Tìm hiểu về giá trị thực của cổ phiếu

(ĐTCK-online) Tìm ra giá trị thực của cổ phiếu là vấn đề quan trọng được các NĐT quan tâm, ngay cả các nhà chuyên môn cũng phải dành nhiều thời gian để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Giá trị thực của cổ phiểu không dễ dàng tìm được, do cách vận dụng các phương pháp tính khác nhau, mà các phương pháp này dựa vào chủ quan của các cá nhân vận dụng nó.

Vấn đề giá trị thực và giá trị ẩn của cổ phiếu đã được các chuyên gia phân tích đề cập khá nhiều, đồng thời cũng là câu hỏi mà tất cả công chúng đầu tư đều quan tâm. Tuy nhiên, phần lớn giá trị thực đều được căn cứ và dựa trên những thông tin không chuẩn xác như việc NĐT không biết rõ lĩnh vực hoạt động, tình hình kinh doanh và tài chính của công ty phát hành cổ phiếu ra sao, triển vọng tăng trưởng thế nào. Trong khi đó, các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận vấn đề về giá trị thực nhưng không chỉ ra được một phương pháp đồng nhất và toàn diện trong việc tính toán giá trị thực của cổ phiếu.

Phương pháp DCF (định giá cổ phiếu thông qua chiết khấu luồng thu nhập), Po (giá trị tài sản ròng vào thời điểm niêm yết) và E (lợi nhuận ước tính của doanh nghiệp trong 5 năm) thường được sử dụng để tính giá trị thực. Tuy nhiên, kết quả này trở nên thiếu tin cậy khi một số vấn đề có thể tác động đến độ chính xác của kết quả như giá trị tài sản ròng hoàn toàn dựa trên giá trị sổ sách, không có liên hệ nhiều với giá trị thị trường của những tài sản này tại thời điểm niêm yết và chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các chính sách kế toán được áp dụng trước đó. Hay con số lợi nhuận trong tương lai chỉ là ước tính dựa trên giả định. Ngoài ra, giá trị sinh lời của doanh nghiệp từ sau khoảng thời gian được ước tính không được tính vào giá trị thực, trong khi phần giá trị này là không nhỏ trong toàn bộ giá trị nội tại của một doanh nghiệp.

Còn đối với phương pháp sử dụng hệ số P/E cũng nảy sinh một số vấn đề như liệu E (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) có phản ánh đúng lợi nhuận thực không hay còn chịu ảnh hưởng của các chính sách kế toán được áp dụng? Nên sử dụng E của năm tài chính trước, của 4 quý gần nhất hay của năm tài chính hiện thời? Liệu hệ số so sánh có phản ánh đúng giá trị thực của toàn ngành hay toàn thị trường mà doanh nghiệp hoạt động hay không? Người thực hiện công việc tính toán còn cần cân nhắc vấn đề liệu hệ số P/E có cần điều chỉnh so với thực tế của doanh nghiệp hay không?

Giá trị thực còn được hiểu là giá trị nội tại. Giá trị nội tại của một công ty được định nghĩa là giá trị chiết khấu của luồng tiền mà công ty đó có thể đem lại trong tương lai. Tuy nhiên, để tính giá trị này hoàn toàn không đơn giản. Chỉ có thể ước tính giá trị này trên cơ sở những thông tin và giả định hiện có, bên cạnh đó phải điều chỉnh ước tính này ngay khi những thông tin và giả định đó thay đổi. Chỉ cần hai người có những thông tin như nhau cũng khó tránh khỏi việc đưa ra những giá trị ước tính khác nhau. Vì vậy, việc khẳng định giá chứng khoán đã vượt quá giá trị thực và kỳ vọng các nhà đầu tư khác cũng thừa nhận kết luận này là chủ quan. Do vậy, nhận định về giá trị một doanh nghiệp luôn mang tính chủ quan, nhận định này sẽ được đánh giá thông qua thị trường cùng với sự can thiệp tối thiểu của các nhà quản lý, nơi mà NĐT sẽ là những người quyết định giá của cổ phiếu đang được giao dịch.