Việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% cần được cân nhắc.

Việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% cần được cân nhắc.

Thuế thu nhập DN tiếp tục được sửa đổi

(ĐTCK-online) Bộ Tài chính đang bắt đầu khởi động quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bằng việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và những người trực tiếp làm công tác hành thu. Nội dung sửa đổi được kỳ vọng sẽ đưa sắc thuế này tiến gần hơn với thông lệ quốc tế, làm hấp dẫn môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời mang lại những khoản thu lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Luật Thuế TNDN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999 thay cho Luật Thuế lợi tức và ngay lập tức đã thể hiện tính ưu việt của nó. Đặc biệt, sau khi có những sửa đổi vào năm 2004 nhằm thích ứng với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Những ưu điểm đó đã giảm thiểu sự phân biệt giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước cả về điều kiện và mức ưu đãi. Đồng thời, thông qua việc giảm bớt nghĩa vụ thuế, giảm thuế suất cơ bản và tăng ưu đãi miễn giảm thuế đã giúp cho DN có điều kiện tăng nhanh tích tụ vốn, tái sản xuất, thúc đẩy đầu tư. Cụ thể, vốn đầu tư toàn xã hội tăng rất nhanh về số tuyệt đối qua các năm và dự kiến đạt 40% GDP trong năm 2007, trong đó vốn đầu tư từ khu vực ngoài quốc doanh và khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong quá trình tăng trưởng.

Tuy vậy, sau gần 8 năm thực hiện, những hạn chế đã bắt đầu bộc lộ, nhiều điều khoản trong sắc luật này đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của DN. Việc nghiên cứu, sửa đổi một cách căn cơ chính là đòi hỏi bức bách từ cuộc sống. Theo PGS. TS Bạch Minh Huyền, chuyên gia tư vấn trong nước, quá trình triển khai sắc luật này cho thấy, có một số điểm bất hợp lý cần phải điều chỉnh một cách cơ bản.

Trước hết, mức ưu đãi và diện ưu đãi hiện nay còn cao và dàn trải. Các đối tượng điều chỉnh được hưởng ưu đãi tối đa với mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trong điều kiện như hiện nay thì việc đăng ký một DN mới - và lại được hưởng ưu đãi mới - thay thế công ty cũ đã hết thời hạn ưu đãi là bài toán rất dễ có lời giải đối với không ít ông chủ các DN làm ăn chụp giật. Mặt khác, việc ưu đãi thuế được mở rộng tới 53 lĩnh vực ưu đãi đầu tư, 26 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và 55/64 tỉnh, thành có địa bàn được hưởng chính sách này. Trong khi đó, theo điều tra riêng của bà Huyền, có rất ít DN tư nhân hoặc DN FDI đầu tư vào các vùng khó khăn chỉ để hưởng ưu đãi thuế. Ngược lại, khá nhiều đơn vị kinh doanh ở địa bàn khác nhưng lại đóng trụ sở và khai thuế tại vùng khó khăn để hưởng ưu đãi. Rõ ràng, sự hào phóng là quá mức và không cần thiết(!)

Vẫn theo bà Huyền, việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế sẽ làm chính sách thuế thêm phức tạp. Thực ra, đây là vấn đề rất tế nhị bởi nó liên quan đến các đối tượng xã hội cần chăm lo. Tuy nhiên, nên có các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tài chính, bằng giáo dục dạy nghề... từ NSNN, thay vì sử dụng các biện pháp miễn, giảm thuế. Mặt khác, việc miễn giảm thuế chỉ có ý nghĩa khi người được miễn giảm có phát sinh số thuế phải nộp. Thực tế, các cơ sở hoạt động thực sự vì mục tiêu nhân đạo, từ thiện hoặc hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn hầu như rất ít mang lại lợi tức nên sự ưu đãi này là không có ý nghĩa thiết thực và dễ bị lợi dụng.

Một vấn đề khác cũng đang rất được quan tâm là, Luật Thuế TNDN hiện hành chưa có quy định về mở rộng ưu đãi thuế đối với trường hợp đặc biệt quan trọng, trong khi Luật Đầu tư mới nhất đã thể hiện được điều này. Những trường hợp này thường phụ thuộc nhiều vào sự “linh động” của cơ quan thuế - tài chính. Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện nóng hổi của TTCK giai đoạn cuối năm ngoái. Thời điểm các DN ồ ạt lên sàn vì lý do dễ thấy nhất - nhưng DN cũng ngại đề cập nhất - là được miễn thuế TNDN 2 năm liền. Thực tế, không có văn bản mang tính pháp quy hay điều khoản nào trong Luật thuế hiện hành đề cập đến trường hợp này. Bởi đây chính là “sự linh động” của cơ quan quản lý nhằm thu hút nguồn hàng trong lúc TTCK còn còi cọc, thiếu sức sống. Sự ưu đãi này bị bãi bỏ một cách khá “lặng lẽ” bởi những lý do mà ai cũng ngầm hiểu với nhau(!?)

Về định hướng sửa đổi Luật Thuế TNDN, theo bà Vũ Hồng Loan, Cục Tài chính DN, cần cân nhắc giảm mức thuế suất từ 28% xuống còn 25%. Bởi thực tế, nhiều nước láng giềng như Trung Quốc... đã giảm thuế xuống mức này. Nếu Việt Nam không có những động thái tương tự, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, các hoạt động liên quan tới đất đai hiện nay rất phức tạp. Vì vậy, cần cân nhắc thêm việc quy định hạch toán thêm thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất vào khoản phải nộp thuế. Trong khi đó, cần bỏ ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng vì trong thực tế rất khó xác định hạch toán đúng sai về kết quả hoạt động của dự án. Nếu dự án không nằm trong khuôn viên của DN thì việc đầu tư dự án này với việc thành lập một DN mới để thực hiện dự án sẽ thuận lợi hơn nhiều. Khi ta cắt bỏ ưu đãi dự án mở rộng và tiếp tục ưu đãi cao đối với DN mới thành lập thì chắc chắn các DN sẽ đi theo hướng này và đương nhiên, việc tính thuế cũng sẽ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, quy định hiện nay mới chỉ cho phép DN trích khấu hao theo những hạn mức khá thấp theo từng năm nhất định. Điều này vô hình trung làm mất lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Bởi nó không khuyến khích DN thực hiện khấu hao nhanh để thu hồi vốn, đổi mới trang thiết bị... Thông lệ quốc tế hiện nay khuyến khích DN có thể chi phí khấu hao 100%. Trong năm đó, đơn vị này sẽ không phải nộp thuế TNDN mà sẽ nộp bù trong các kỳ báo cáo tiếp theo. Đây cũng là hướng đi mà Việt Nam nên tiếp thu.

Cuối cùng, đã có không ít DN kêu ca về tỷ lệ khống chế 10% trên các chi phí hợp lý cho hoạt động khuyến mại, quảng cáo... là rất thấp so với thực tế. Bởi rõ ràng, với sự cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt sẽ khiến DN ngày càng phải “tốn kém” nhiều hơn cho các khoản chi quảng bá, xây dựng thương hiệu. Nên chăng, có thể bổ sung quy định cho phép các DN mới thành lập trong 2-3 năm đầu nâng tỷ lệ này lên 15-20%.

Nếu mọi việc xuôi chèo, mát mái, có thể hy vọng những sửa đổi Luật Thuế TNDN sẽ được tiến hành vào nửa đầu năm 2008. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận cao, các cơ quan có trách nhiệm nên có nhiều cuộc trưng cầu ý kiến xã hội, nhất là từ DN - đối tượng chịu sự điều chỉnh lớn nhất từ sắc thuế này.