Tìm hiểu về quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ

(ĐTCK-online) Quỹ đầu tư (QĐT) và công ty quản lý quỹ đầu tư (CTQLQ) ra đời xuất phát từ nhu cầu nội tại của thị trường tài chính và khi TTCK đã phát triển ở mức độ nhất định.

QĐT và CTQLQ được hình thành từ đơn giản đến phức tạp, quy mô từ nhỏ đến lớn và mô hình tổ chức - quản lý ngày càng hoàn thiện.

Các QĐT và CTQLQ có những nhiệm vụ chủ yếu như huy động vốn đầu tư; quản lý và thực hiện quá trình đầu tư trên cơ sở các nguồn vốn đã huy động được; lưu ký, bảo quản tài sản và tổ chức giám sát các hoạt động đầu tư. Để thực hiện những nhiệm vụ này, QĐT và CTQLQ phải giải quyết tốt những mối quan hệ trên TTCK, thị trường tiền tệ. Trong đó, có những mối quan hệ với các ngân hàng, công ty tài chính với tư cách là tổ chức bảo lãnh phát hành, lưu ký, bảo quản tài sản, giám sát hoạt động của các CTQLQ hoặc thực hiện các hợp đồng ủy thác huy động vốn, quản lý danh mục đầu tư cho các QĐT.

 

Những nội dung cơ bản của hoạt động đầu tư:

 

Hoạt động đầu tư là nhiệm vụ quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của mọi QĐT, CTQLQ. Vì vậy, để tiến hành đầu tư, các QĐT, CTQLQ phải tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình hoạt động đầu tư.

Để nghiên cứu đầu tư, các QĐT và CTQLQ sử dụng công cụ phân tích cơ bản, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề vĩ mô như phân tích sự tác động của lãi suất, tỷ giá, chính sách kinh tế, các quan hệ kinh tế trong và ngoài nước tác động tới hoạt động đầu tư chứng khoán. Đồng thời, các tổ chức này còn thực hiện việc tìm kiếm, phát hiện, dự đoán khuynh hướng phát triển và những biến động có thể xảy ra đối với toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường tài chính và triển vọng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, để tính toán khả năng sinh lời, triển vọng tăng trưởng, phân tích rủi ro đối với từng loại chứng khoán cụ thể, các QĐT và CTQLQ sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật để thực hiện điều này.

Mục tiêu đầu tư được xác định và thiết lập trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thị trường và phân tích lợi nhuận, rủi ro. Đồng thời, phải xuất phát từ khả năng tài chính, khả năng tham gia của các NĐT, những đặc điểm và mục tiêu thành lập quỹ. Trên cơ sở đó, phải xác định mục tiêu đầu tư là thu nhập, lãi vốn hay kết hợp cả hai mục tiêu này để bảo tồn và phát triển quỹ một cách hiệu quả nhất.

Mục tiêu đầu tư được thực hiện thông qua các chiến lược đầu tư. Nghĩa là, chiến lược đầu tư phải được thành lập trên cơ sở mục tiêu đầu tư. Căn cứ vào mục tiêu đầu tư, chủ động xây dựng chiến lược đầu tư để xác định cơ cấu tài sản (phân bổ tài sản) và lựa chọn chứng khoán theo hướng năng động hoặc theo cơ cấu ổn định. Từ đó hình thành chiến lược đầu tư mang tính chủ động hay thụ động, hoặc sử dụng chiến lược hỗn hợp cả hai thuộc tính này để hình thành danh mục đầu tư.

NĐT cá nhân hay pháp nhân thường quyết định đầu tư thông qua quỹ bởi nhiều yếu tố như giảm thiểu rủi ro nhờ đa dạng hóa danh mục đầu tư, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt các yêu cầu về lợi nhuận. Mỗi NĐT tham gia đầu tư vào quỹ sẽ sở hữu một phần trong tổng danh mục đầu tư của quỹ. Việc nắm giữ này được thể hiện thông qua việc sở hữu các chứng chỉ QĐT.

 

Một số chiến lược đầu tư của Quỹ đầu tư và Công ty quản lý quỹ:

 

- Chiến lược đầu tư mang tính chủ động. Áp dụng chiến lược này, danh mục đầu tư của quỹ đầu tư (QĐT) và công ty quản lý quỹ (CTQLQ) thường tập trung vào các công cụ tài chính mang tính mạo hiểm, mức độ rủi ro cao như đầu tư cổ phiếu, các công cụ tài chính phái sinh và liên quan nhiều đến yếu tố tạo lập thị trường. Với việc áp dụng chiến lược này, các nhà hoạch định kỳ vọng vào sự tăng trưởng về giá trị tương lai hoặc vào sự phát triển đột biến để lựa chọn ngành, lĩnh vực và các chứng khoán cụ thể. Điều này đòi hỏi phải sử dụng thuần thục các loại công cụ phân tích để có thể phát huy tính chủ động, không ngừng chuyển hóa cơ cấu tài sản và đổi mới chứng khoán.

- Chiến lược đầu tư mang tính thụ động. Áp dụng chiến lược này, danh mục đầu tư thường dàn trải nhằm bù đắp giữa lợi nhuận và rủi ro để có được thu nhập ổn định, hạn chế rủi ro đến mức có thể chấp nhận được đối với từng chứng khoán cụ thể. Tài sản trong danh mục thường tập trung vào các công cụ tài chính có thu nhập tương đối ổn định như trái phiếu chính phủ, hoặc thiết lập danh mục đầu tư theo kết cấu chỉ số. Về bản chất, đây chỉ là sự sao chép lại một cách thụ động mức lợi nhuận của toàn thị trường và không kỳ vọng vào loại hình chứng khoán và lĩnh vực kinh tế cụ thể nào, còn kết quả hoạt động đầu tư thì bị lệ thuộc vào diễn biến khách quan của thị trường.

- Các QĐT và CTQLQ cũng có thể áp dụng chiến lược đầu tư mang tính hỗn hợp trên cơ sở phối hợp cả hai chiến lược nêu trên. Để thực hiện chiến lược này, trọng tâm của danh mục đầu tư là những chứng khoán được lựa chọn theo chỉ số. Bộ phận còn lại của danh mục đầu tư được thực hiện theo phương thức chủ động.

- Để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, việc quản trị, điều hành QĐT và CTQLQ đầu tư phải luôn hướng vào các chỉ tiêu kinh tế cơ bản như tổng thu nhập, tỷ lệ thu nhập, tổng chi phí, tỷ lệ chi phí và chất lượng hoạt động của bộ máy quản trị điều hành. Đồng thời, các QĐT và CTQLQ không chỉ khai thác và xử lý tốt các thông tin thị trường, mà còn phải cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời, đầy đủ về tình hình tài chính và hoạt động QĐT, CTQLQ. Hội đồng quản trị phải cung cấp cho các NĐT các báo cáo về tình hình hoạt động đầu tư, tình hình tài chính. Nếu QĐT theo mô hình hợp đồng thì phải cung cấp cho nhà đầu tư các tài liệu báo cáo định kỳ của CTQLQ, báo cáo của người thụ ủy và các báo cáo tài chính bao gồm báo cáo về tài sản và công nợ, thu nhập và chi phí, sự thay đổi giá trị tài sản ròng.

Danh mục đầu tư không chỉ thể hiện một cách tổng thể mục tiêu, chiến lược đầu tư, việc phân bố tài sản và lựa chọn chứng khoán không chỉ đối với các loại hình chứng khoán, ngành, lĩnh vực mà QĐT, CTQLQ quan tâm mà còn thể hiện cả mục tiêu, phạm vi hoạt động của chúng trên thị trường tài chính.

 

Các loại hình quỹ đầu tư:

 

Quỹ đầu tư là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng, thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ hay các loại tài sản khác. Tất cả các khoản đầu tư này đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan thẩm quyền khác.

- Căn cứ vào nguồn vốn huy động có quỹ đầu tư tập thể và quỹ đầu tư cá nhân. Quỹ đầu tư tập thể (quỹ công chúng) là quỹ huy động vốn bằng cách phát hành rộng rãi ra công chúng. NĐT có thể là cá nhân hay pháp nhân, nhưng đa phần là NĐT riêng lẻ. Quỹ công chúng cung cấp cho các NĐT nhỏ phương tiện đầu tư đảm bảo đa dạng hóa đầu tư, giảm thiểu rủi ro và chi phí đầu tư thấp với hiệu quả cao do tính chuyên nghiệp của đầu tư mang lại. Còn quỹ đầu tư cá nhân (quỹ thành viên) huy động vốn bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho một nhóm nhỏ NĐT, có thể được lựa chọn trước, do vậy tính thanh khoản của quỹ thấp hơn quỹ công chúng. Các NĐT đầu tư vào quỹ tư nhân thường với lượng vốn lớn, đổi lại họ có thể tham gia việc kiểm soát đầu tư của quỹ.

- Căn cứ vào cấu trúc vận động vốn có quỹ đóng và quỹ mở. Quỹ đóng là hình thức quỹ phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn và quỹ không thực hiện việc mua lại chứng chỉ quỹ khi NĐT có nhu cầu bán. Nhằm tạo tính thanh khoản, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên TTCK. Tổng vốn huy động của quỹ cố định và không biến đổi trong suốt thời gian quỹ hoạt động. Đối với quỹ mở, NĐT được quyền bán lại chứng chỉ quỹ cho quỹ theo giá trị thuần vào thời điểm giao dịch (thực hiện trực tiếp với công ty quản lý quỹ) và các chứng chỉ quỹ không được niêm yết trên TTCK.

- Căn cứ vào cơ cấu tổ chức và hoạt động của quỹ có quỹ đầu tư dạng công ty. Trong mô hình này, quỹ đầu tư là một pháp nhân, tức là một công ty được hình thành theo quy định của pháp luật từng nước. Cơ quan điều hành cao nhất của quỹ là HĐQT do NĐT bầu ra, có nhiệm vụ chính là quản lý toàn bộ hoạt động của quỹ, lựa chọn công ty quản lý quỹ, giám sát hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ và có quyền thay đổi công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ hoạt động như một nhà tư vấn đầu tư, chịu trách nhiệm tiến hành phân tích đầu tư, quản lý danh mục đầu tư và thực hiện các công việc quản trị kinh doanh khác.

Ngoài ra còn có quỹ đầu tư dạng hợp đồng là mô hình quỹ tín thác đầu tư, không phải là pháp nhân. Công ty quản lý quỹ đứng ra thành lập quỹ, tiến hành việc huy động vốn, thực hiện việc đầu tư theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ quỹ. Bên cạnh đó, ngân hàng giám sát có vai trò bảo quản vốn và các tài sản của quỹ. Quan hệ giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát được thể hiện bằng hợp đồng giám sát, trong đó quy định quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong việc thực hiện và giám sát việc đầu tư để bảo vệ quyền lợi của các NĐT. NĐT là những người góp vốn vào quỹ (nhưng không phải là cổ đông như mô hình quỹ đầu tư dạng công ty) và ủy thác việc đầu tư cho công ty quản lý quỹ.