Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều rào cản

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều rào cản

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Thực trạng thương mại điện tử Việt Nam

Theo dữ liệu báo cáo của Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet), ngành mua sắm trực tuyến của Việt Nam trong những năm vừa qua đã và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội.

Trong năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến toàn ngành đã đạt tới 16,4 tỷ USD và ghi nhận 57 triệu người tham gia mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta hiện đang đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng với tốc độ khoảng 25%, cao hơn 5% so với năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta hiện đang đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta hiện đang đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Cụ thể, sau 10 tháng doanh số trên các sàn thương mại điện tử ở nước ta sau 10 tháng đã đạt khoảng hơn 180 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 6 tỷ USD. Trong đó, riêng doanh thu từ Shopee đã chiếm tới hơn 135 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Nhiều chuyên gia nhận định thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Trung bình cứ 1 trong 5 USD chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam được khách hàng thực hiện thông qua mạng xã hội.

Trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận xét rằng, tuy có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng sự phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa có tính bền vững.

Lý do trước hết là về vấn đề cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok Shop hiện nay đang diễn ra hết sức gay gắt. “Người người, nhà nhà cùng online, có rất nhiều nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng để bán hàng hóa giống nhau nên cạnh tranh trên các sàn là rất lớn”, ông Thành nhận định.

Bên cạnh đó, phải kể đến một vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, việc kiểm soát hàng kém chất lượng trên các trang trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Đáng buồn, khi các mặt hàng này lưu thông trên thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thương hiệu của các sàn.

Hay như sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương cũng là nguyên nhân khiến sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam bị chững lại. Theo thống kê, doanh thu trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu đến từ hai thành phố lớn là Hà Nội với hơn 42 nghìn tỷ đồng và thành phố Hồ Chí Minh là 57 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, Đà Nẵng là địa phương đứng thứ 3 cả nước về doanh số thương mại điện tử, cũng đã có sự tăng trưởng 11% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt hơn 709 nghìn tỷ đồng. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, gây sự phát triển không đồng đều, từ đó thị trường cũng khó đi lên bền vững.

Không chỉ vậy, vấn đề về ô nhiễm môi trường do bao bì, đóng gói sản phẩm; các chính sách, quy định vẫn còn tồn tại, chưa kiểm soát được toàn diện; chi phí khởi tạo và duy trì gian hàng khá cao; vấn đề logistics;… cũng là những nguyên nhân khiến thị trường thương mại điện tử Việt Nam khó phát triển bền vững.

Đề xuất giải pháp

Từ những thực trạng trên, có thể thấy doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử, trong đó Nhà nước có vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho thương mại điện tử phát triển.

Bởi vậy, cần có các giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại,vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử.

Thứ tư, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...

Thứ năm, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics.

Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các sự kiện thương mại điện tử mang tính kích cầu cho thị trường trong nước và mở rộng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp đưa những công nghệ mới, mô hình thương mại điện tử tiên tiến đến tay người tiêu dùng.

Thứ bảy, tiếp tục chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng các công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu, lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh.

Cuối cùng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong và ngoài nước một cách hiệu quả với chi phí thấp nhất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất Việt đa dạng hóa các kênh xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài.

Tin bài liên quan