Tiền tháo chạy khỏi hàng hoá và tiếp tục đổ vào đồng USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên tiếp phải đón nhận những cú sốc, đặc biệt áp lực lạm phát chi phí đẩy từ giá dầu, triển vọng kinh tế toàn cầu đảo chiều, hàng loạt ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất với mục tiêu kiểm soát lạm phát thay vì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã thay đổi toàn bộ dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Tiền tháo chạy khỏi hàng hoá và tiếp tục đổ vào đồng USD

Nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một hiện hữu

Nếu như giai đoạn đầu năm 2022, các dự phóng về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đều bước vào chu kỳ hồi phục hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thế giới đã đảo chiều hoàn toàn sau cú sốc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy khu vực châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung rơi vào cơn bão lạm phát chi phí đầy từ giá dầu.

Bên cạnh đó, khí tự nhiên cũng đang là mặt hàng nóng nhất trên thế giới hiện tại với mức tăng khoảng 700% ở châu Âu kể từ đầu năm ngoái và đẩy châu lục này đến bờ vực suy thoái.

Thêm nữa, nếu như giai đoạn cuối năm 2021, lạm phát được các Ngân hàng Trung ương lớn và đặc biệt là Fed dự báo chỉ là tạm thời nhưng khi xung đột diễn ra, lạm phát đã trở thành mối lo chính của các ngân hàng trung ương toàn cầu, đi đầu là Fed khi liên tục thực hiện các đợt tăng lãi suất.

Từ đầu năm tới nay, Fed đã thực hiện 3 lần tăng lãi suất. Trong đó, lần 1, ngày 16/3, Fed nâng lãi suất thêm 0,25% lên 0,25% đến 0,5%; lần 2, ngày 4/5, Fed nâng lãi suất thêm 0,5% lên 0,75% đến 1%; và lần 3, ngày 15/6, Fed nâng lãi suất thêm 0,75% lên 1,5% đến 1,75%. Dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất lên 2,5% đến 2,75% vào cuối năm 2022 và có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào giữa năm sau.

Với việc Fed đang đẩy mạnh quá trình tăng lãi suất, điều này dự kiến sẽ khiến đồng USD tiếp tục tăng giá. Thống kê theo Trading Economics, trong quý II/2022, chỉ số Dollar Index (DXY) đã tăng 6,5% từ 98,3 lên 104,7 điểm và tiếp tục tăng trong các phiên gần đây, hiện tại đang giao dịch vùng 106,6 điểm. Như vậy, nếu tính từ đầu năm tới nay, chỉ số Dollar Index đã tăng 11,4%.

Với việc Fed vẫn có thể tăng thêm khoảng 1% lãi suất vào giai đoạn cuối năm, điều này có thể tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng USD và sự suy yếu của các đồng tiền còn lại trên thế giới.

Nếu chỉ xét riêng dòng tiền, theo thống kê của Bloomberg, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán ròng 40 tỷ USD cổ phiếu trên 7 thị trường lớn ở khu vực châu Á (Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Bắc - Trung Hoa và Thái Lan) trong quý II/2022, mức cao nhất tính từ năm 2007 tới nay.

Các quỹ đầu tư đang rút khỏi các thị trường có rủi ro cao hơn khi lạm phát tràn lan và các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của ngân hàng trung ương làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Lo ngại về một cuộc suy thoái của Mỹ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Âu và Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau các đợt phong toả do Covid-19 cũng là lý do gây ra áp lực bán tháo.

Thực tế, quan sát các chu kỳ mở rộng và suy thoái trong lịch sử, dòng vốn toàn cầu chỉ có dấu hiệu tham gia các thị trường cận biên, mới nổi khi mặt bằng lãi suất các nước phát triển ổn định hoặc duy trì mức lãi suất thấp. Nếu các cường quốc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, dòng vốn sẽ tiếp tục quay trở lại các nước phát triển và đồng USD tiếp tục là điểm đến của dòng tiền.

Hiện tại, mặc dù chưa xảy ra cuộc khủng hoảng nhưng đang có dấu hiệu lạm phát cao đã và tiếp tục triệt tiêu nhu cầu dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tín hiệu tiêu cực từ các thị trường trái phiếu, cổ phiếu

Quan sát ở thị trường trái phiếu, lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm đang là 2,8387%, lợi tức kỳ hạn 5 năm là 2,837% và lợi tức kỳ hạn 10 năm đang là 2,816%. Như vậy, lợi tức trái phiếu kỳ hạn ngắn đang cao hơn lợi tức trái phiếu kỳ hạn dài và xu hướng này đang có dấu hiệu nới rộng trong thời gian gần đây.

Mặc dù lợi tức trái phiếu đảo ngược không nhằm chỉ suy thoái sẽ diễn ra ngay lập tức nhưng là chỉ báo sớm về nguy cơ suy thoái khi giới đầu tư đang ưa thích trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn trái phiếu kỳ hạn dài.

Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn ngắn vượt kỳ hạn dài.

Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn ngắn vượt kỳ hạn dài.

Đối với thị trường cổ phiếu, 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite đều đã giảm lần lượt 18,3%, 23,4% và 30% so với đỉnh gần nhất và có dấu hiệu hồi phục nhẹ trong một số phiên gần đây. Trên lý thuyết, thị trường con gấu xuất hiện khi các chỉ số giảm trên 20% từ đỉnh gần nhất. Như vậy, 2/3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn.

Với những dấu hiệu từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên, dòng tiền rút khỏi thị trường cận biên và mới nổi, quay lại đồng đô la đang hiện hữu.

Trong sách Giả kim thuật về tài chính, nhà đầu cơ huyền thoại George Soros đã giới thiệu khái niệm lý thuyết phản thân cho rằng, một vòng phản hồi tồn tại trong đó nhận thức của nhà đầu tư ảnh hưởng đến nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế, từ đó thay đổi nhận thức của nhà đầu tư. Cụ thể, các nhà đầu tư không dựa trên quyết định của họ về thực tế mà thay vào đó là nhận thức của họ về thực tế. Các hành động xuất phát từ những nhận thức này có tác động đến thực tế hoặc các nguyên tắc cơ bản, sau đó ảnh hưởng đến nhận thức của nhà đầu tư và theo đó là giá cả.

Điều này có thể đúng trên thị trường hiện tại, giới đầu tư lo ngại suy thoái đã phản ứng như đợt suy thoái trên thị trường trái phiếu đẩy lợi tức ngắn hạn cao hơn lợi tức dài hạn; bán cổ phiếu dẫn tới các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm quá 20%, thị trường bước vào thị trường con gấu; các ngân hàng trung ương nâng lãi suất trước lo ngại suy thoái, việc nâng lãi suất tác động làm cho nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại.

Khi giới đầu tư đều nhận biết và lo ngại về suy thoái, họ đang và sẽ phản ứng như cuộc suy thoái chuẩn bị diễn ra và phản ảnh lên các thị trường tài chính, hàng hoá.

Dòng tiền tháo chạy khỏi hàng hoá

Sau khi chứng kiến lo ngại suy thoái, giá dầu bắt đầu giảm mạnh từ đỉnh. Cụ thể, từ đầu tháng 3 tới nay, giá dầu Brent đã giảm 16,8% về 102,77 USD/thùng và dầu thô giảm 13,8% về 99,8 USD/thùng, giá dầu đang cho thấy dấu hiệu tiếp tục xu hướng giảm. Mới đây, Citigroup Inc đã đưa ra dự báo giá dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay và giảm xuống khoảng 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu như suy thoái toàn cầu xảy ra.

Citigroup Inc cho biết thêm đối với dầu mỏ, bằng chứng lịch sử cho thấy giá dầu sẽ giảm trong tất cả các cuộc suy thoái do nhu cầu suy giảm.

Thêm nữa, trong ngành công nghiệp, đồng là nguyên liệu được sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp cũng đang có dấu hiệu giảm mạnh (đồng được sử dụng từ xây dựng đến các ngành công nghiệp nặng, đồ điện tử…). Cụ thể, từ ngày 4/3 đến 5/7, giá đồng giảm 30,1% từ 4,9 về 3,43 USD/pound và đã thấp hơn đầu năm 2021 tới nay.

Tương tự, giá kẽm, nguyên liệu được sử dụng để mạ thép cũng có nguy cơ giảm sâu hơn nữa.

Giá hàng hoá cơ bản lao dốc khi USD mạnh lên.

Giá hàng hoá cơ bản lao dốc khi USD mạnh lên.

Có thể thấy, giá các hàng hoá cơ bản như dầu, thép, đồng, bạc, kẽm… đều đang cho thấy xu hướng đảo chiều giảm do nhu cầu suy yếu và nếu như nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn giảm tốc, nhu cầu suy giảm, giá các nguyên liệu cơ bản này có xu hướng tiếp tục suy giảm.

Ngoài nguyên nhân giảm do nhu cầu suy giảm những có thêm nguyên nhân đồng đô la mạnh lên và kỳ vọng tiếp tục mạnh lên giai đoạn cuối năm do Fed nâng lãi suất, giới đầu tư và đầu cơ tiếp tục tích trữ đồng USD và bán các hàng hoá, chờ đồng USD ổn định sẽ quay trở lại mua vào các hàng hoá.

Trong đó, đơn cử mặc dù vàng được ví là kênh bảo toàn vốn trong khủng hoảng nhưng năm nay từ 8/3 đến 5/7, giá vàng đã giảm 13,8% về 1.768 USD/ounce và tiếp tục xu hướng giảm. Thực tế, hiện tại chỉ có mỗi đồng USD lên giá và các tài sản khác đang có dấu hiệu bị bán, kể cả tài sản vàng.

Do đó, trước khi Fed nâng lãi suất lên 2,5% đến 2,75% hoặc lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt thì áp lực giảm giá lên các tài sản khác như vàng và các hàng hoá khác bị bán vẫn còn tiếp diễn.

Tin bài liên quan