Tiêm chủng nhanh, nhưng phải an toàn

0:00 / 0:00
0:00
Đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của một con người. Do vậy, dù liên tục yêu cầu địa phương tăng tốc tiêm chủng, nhưng Bộ Y tế cũng vẫn luôn nhấn mạnh yếu tố an toàn.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế

Gần một năm nay, từ khóa “vắc-xin” nhận được sự quan tâm rất lớn của công luận. Câu hỏi về nguồn cung vắc-xin ra sao, tiến độ tiêm thế nào, bao giờ bao phủ cộng đồng để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới luôn được đặt ra.

Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Yêu cầu 5 tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 phức tạp phải hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 trước ngày 15/9 trong khi nguồn cung vắc-xin còn khan hiếm liệu có quá khó với các địa phương, thưa Thứ trưởng?

Đến cuối tuần qua (ngày 11-12/9), Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc-xin với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% số lượng vắc-xin được phân bổ trên cả nước. Tại Hà Nội, số vắc-xin được phân bổ cũng đạt hơn 4 triệu liều, chiếm 1/8 lượng vắc-xin được phân bổ.

TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc-xin đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% vắc-xin để tiêm cho mũi 1.

Theo dự kiến, trong tháng 9 và quý IV, lượng vắc-xin về nhiều, Bộ sẽ ưu tiên cho 5 địa phương này để tiêm mũi 1 cho 100% dân số. Tuy vậy, trường hợp vắc-xin về chậm so với kế hoạch do đối tác cung ứng, thì tốc độ tiêm chủng của các tỉnh cũng có thể bị ảnh hưởng.

Về tỷ lệ tiêm chủng, TP.HCM đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc-xin (trong đó, 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vắc-xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.

Hà Nội đã tiêm được hơn 3 triệu liều trong tổng số hơn 4 triệu liều được phân bổ, đạt hơn 80%, trong đó có hơn 60% dân số trên 18 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi.

Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), với tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.

Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận 1,3 triệu liều). Tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vắc-xin.

Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin, với tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ. Tỉnh này cam kết đến ngày 10/9, sẽ đạt 100% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin.

Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Ngoài tiêm ở các bệnh viện, chúng ta còn triển khai tiêm ở các trạm y tế, cơ sở lưu động. Vậy làm sao để bảo đảm mục tiêu an toàn?

Đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của một con người. Do vậy, dù liên tục yêu cầu các địa phương tăng tốc tiêm chủng, nhưng Bộ Y tế cũng vẫn luôn nhấn mạnh yếu tố an toàn. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành y tế đang nỗ lực từng khâu, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc-xin để đảm bảo chất lượng tốt nhất, đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Tham gia tiêm chủng có 1.400 bệnh viện công, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tế. Bên cạnh đó, hệ thống y tế ngành, y tế công an, y tế quân đội cũng tham gia chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này, với đội ngũ nhân lực được tập huấn đầy đủ, kỹ càng.

Bộ Y tế liên tục yêu cầu các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc “4 tại chỗ”; thành lập Ban An toàn tiêm chủng cấp tỉnh với 7 nhiệm vụ và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng.

Với các điểm tiêm chủng lưu động, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có hướng dẫn cụ thể về việc lập kế hoạch tổ chức triển khai, hình thức triển khai tiêm chủng tới các địa phương để đảm bảo sử dụng vắc-xin kịp thời, an toàn, hiệu quả nhất.

Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 biển đổi liên tục với nhiều biến chủng mới, trong đó, biến chủng Delta đang lây lan rất nhanh. Liệu vắc-xin Covid-19 đang lưu hành có tác dụng với biến chủng mới, thưa Thứ trưởng?

Vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc-xin mới. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, vắc-xin phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh với một số biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Thực tế cho thấy, các biến chủng của virus không thể ngay lập tức vô hiệu hóa hiệu quả của vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo rằng, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19.

Việc nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn mắc Covid-19 khiến không ít người dân lo lắng. Thứ trưởng có thể nói gì về thực tế này?

Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên, không có vắc-xin nào có hiệu lực 100%, nghĩa là sau tiêm vắc-xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định người đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Với trường hợp mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.

Được biết, vắc-xin Covid-19 Pfizer có điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo (âm 60-70 độ C), vậy làm thế nào để đưa vắc-xin đến các tỉnh và tiến hành tiêm chủng mà không lo vắc-xin không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, thưa Thứ trưởng?

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer có thể bảo quản ở các dải nhiệt độ khác nhau, như từ âm 60 độ C đến âm 90 độ C, từ âm 15 độ đến âm 25 độ C, từ 2 đến 8 độ C, với thời gian sử dụng khác nhau tùy theo nhiệt độ bảo quản.

Bộ Y tế và Dự án Tiêm chủng mở rộng đã có kế hoạch cụ thể bổ sung tủ lạnh chuyên dụng để bảo quản vắc-xin này đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc-xin Pfizer cho các địa phương để đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả nhất.

Tin bài liên quan