Tiến sỹ Lê Đạt Chí: Hội đồng quản trị Hòa Bình đã quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông?

Tiến sỹ Lê Đạt Chí: Hội đồng quản trị Hòa Bình đã quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ về diễn biến bùng nổ mâu thuẫn trong HĐQT Hòa Bình mới đây, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM đặt câu hỏi "HĐQT của Hòa Bình có đang vượt quá thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông?"

Là người có chuyên môn về tài chính, ông nhận xét gì về một số dữ liệu tài chính của Hòa Bình mà hai thành viên HĐQT độc lập đã chia sẻ trên báo chí?

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM

Tôi có đọc thông tin nói “Hòa Bình một năm làm khoảng 15.000 tỷ đồng mà có thời điểm chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng”. Dưới góc độ tài chính thuần túy con số này không có ý nghĩa. Giống như trong gia đình, nhiều khi không còn đồng nào nhưng không có nghĩa là kiệt quệ tài chính. Quan trọng là Ban điều hành quản trị dòng tiền như thế nào, mô hình quản trị tiền mặt giữa các công ty con trong tập đoàn và giữa các công ty con với công ty mẹ được thiết lập thế nào…

Để tối đa hóa hiệu quả của tập đoàn, có công ty mẹ chuyển tiền xuống công ty con và ngược lại với mô hình tập trung hay phân tán tùy thuộc quy chế tài chính nội bộ của công ty mà Hội đồng quản trị có vai trò thiết lập nên. Do vậy, dòng tiền luân chuyển và tạo ra các số dư ở những thời điểm khác nhau là khác nhau.

Ngoài ra, các khoản vay vốn lưu động được ngân hàng cấp cho công ty được sử dụng ở mức nào, nếu tỷ lệ giải ngân chỉ 50 - 60% hạn mức thì giữ tiền mặt cao chẳng có ý nghĩa gì mà chỉ thêm lãng phí… Vì vậy, việc đưa thông tin về tiền mặt khả dụng ra thị trường như trên là bất lợi cho giá cổ phiếu hơn là có hiệu quả về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Còn về dữ liệu công ty mẹ chuyển tiền/cho vay công ty con “vay 565 tỷ đồng, 162 tỷ đồng và hiện nay lên tới 1.000 tỷ đồng mà chưa thấy quay trở về và cũng không có báo cáo”, từ góc nhìn của ông có đáng lo ngại?

Theo tôi, tùy vào thẩm quyền quy định trong điều lệ và quy chế của công ty mà Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc được quyền quyết định các hợp đồng, tài sản mức giá trị bao nhiêu. Nếu ông Chủ tịch/Tổng giám đốc quyết định chuyển tiền của công ty theo đúng thẩm quyền mà có tổn thất thì công ty chịu.

Nếu ông Chủ tịch/Tổng giám đốc tự ý quyết định vượt thẩm quyền thì các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát/Ủy ban kiểm toán có thể đưa ra đại hội đồng cổ đông đánh giá cũng như truy tố trách nhiệm nếu xét thấy tính chất nghiêm trọng. Nếu nhẹ thì HĐQT triệu tập cuộc họp để đánh giá tình hình và yêu cầu hướng xử lý.

Thiết nghĩ, có thể có những tình huống, nhà đầu tư bên ngoài chỉ nghe nói về con số thì không đánh giá được tác động mà hoang mang lo sợ có những tổn thất tài chính của công ty, cũng lại gây bất lợi cho giá cổ phiếu trên thị trường.

Cũng là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông có bình luận gì khi tiếp nhận những thông tin về một doanh nghiệp niêm yết như trên?

Một công ty niêm yết phải hoạt động theo những quy định có tổ chức của thị trường. Thứ nhất là mỗi công ty đều phải bổ nhiệm một người công bố thông tin, nghĩa là không phải ai trong công ty muốn cung cấp thông tin ra bên ngoài đều được. Những người không có vai trò này cung cấp thông tin là sai quy định, nhất là thông tin nhạy cảm có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty.

Thứ hai là tiêu chuẩn đạo đức kể cả hành nghề thành viên hội đồng quản trị. Tiêu chuẩn này ở Việt Nam ít chú ý hay không được ban hành theo những tiêu chuẩn nghề nghiệp. Trong lĩnh vực tài chính chuyên nghiệp, chúng tôi được dạy về đạo đức tài chính và các bạn thi các chứng chỉ phân tích đầu tư CFA sẽ vượt qua nhiều câu hỏi khó về đạo đức tài chính. Ở đây, các thành viên HĐQT cung cấp thông tin vượt qua các nguyên tắc và tiêu chuẩn nghề nghiệp đã đưa tôi đến một câu hỏi lớn, mục đích công bố thông tin đó là gì?

Nếu tình hình thực sự nghiêm trọng, thành viên HĐQT có trách nhiệm báo cáo Đại hội đồng cổ đông trong cuộc họp định kỳ hoặc triệu tập bất thường, hoặc chỉ là vấn đề nghiêm trọng với bản thân, còn thành viên khác chưa nhận ra thì bản thân các thành viên HĐQT phải họp lại với nhau, chiếu theo những quy tắc trong hoạt động của HĐQT để hành xử hay bổ sung quy tắc, hoặc thậm chí báo cáo cơ quan chức năng liên quan. Việc công bố các thông tin nội bộ như vậy ảnh hưởng đến các đối tác, ngân hàng và có thể làm những nhà đầu tư nhỏ lẻ lo sợ mà bán tháo cổ phiếu. Vấn đề nghiêm trọng hơn nếu có nhóm lợi ích nào đó đằng sau.

Nếu đang nắm giữ cổ phiếu Hòa Bình, thì ông mong muốn gì ở Hội đồng quản trị Công ty lúc này?

Tôi mong muốn các thành viên HĐQT hành động đúng luật, ứng xử đúng chuẩn mực vì sự phát triển chung của Tập đoàn. Thị trường bất động sản trầm lắng nhiều năm nay, bởi ảnh hưởng của Covid-19, lại thêm thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao, ngành xây dựng ai cũng thấy là đang rất khó khăn. Các chủ đầu tư cũng đang khó hơn về dòng tiền và thanh khoản, kéo theo thanh toán cho nhà thầu sẽ chậm lại. Những khó khăn này đã phản ánh vào giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng cũng như bất động sản.

Vì vậy, để đưa công ty qua khó khăn, các thành viên HĐQT phải cẩn trọng trong các quyết định, đặc biệt là các quyết định lớn như chuyển giao chức vụ Chủ tịch HĐQT, thành lập Hội đồng sáng lập với các chức năng nhiệm vụ thẩm quyền có tầm quan trọng ngang bằng Hội đồng quản trị trong các quyết định lớn, dựa trên đồng thuận.

Nếu điều lệ công ty chưa quy định Hội đồng sáng lập thì Hội đồng quản trị không nên quyết định về việc này. Vì Điều lệ công ty quy định cách thức và cấu trúc tổ chức công ty, Hội đồng quản trị không có thẩm quyền quyết định cấu trúc tổ chức này mà chỉ làm tờ trình để trình đại hội đồng cổ đông biểu quyết. Sau khi Đại hội đồng cổ đông quyết thì HĐQT mới làm các bước tiếp theo. HĐQT của Hòa Bình có đang vượt quá thẩm quyền, không đúng trình tự khi quyết định những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền đại hội đồng cổ đông hay không?

Bây giờ, khi Hội đồng quản trị đã mâu thuẫn thì nhóm cổ đông sở hữu đủ tỷ lệ cổ phần theo quy định cũng có thể triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để bãi nhiệm tất cả, bầu HĐQT mới cũng như các vấn đề thuộc thẩm quyền để công ty ổn định và phát triển.

Trong Điều lệ Công ty cổ phần xây dựng Tập đoàn Hòa Bình được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào ngày 24/8/2022 không nhắc, không có bất cứ quy định nào về Hội đồng sáng lập trong cơ cấu tổ chức của Hòa Bình.

Trong thông báo có tiêu đề “Ông Lê Viết Hải sẽ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Sáng lập từ ngày 01/01/2023” trên trang web chính thức của Hòa Bình, thông báo Nghị quyết số 50/2022/NQ – HĐQT, HBC chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023 cũng như sẽ thành lập Hội đồng Sáng lập do ông Hải làm Chủ tịch có nêu:

“Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho Hội đồng quản trị và Ban điều hành về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng của Tập đoàn, nhằm đảm bảo cho Hòa Bình, một Thương hiệu quốc gia đang giữ vị trí số 1 trong ngành xây dựng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ đúng với hoài bão, sứ mệnh, triết lý kinh doanh và các giá trị cốt lõi đã xác định trong tuyên ngôn giá trị của Tập đoàn.

Đồng thời, Hội đồng Sáng lập sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện và thông qua các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc đồng thuận nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, đảm bảo sự hài hòa, công bằng và lợi ích của các bên.

Cụ thể như sửa đổi Điều lệ Công ty; bất kỳ các thay đổi quan trọng nào trong hoạt động kinh doanh của Công ty hoặc bắt đầu một loại hình kinh doanh mới; các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, các dự án đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên; việc cấp bảo lãnh có giá trị trên 20 tỷ đồng; bổ nhiệm, thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn và các công ty thành viên, công ty liên kết…

Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp chung đối với các vấn đề trọng yếu của Tập đoàn cũng như thảo luận để định hướng cho hoạt động của Tập đoàn ngày càng phát triển hơn cũng theo nguyên tắc đồng thuận”.

Tin bài liên quan