số lượng. Giá trị giao dịch có sự tịnh tiến qua các quý trong năm 2015, đặc biệt quý IV/2015 có sự tăng trưởng mạnh nhưng sang quý I năm nay đã sụt giảm 9,96 tỷ đồng so với quý liền kề.

Trong quý I/2016, các DN trên HOSE đã thực hiện 18 đợt phát hành cổ phiếu với tổng khối lượng phát hành 256,71 triệu cổ phiếu, huy động được 6.080,7 tỷ đồng. HOSE đã tổ chức 24 đợt đấu giá cổ phần với tổng khối lượng chào bán 307,1 triệu cổ phần, bán được 172,2 triệu cổ phần với tổng giá trị cổ phần bán được 2.934,7 tỷ đồng.

Đối với giao dịch của NĐT nước ngoài, trong năm 2015, tỷ trọng giá trị giao dịch mua chiếm 14,04%, giá trị giao dịch bán chiếm 13,62% toàn thị trường. Tỷ trọng chênh lệch mua và bán là 0,42%. Sang năm 2016, trong quý I, tỷ trọng giao dịch của NĐT nước ngoài đã tăng lên 17-18% cả mua và bán. Theo kỳ vọng của HOSE, trong tương lai gần sẽ thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam qua cả kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Hiện tại, HOSE đang tổ chức nhiều buổi hội thảo mang tính quốc tế với nội dung tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt trong quý I, ông Dũng cho biết, thông thường đây là mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) và việc kiểm soát, kiểm soát đặc biệt đều dựa trên BCTC mà DN công bố. HOSE đã thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, khi DN rơi vào các tình trạng được quy định phải kiểm soát, kiểm soát đặc biệt thì Sở sẽ tiến hành thực hiện dựa trên quan điểm luật pháp, quan điểm bảo vệ NĐT và đưa thông tin cảnh báo sớm, kịp thời tới NĐT, qua đó góp phần minh bạch thị trường.

Trong quý II và quý III, thông thường không phải mùa công bố BCTC nên có thể số lượng DN rơi vào tình trạng kiểm soát và kiểm soát đặc biệt sẽ không nhiều như trong quý I. Ngoài ra, công tác theo dõi, giám sát, phát hiện các hoạt động vi phạm, bất thường của NĐT, giao dịch nội bộ, cổ đông lớn là công việc thường xuyên của Sở và đều có sự cải tiến hàng năm.

Ngày 12/4, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa 2 Sở, với sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng.

MoU được ký kết có nội dung hợp tác về: chia sẻ và chuẩn hóa dữ liệu thông tin giữa 2 thị trường; phát triển các chỉ số chung; phối hợp tổ chức các chương trình quản trị công ty, phát triển bền vững; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; các lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu thực tế của hai Sở. Đây là những nội dung bao quát hoạt động của HOSE và HNX, cũng là những chủ đề mà TTCK Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm để tiến gần hơn đến các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Theo ông Vũ Bằng, đối với cơ quan quản lý thị trường, Biên bản ghi nhớ hợp tác này là sự kiện ý nghĩa, thể hiện cam kết của hai Sở trong hợp tác sâu rộng, một mặt tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, mặt khác phát triển đồng bộ, có chiều sâu để hỗ trợ doanh nghiệp, thành viên thị trường hoạt động hiệu quả hơn nữa, tiến tới phát triển TTCK Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu nâng hạng TTCK Việt Nam.

Để thúc đẩy và hỗ trợ cho sự phát triển chung của TTCK Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, qua đó được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.         

Hữu Hòe
Tin bài liên quan