Dòng vốn đầu tư mới sau dịch sẽ thu hút lượng lao động lớn tại các khu công nghiệp và kéo theo nhu cầu về nhà ở công nhân lớn. Ảnh: Bình Minh.

Dòng vốn đầu tư mới sau dịch sẽ thu hút lượng lao động lớn tại các khu công nghiệp và kéo theo nhu cầu về nhà ở công nhân lớn. Ảnh: Bình Minh.

Tiềm năng từ phân khúc nhà ở công nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn cung hạn chế và dòng vốn đầu tư gia tăng mạnh mẽ đang mở ra cơ hội cho phân khúc nhà ở công nhân.

Savills cho biết, trên thực tế, nguồn cung nhà ở công nhân hiện vẫn còn rất hạn chế và chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện có. Theo ghi nhận, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu lao động trong khu công nghiệp, một nửa trong số đó cần chỗ ở tương đương với nhu cầu nhà ở là 12,5 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, nguồn cung hiện hữu mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu thực tế của công nhân lao động.

Do sự thiếu hụt này, rất nhiều khu nhà trọ gần các khu công nghiệp được người dân xây dựng để cho thuê. Nhiều khu nhà trọ trong số này đã cũ kỹ, xuống cấp cũng như mật độ người thuê rất đông đúc, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn”.

Nhu cầu đối với nhà ở công nhân là rất lớn, nhưng nguồn cung vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Đơn cử tại thị trường Hải Phòng, đầu tàu phát triển công nghiệp ở miền Bắc, có 14 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với trên 200.000 lao động, trong đó khoảng 50.000 người là lao động nhập cư. Thành phố hiện đã có kế hoạch phát triển thêm 15 khu công nghiệp trên 6.000 ha đất, dự kiến sẽ cần lực lượng lao động lên tới 300.000 người và nhu cầu nhà ở cho công nhân lên tới 1,5 triệu m2 sàn.

Qua khảo sát thực tế, Savills cho biết, nhà ở công nhân do các cá nhân tự đầu tư tại khu vực huyện Thủy Nguyên, là khu vực có khu công nghiệp VSIP Hải Phòng và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, đạt giá thuê gộp trung bình từ 3,2 - 4,2 USD/m2/tháng. Ngoài ra, hai dự án nhà ở công nhân điển hình đang hoạt động là dự án nhà ở công nhân với 278 căn do LG Display xây dựng và dự án nhà ở công nhân với 330 căn tại quận Dương Kinh do Công ty Đỉnh Vàng phát triển. Tỷ lệ lấp đầy các nhà ở công nhân tại khu vực này luôn đạt mức cao khoảng 95%.

Savills cho rằng, trước đây chưa có khung pháp lý hay định nghĩa rõ ràng về nhà ở công nhân. Tuy nhiên, Nghị định 33 được thông qua vào đầu năm 2023 đã đưa ra những cam kết quan trọng về nhà ở công nhân và nhà ở xã hội. Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Savills đánh giá, mặc dù có các dự án nhà ở công nhân sắp được triển khai trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở cho công nhân hiện vẫn ở mức cao và chưa được đáp ứng. Theo chỉ số giá quý I/2023 của Savills, khu vực sản xuất đã cung cấp thêm 482.000 lao động so với cùng kỳ năm trước, con số này phản ánh nhu cầu về lao động lớn ngay từ quý đầu năm. Do vậy, các doanh nghiệp tư nhân có thể hưởng lợi khi đầu tư vào phân khúc này do thị trường có nhu cầu cao. Với sự phát triển khu vực công nghiệp liên tục, dòng vốn FDI ổn định, lực lượng lao động sản xuất lớn kết hợp với các chính sách khuyến khích đầu tư, nhà ở công nhân có thể là phân khúc phát triển ngách hấp dẫn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan