Tìm nhà đầu tư chiến lược, bài toán hóc búa

Tìm nhà đầu tư chiến lược, bài toán hóc búa

(ĐTCK) “Vietnam Ailines mong muốn tìm NĐT chiến lược là một hãng hàng không quốc tế, nhưng chúng tôi sẵn sàng chào đón các NĐT tài chính đến tìm hiểu khả năng tham gia vào Tổng công ty”, ông Nguyễn Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã thể hiện sự cởi mở trước các NĐT Nhật Bản.

Áp lực cổ phần hóa

 “Không thể ép kế hoạch mỗi ngày cổ phần hóa một DN”. Quan điểm này đã được ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu lên trong cuộc họp của Ban Kinh tế Trung ương mới đây, khi đánh giá về con số 432 DNNN phải cổ phần hóa đến hết năm 2015. Cùng quan điểm với ông Thiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đặt vấn đề, muốn cổ phần hóa được, phải tìm ra người mua, bởi thực tế, nếu nhiều người bán mà không có hoặc ít có ai mua thì không thể thực hiện thành công cuộc chào bán. Theo ông Nghĩa, Nhà nước cần có sự chuẩn bị, có những hành động thiết thực giúp DNNN sau cổ phần hóa có sức sống mới. Những DN nào đủ sức tái cơ cấu để phát triển, cần làm mạnh để giúp DN phát triển; những DN nào không còn sức, cần tính việc giải thể, phá sản sẽ tốt hơn.

Nhiều DN kêu khó, các chuyên gia đánh giá không khả thi, nhưng kế hoạch 432 DNNN phải cổ phần hóa không có sự thay đổi. Hàng loạt DNNN đang trong giai đoạn “vừa đi vừa chạy” tìm kiếm NĐT để chuyển đổi sở hữu, bởi nếu không hoàn thành kế hoạch, người lãnh đạo cao nhất tại DN có thể sẽ bị cách chức, điều chuyển công việc khác.

Nếu như những DN có uy tín quốc tế như Vietnam Ailines hay Vinatex, nói đến cổ phần hóa là nhiều tổ chức đầu tư quan tâm, thì có nhiều DNNN khác, việc tìm được NĐT quan tâm (chứ chưa nói đến tìm NĐT chiến lược) là công việc quá khó. Trong cuộc trao đổi bên lề công việc với ĐTCK, một số CTCK lớn cho biết, họ nhận được những “đơn đặt hàng” không giống ai từ DNNN, dạng như “DN tôi rất cần tìm NĐT để cổ phần hóa, nếu không làm xong năm nay thì sếp tôi mất chức, tôi cũng mất việc”…

Tìm NĐT chiến lược, bài toán hóc búa

Vietnam Ailines dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của NĐT quốc tế, nhưng hiện vẫn chưa chốt được NĐT chiến lược để thực hiện cổ phần hóa. Trong cuộc hội thảo tại Bình Định cuối tháng 4, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu sẽ IPO trong tháng 9/2014, nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để tìm được NĐT chiến lược theo đúng nghĩa trước khi IPO. Theo ông Thanh, Vietnam Airlines sẽ nỗ lực tối đa để tìm NĐT chiến lược là các hãng hàng không lớn nước ngoài, để mở rộng không gian hoạt động. Từ nay đến tháng 9 mà chưa tìm ra NĐT chiến lược như ý, Tập đoàn vẫn sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng để cổ phần hóa. 

Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), con đường tìm NĐT chiến lược cũng không dễ dàng hơn, dù Tổng công ty này được đánh giá có nhiều “cơ hội tiềm năng” khi Việt Nam gia nhập TPP và nhận được sự quan tâm của nhiều NĐT nước ngoài. Tổng giám đốc Vinatex, ông Trần Quang Nghị cho biết, Vinatex có sự chủ động rất cao trong việc lên phương án cổ phần hóa, nhưng để cổ phần hóa  và tìm được NĐT chiến lược là việc không dễ dàng. Một lãnh đạo khác của Vinatex, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc nói rằng, Tổng công ty sẵn sàng mở rộng không gian chọn NĐT chiến lược, theo đó, muốn tìm 1 NĐT tài chính và 2 NĐT cùng lĩnh vực, ngành nghề dệt may. Hiện tại, phương án chọn NĐT chiến lược của Vinatex vẫn chưa chốt, trong khi kế hoạch, tháng 7, DNNN này sẽ đưa cổ phiếu ra Sở GDCK TP. HCM bán đấu giá.

Để tìm NĐT chiến lược, lãnh đạo Vietnam Airlines và Vinatex đều khẳng định, sẵn sàng chấp nhận nhân tố mới tham gia vào quá trình điều hành, quản trị DN. Vietnam Airlines và Vinatex là DN hoạt động trên phạm vi toàn cầu nên cách thức quản trị DN cũng tiên tiến hơn nhiều DNNN khác. Cam kết về việc chấp nhận nhân tố mới tham gia điều hành DN là nhân tố khích lệ NĐT nước ngoài quan tâm đến các DN này, dù hiện tại, cả hai DN vẫn chưa chốt được cổ đông chiến lược. 

Nhìn từ những DN “đàn anh” như Vietnam Airlines và Vinatex cho thấy, với đại đa số DNNN, làm thế nào để tìm được NĐT chiến lược khi cổ phần hóa là một bài toán hóc búa. Nhiều chuyên gia cho rằng, DNNN nên mở rộng không gian kết nối, làm việc với các quỹ đầu tư, các NĐT uy tín để tìm kiếm NĐT lớn. Các DN không nên chỉ tìm cách bán cho cán bộ, nhân viên, công đoàn và một số đối tác nội địa, vì cách làm này rất khó tạo sức bật cho DN sau cổ phần hóa.  

Tin bài liên quan