Thuế tài sản chủ yếu nhắm tới đối tượng chính là bất động sản. Ảnh: Thành Nguyễn

Thuế tài sản chủ yếu nhắm tới đối tượng chính là bất động sản. Ảnh: Thành Nguyễn

Thuế tài sản, còn đó những băn khoăn

(ĐTCK) Thuế tài sản đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, bởi sự liên quan mật thiết, chặt chẽ đến phần lớn người dân. Trong đó, bất động sản là đối tượng chịu tác động chính của sắc thuế đang được bàn thảo này.

Từ chuyện xứ người

Mới đây, trong hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề này như về đối tượng chịu thuế, cách thức thực hiện…

Là nước xây dựng sắc thuế này sau nhiều quốc gia, cách làm hiện nay của Việt Nam là tham khảo kinh nghiệm từ các nước đi trước, trong đó bao gồm cả việc định danh sắc thuế, định danh đối tượng chịu thuế, cho đến cách thức tiến hành, quá trình làm luật…

Hiện đã có 174/193 nước trên thế giới áp dụng thuế tài sản và thuế này trở thành nguồn thu quan trọng, ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ, tự quyền của các địa phương.

Thuế tài sản ở các quốc gia đang cho thấy vai trò quan trọng khi đóng góp vào nguồn thu ngân sách chung, tăng đều theo các năm. Cụ thể, theo số liệu thông kê năm 2014 của OECE, ở Mỹ, thuế tài sản đóng góp đến 2,77% nguồn thu, Tây Ban Nha là 2,31%, Anh là 4,1%, Singapore là 7,13%.

Tại nhiều quốc gia, mức thu thuế tài sản được chính quyền các địa phương (các bang, tỉnh, thành phố) quy định, dựa trên yếu tố chính là nhu cầu thu chi thực tế. Các nước thường thu thuế cả nhà và đất. Đây được xem là các tài sản hữu hình (nhà và đất), nên khó trốn tránh, dịch chuyển, không gây bóp méo chính sách và có khả năng cưỡng chế cao.

Trên thế giới có những tên gọi khác nhau về loại thuế này như thuế bất động sản, thuế nhà đất, thuế tài sản, trong đó có 65 nước gọi là thuế tài sản, 51 nước gọi là thuế bất động sản...

Về xu hướng đánh thuế tài sản, ở nhiều quốc gia, đối tượng chịu thuế tài sản cũng tập trung vào nhà, đất và tài sản gắn liền với đất. Trong đó, đất ở, nhà ở thường chịu mức thuế thấp hơn so với các loại đất, nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh. Một số quốc gia không thu thuế với nhà ở chính (có thể miễn toàn bộ giá trị tài sản hoặc miễn đối với giá trị tài sản dưới ngưỡng nhất định).

Chia sẻ về kinh nghiệm của Canada trong việc thực thi thuế tài sản, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada cho biết, thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc: Số tiền nộp thuế phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu. Canada chỉ áp dụng một mức thuế chung cho cả nhà và đất.

 Thuế tài sản được cho là sẽ làm lành mạnh thị trường bất động sản. 

Ở Canada, thuế tài sản là nguồn thu chính của các địa phương và do các địa phương quản lý, thường được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp như giáo dục, văn hóa giải trí, y tế, phúc lợi, nhà ở (cho người cao tuổi, nhà cho thuê giá thấp), giao thông vận tải…

Ví dụ, với bang Ontario, chính quyền bang được ban hành luật, đưa ra các chính sách về thuế tài sản và quy định mức thuế giáo dục. Chính quyền đô thị sẽ xác định nhu cầu thu ngân sách, xác định mức thuế áp dụng tại đô thị và thực hiện thu thuế tài sản. Cứ 4 năm một lần, Tập đoàn định giá Tài sản Ontario sẽ định giá khoảng 5 triệu tài sản, với khoảng 200 tiêu chí được sử dụng để định giá nhà ở. Trong đó, 5 tiêu chí quan trọng chiếm đến 85% nội dung định giá là vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời tài sản, chất lượng xây dựng. Ở bang này, mỗi hộ gia đình vẫn phải đóng thuế tài sản, nhưng sau khi khai báo thu nhập cá nhân, nếu hộ gia đình đó thuộc nhóm thu nhập thấp, sẽ được xem xét giảm trừ.

Đến chuyện xứ ta

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Cố vấn chính sách, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), về mặt khái niệm, giữa Việt Nam và các nước trên thế giới có không ít sự khác biệt, nhưng cần hiểu thuế tài sản là loại thuế tài sản nào, vì tài sản ở Việt Nam và trên thế giới được hiểu cũng rất khác nhau. Đơn cử, về bất động sản, không chỉ là nhà đất, mà cả những thứ khác, thậm chí máy bay… Do đó, trong cách tính thuế, thì nguồn nào miễn giảm, nguồn nào chịu thuế, đánh thuế vào đối tượng nào…, là những vấn đề cần được làm rõ.

Cũng theo ông Dũng, chính quyền đô thị cũng là khái niệm khá xa lạ với nhiều người ở Việt Nam. Ở nước ta hiện có chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và chính quyền ở đơn vị hành chính đặc biệt. Cách tính thuế tài sản với ba vùng này cũng sẽ khác nhau. Nếu trao cho chính quyền địa phương đánh giá và định mức thuế, thì câu hỏi đặt ra là liệu thuế có chồng thuế hay không?

“Theo tôi, một sắc thuế được ban hành sẽ nằm trong một hệ thống thuế và nó phải đảm bảo không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế. Khi ban hành thuế tài sản, chúng ta phải định danh đầy đủ đối tượng chịu thuế, cách tính thuế để không bị trùng. Đây là điểm mấu chốt rất quan trọng”, ông Dũng cho biết.

Còn theo bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thuế tài sản đánh vào bất động sản sẽ làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.

Bà Liên cho biết, hiện trên thế giới có những tên gọi khác nhau về loại thuế này như thuế bất động sản, thuế nhà đất, thuế tài sản, nhưng tại Việt Nam, luật thuế mới nên lấy tên gọi là Thuế Bất động sản, vì đây là đối tượng áp dụng của thuế. Ngoài ra, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).

Một điểm quan trọng mà Ban Chính sách tài chính công đưa ra sau khi tham khảo kinh nghiệm của một số nước về chính sách thuế tài sản, đó là thuế tài sản chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công, nhà đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng. Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…) giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nêu quan điểm, chúng ta đang có những cách hiểu khác nhau về khái niệm tài sản. Với bất động sản, tài sản được hiểu gồm đất, nhà, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vậy nếu là đánh thuế tài sản, thì phải đánh vào tất cả các tài sản nói trên, rồi sau đó mới cân nhắc đến loại nào không phải đánh…

Mặt khác, với đất, người dân có ba quyền là sử dụng, chiếm hữu, định đoạt. Người dân đang được Nhà nước cho quyền sử dụng, còn Hiến pháp thì không cho đánh thuế đất. Như vậy, có thể hiểu, quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và đây là đối tượng chịu thuế. Do đó, cách hiểu ở đây là thuế đánh vào quyền sử dụng đất. Nói cách khác, thuế đánh vào bất động sản, nhưng lại không phải bất động sản, nên rất mơ hồ.

Theo ông Đức, chúng ta đang tập trung vào bất động sản, nên việc cần làm hiện nay là phải định danh cho chính xác (đánh vào đất, hay quyền sử dụng đất, hay tài sản trên đất) và cân nhắc đánh thuế vào cái gì. Phải tiếp cận ở góc độ tài sản theo quy định của luật.

“Theo tôi, chúng ta không nên đánh thuế với mọi người, mọi giá trị, mọi tài sản, mà chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế (miễn thuế cho hộ nghèo) và vào tài sản có giá trị lớn. Chẳng hạn, miễn thuế với một diện tích tối thiểu, đánh thuế lũy tiến khởi điểm rất thấp, chỉ đánh vào một số loại tài sản. Đặc biệt, phải cộng dồn nhà với đất và chỉ nên tính thuế với tài sản có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên (tính theo giá thị trường)”, ông Đức kiến nghị.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan