Mức thuế suất 25% đối với đầu tư chứng khoán được cho là quá cao. Ảnh: Đức Thanh

Mức thuế suất 25% đối với đầu tư chứng khoán được cho là quá cao. Ảnh: Đức Thanh

Thuế TNCN: Nặng gánh !

(ĐTCK-online) Mặc dù đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục như tiền gửi ngân hàng cũng là tiền đầu tư, những người có 600 - 700 triệu đồng gửi ngân hàng (diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân - TNCN) là những người có thu nhập cao, các nước trên thế giới đều thu thuế TNCN đối với lãi tiền gửi ngân hàng… nhưng cuối cùng, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật thuế TNCN) đã phải rút lại quan điểm đánh thuế TNCN đối với lãi tiền gửi ngân hàng do tuyệt đại đa số ý kiến cả trên diễn đàn Quốc hội lẫn ngoài xã hội không đồng tình.

Tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá XI, khi cho ý kiến về Dự án Luật thuế TNCN, theo ghi nhận của ĐTCK, trong số 40 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự án Luật thuế TNCN thì có tới 38 ý kiến không đồng tình với quan điểm thu thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm, trong khi đó chỉ có 2 - 3 ý kiến tham gia vào nội dung thu thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán nhưng tất cả đều… đồng tình với Dự án Luật. Không “may mắn” như thu nhập từ gửi ngân hàng, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán nhận được ít sự “hậu thuẫn” của dư luận xã hội cũng như những nhà làm luật nên tại Dự án Luật thuế TNCN mới nhất, thu nhập từ hoạt động này vẫn thuộc diện phải chịu thuế theo Biểu thuế toàn phần. Không những thế, hoạt động này còn phải chịu thuế suất 25% (mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế suất toàn phần), cao gấp 5 lần so với thuế suất từ thu nhập đầu tư vốn và cao gấp 2,5 lần thuế suất thuế từ hoạt động mà Nhà nước không khuyến khích (xổ số, trò chơi có thưởng vượt trên 10 triệu đồng).

Việc vẫn đánh thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, theo giải thích của Ban soạn thảo thì đây là hoạt động đầu tư, mà đã là đầu tư thì phải chịu thuế; nhiều nước trên thế giới cũng đánh thuế và thuế suất của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực… Tuy nhiên, giải thích của Ban soạn thảo xem ra không thuyết phục. Cụ thể, trong tài liệu tuyên truyền về Dự án Luật thuế TNCN vừa được Tổng cục Thuế “ấn hành” đã đưa ra nhiều biểu, bảng so sánh về thuế suất thuế TNCN luỹ kế từng phần cũng như mức chiết trừ gia cảnh ở một số nước trong khu vực để chứng minh rằng, thuế TNCN của Việt Nam “nhẹ hơn” so với nhiều nước, thể hiện chính sách khoan thư sức dân của Nhà nước. Tuy nhiên, trong tài liệu này không có bất cứ câu chữ nào cho thấy, hiện có bao nhiêu nước trên thế giới đánh thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và thuế suất của các nước trong khu vực hiện tại là bao nhiêu để chứng minh chính sách khuyến khích phát triển TTCK của Chính phủ.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thu thuế đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán với mức thuế suất 25% là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức thuế suất này chưa hợp lý. Đơn cử, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành mặc dù phải chịu thuế suất cao hơn (28%), nhưng nhiều khoản chi phí hợp lý, hợp lệ để tạo ra thu nhập được loại trừ trước khi tính thuế, trong đó có lãi vay ngân hàng hoặc vay ngoài. Theo Luật thuế TNDN, tiền chi trả lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế cũng như của các đối tượng khác được coi là chi phí hợp lý, nhưng theo Dự án Luật thuế TNCN thì khoản chi phí này trong đầu tư chứng khoán không được tính để trừ đi trước khi đánh thuế, mặc dù nhiều nhà đầu tư phải vay vốn đầu tư vào TTCK.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, trong thời gian tới, nhằm tăng sức cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Luật thuế TNDN sửa đổi, bổ sung sẽ thực hiện giảm thuế suất. Như vậy, khi Luật thuế TNCN đi vào thực hiện, mức thuế suất 25% đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của Việt Nam có thể coi là rất cao.

Theo khuyến cáo của chuyên gia Viện Tư liệu thuế quốc tế Bart Kosters, do tính chất dễ luân chuyển nguồn vốn của TTCK, nên nếu đánh thuế cao, nhà đầu tư sẽ rút nguồn vốn của mình để đầu tư vào lĩnh vực khác hoặc chuyển vốn sang TTCK có mức thuế suất thuế TNCN thấp hơn. “Để thu hút nguồn vốn gián tiếp nước ngoài và cạnh tranh với các nước khác trên thế giới, gần đây nhiều nước bắt đầu thực hiện xu hướng giảm thuế suất thuế TNCN”, ông Bart Kosters cho biết.

Theo Nghị định 85/2007/NĐ-CP, cá nhân được quyền tự tính, tự khai và tự nộp thuế TNCN, tuy nhiên đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán thì cá nhân không được thực hiện quyền này mà theo Dự án Luật, ngay sau khi hoàn thành giao dịch, cá nhân sẽ phải tạm nộp thuế TNCN được tính bằng 0,1% tổng số tiền chuyển nhượng. Hết năm tài chính (hạn cuối cùng là ngày 31/3 năm sau), cá nhân sẽ đến cơ quan thuế để quyết toán với thuế suất 25% của số tiền lãi đầu tư trong năm. Cách khấu trừ tại nguồn này được nhiều nước trên thế giới thực hiện vì khá đơn giản, nhưng với Việt Nam thì không dễ. Cụ thể, hiện mới có khoảng 298.000 người nộp thuế TNCN nhưng năm 2007, Bộ Tài chính đã phải gia hạn thời hạn quyết toán thuế do tình trạng quá tải. Câu hỏi đặt ra là, khi thực hiện Luật thuế TNCN thì ngoài số người nộp thuế TNCN hiện nay, sẽ có thêm ít nhất 2,5 triệu hộ kinh doanh cá thể và hàng trăm ngàn nhà đầu tư trên TTCK đổ đến cơ quan thuế để quyết toán thì không biết ngành thuế sẽ xoay sở ra sao, bởi hiện tại, chỉ để quản lý hộ kinh doanh cá thể, ngành thuế đã mất 25% nhân lực.