Áp lực tiền cho cổ phần hóa lớn dần

Áp lực tiền cho cổ phần hóa lớn dần

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện phụ thuộc rất nhiều vào khối doanh nghiệp (DN) Trung ương. Phụ thuộc là vì khối này quy tụ 32 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và ngân hàng, hiện chiếm tới 95% tổng vốn chủ sở hữu nhà nước trong DN. Do vậy, một khi khối DN Trung ương hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đúng theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, thì về cơ bản, kế hoạch cổ phần hoá DNNN sẽ hoàn thành.

Song đây lại là áp lực đè nặng lên vai khối DN Trung ương khi 2 năm qua (2011-2013), phần việc mà các DN này hoàn thành chưa nhiều, thậm chí quá thấp so với kế hoạch. Cụ thể: trong số 24 đề án tái cơ cấu DN đã được phê duyệt, kế hoạch là phải cổ phần hóa 9 công ty mẹ, 80 DN trực thuộc, thoái vốn tại 642 DN, nhưng hiện mới cổ phần hóa được 3 công ty mẹ, 10 DN trực thuộc, thoái vốn tại 167 DN.              

Như vậy, chưa tính tới Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông vừa được phê duyệt, từ nay đến ngày 31/12/2015, khối DN Trung ương phải cổ phần hóa 7 công ty mẹ, 70 DN trực thuộc, thoái vốn toàn bộ tại 472 DN.       

Cần phải nhấn mạnh rằng, con số 70 doanh nghiệp phải cổ phần hóa tưởng như là không nhiều so với tổng số 432 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa 2014-2015 trên cả nước, nhưng đây lại là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nắm giữ phần lớn nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong doanh nghiệp. Đây cũng là những tập đoàn nắm giữ các đầu mối kinh doanh, hệ thống phân phối trong các ngành kinh tế lớn, quan trọng. Đây còn là khối đang có tổng doanh thu năm 2013 chiếm 95% tổng doanh thu của toàn bộ khu vực DNNN.

Có thể thấy rõ điều này khi điểm mặt các công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong năm 2014-2015. Năm 2014, danh sách cổ phần hóa công ty mẹ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã được chốt. Năm 2015, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Tương tự, trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của khu vực DNNN cần phải thoái vốn trong 2 năm 2014-2015 đã được xác định, các doanh nghiệp khối Trung ương chiếm đa số, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại 18 ngân hàng thương mại của PVN, Petrolimex, EVN, Vinacomin…

Thử làm phép tính đơn giản: nếu bình quân mất khoảng 15-18 tháng cho công việc lựa chọn tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, thì các kế hoạch IPO sẽ chỉ có thể đưa ra vào tháng 6/2015. Đó là chưa kể những vướng mắc khi xác định giá trị các doanh nghiệp lớn, nhiều đặc thù như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hoá khối DNNN.

Trong báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, một trong những giải pháp được đưa ra là đề cao trách nhiệm đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, đảng viên lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu để chậm hoặc không nghiêm túc thực hiện đề án tái cơ cấu, hoặc thực hiện không có kết quả, hoặc không có báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình thực hiện đề án thì được xác định là đảng viên không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm về kỷ luật đảng…

Như vậy, cùng với trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp được quy định tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, khối doanh nghiệp Trung ương đang được đặt vào “đường ray” cổ phần hóa mạnh mẽ. Và khả năng dồn toa cổ phần hóa vào cuối năm 2015 là rất lớn nếu các doanh nghiệp không vạch rõ kế hoạch cho từng khâu đoạn trong chặng đường với cả núi công việc này.

Tin bài liên quan