Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy GE Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy GE Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Tiếp nhận dự án FDI: Nên học cách “lắc đầu”

Vị thế hiện nay cho phép Việt Nam có quyền lựa chọn trong thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cần kiên quyết lắc đầu trước những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, hàm lượng vốn, công nghệ thấp...

Bài học từ những vết xe đổ

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), mặc dù vài năm gần đây là quãng thời gian tương đối thành công của Việt Nam trong thu hút FDI, nhưng kỳ vọng chuyển hướng thu hút đầu tư của Việt Nam, dù đặt ra từ khá lâu, vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Nguyên nhân chính của nốt trầm trong thu hút đầu tư được ông Mại nêu ra chính là bởi sự phân cấp, phân quyền trong việc cấp phép dự án đầu tư về địa phương khi chưa có công cụ quản lý đầy đủ, dẫn đến sự cạnh tranh xuống đáy và cào bằng trong thu hút đầu tư.

“Chính phủ không có đủ công cụ để quản lý, điều chỉnh hoạt động cấp phép ở các địa phương đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Điều này dẫn đến hiện trạng, các địa phương có xu hướng thu hút đầu tư không đúng chuẩn mực, thậm chí ưu đãi vượt quá quy định của Nhà nước và thực tế đã chỉ ra nhiều hệ lụy”, ông Nguyễn Mại nói.

Phân tích thêm về những hệ lụy, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, khi nhà đầu tư nhận thấy cơ hội từ việc phân quyền cho các địa phương, việc trải thảm đỏ bất chấp dự án tốt xấu mà không thẩm định kỹ, người ta sẽ đổ xô vào kiếm các dự án lớn ở các tỉnh chỉ để trao tay kiếm lời, nếu không thực hiện được thì đem trả lại địa phương.

Đỉnh cao của tình trạng này là giai đoạn ngay sau phân cấp (2008 - 2009), với hàng chục dự án tỷ USD “rởm”. Các địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí tiếp đón, thẩm định, cấp đất đai, nhưng dự án “đắp chiếu” hoặc hoàn trả, gây lãng phí nghiêm trọng.

Các địa phương có xu hướng thu hút đầu tư không đúng chuẩn mực, thậm chí ưu đãi vượt quá quy định của Nhà nước và thực tế đã chỉ ra nhiều hệ lụy

Trước thực trạng trên, dịp tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài (năm 2013), Chính phủ đã lưu ý các địa phương khi lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, nhưng tình hình cũng không có mấy chuyển biến. Hàng loạt dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường vẫn “hồn nhiên” được cấp phép.

Đồng quan điểm, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý, mỗi giai đoạn phát triển khác nhau chúng ta cần có những điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI phù hợp với thực tế, tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Giờ vị thế Việt Nam đã khác nên việc thu hút đầu tư cũng phải khác.

“Tư duy thu hút FDI “càng đông càng vui” cần loại bỏ trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Cần học cách lắc đầu trước những dự án nguy cơ gây ô nhiễm, hàm lượng vốn, công nghệ thấp... Đây là thời điểm Việt Nam cần bước vào giai đoạn sàng lọc, lựa chọn tinh hơn thô”, ông Thắng nêu quan điểm.

Chọn lọc kỹ dự án

Những ngày này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất bận rộn với những buổi tiếp các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đề xuất những dự án cho tương lai. Dù thông tin chưa được tiết lộ, nhưng có thể bật mí, đây đều là những dự án “hoành tráng” với hàm lượng công nghệ cao và những cam kết chuyển giao công nghệ lõi.

Nếu đàm phán kết thúc tốt đẹp và dự án được cấp phép thì đây sẽ là minh chứng sinh động nhất cho quan điểm, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, đó là, có chọn lọc, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ môi trường và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Theo ông Phan Hữu Thắng, thời gian tới, bên cạnh hướng tới lựa chọn dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, tính liên kết, chuyển giao tốt, cũng cần có sự thống nhất về quy hoạch phát triển, trong đó lĩnh vực nào, vùng nào sẽ dành ưu tiên thu hút vốn FDI... Các dự án cấp phép phải phụ thuộc những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến, những cái mà doanh nghiệp Việt có khả năng làm được thì phải để người Việt làm.

“Phải có chỉ dẫn cụ thể cách sàng lọc cho các địa phương mới giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn vốn ngoại. Đối tác nào cũng phải sàng lọc. Nhà đầu tư đăng ký dự án quy mô vốn rất lớn, song nếu rà soát nhận thấy chỉ một phần nhỏ dự án sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam, còn phần lớn giá trị còn lại không phù hợp thì cũng mạnh dạn từ chối”, ông Thắng nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng lưu ý, cần tổ chức thực hiện để giai đoạn tới các lĩnh vực, ngành, nghề thu hút vốn ngoại tập trung, hiệu quả hơn, chứ không chỉ nêu ra một loạt danh sách trong định hướng, còn hiệu quả thực tế lại không đạt như mong muốn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học - công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế; đồng thời, cần xác định những lĩnh vực, ngành nghề và đối tác cần ưu tiên thu hút FDI.

“Trước mắt, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Đó cũng phải là các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, sẽ ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước”, ông Vũ Đại Thắng nói.

Tin bài liên quan