Tìm cơ hội ở đâu?

Tìm cơ hội ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư và các đối tác tổ chức tuần qua phải kê thêm nhiều ghế tại hội trường khách sạn Pullman (Hà Nội) do lượng người tham dự quá đông.

Sức nóng của thị trường và khát khao tìm kiếm cơ hội đầu tư, mưu cầu thịnh vượng đã khiến cho diễn đàn được quan tâm và lắng nghe đến phút chót.

Điều này cho thấy nhu cầu tìm kiếm kênh sinh lời, nơi bỏ vốn của người dân trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tiếp tục giảm là rất lớn.

Nhìn lại tháng 7, VN-Index đã có mức tăng ấn tượng với con số 9,2%, đồng pha nhưng vượt lên ở mức tăng với nhiều thị trường trên thế giới. Bởi thế, các phiên giảm điểm trong tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư đứng giữa 2 lựa chọn: Bán chốt thì sợ mất hàng nếu thị trường quay lại xu hướng tăng và giữ hàng thì sợ mất lãi nếu thị trường điều chỉnh mạnh.

Nhìn theo yếu tố kỹ thuật, VN-Index trong phạm vi 25 phiên giao dịch đang có 3 ngày phân phối rõ rệt ở các phiên có mức giảm lớn hơn 0,1% và thanh khoản cao hơn ngày trước đó.

Dù vậy, với “dấu vết” này của thị trường, 3 phiên phân phối không đáng ngại và cuối tuần qua thị trường đã có pha lội ngược dòng ngoạn mục khi biến động tới 20 điểm trong 1 phiên, có lúc giảm gần 10 điểm rồi lại tăng hơn 11 điểm khi đóng cửa. Như vậy, dù áp lực bán mạnh, vẫn chưa đủ để làm VN-Index thay đổi xu hướng tăng hiện có.

Có thể kể đến nhiều yếu tố vĩ mô ủng hộ chỉ số trong chu kỳ tăng mới như Fed đang tiến gần đến điểm ngừng tăng lãi suất, Trung Quốc có các chính sách thúc đẩy kinh tế, vực dậy thị trường bất động sản. Trong nước, chính sách tiền tệ đã đi từ thắt chặt sang nới lỏng liên tục. Dự kiến sắp tới cở quan điều hành chính sách tiền tệ còn tiếp tục hạ trần huy động.

Và đặc biệt, quan trọng nhất chính là sự cải thiện doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nửa năm sau 2023. Không ít nhà đầu tư băn khoăn với câu hỏi: Tại sao VN-Index tăng liên tục trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thấy, mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vào quý II/2023 vẫn rất tệ hại, nhưng nó đã “cải thiện”. Dựa theo ước tính của VNDS, lợi nhuận ròng quý II/2023 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện rất nhiều so với quý I/2023 (- 19,3%) và quý IV/2022 (-32,5%). Việc lợi nhuận quý II “bớt xấu” chính là tín hiệu tích cực cho một sự phục hồi.

Câu chuyện được kỳ vọng là kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Các thông điệp của Chính phủ gần đây cho thấy quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 9% trong nửa cuối năm 2023. Để thực hiện điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng, lãi suất cho vay thấp hơn giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Đơn hàng xuất khẩu nông sản và hàng hóa công nghiệp của Việt Nam có khả năng phục hồi từ quý cuối năm nay.

Chọn chủ đề tiêu điểm “Truy tìm cơ hội cuối năm” trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán kỳ vọng nhà đầu tư sẽ chắt lọc được thông tin hữu ích cho một giai đoạn mới của thị trường.

Tin bài liên quan