Tìm vốn qua trái phiếu, kẻ ăn không hết...

Tìm vốn qua trái phiếu, kẻ ăn không hết...

(ĐTCK) Tình trạng doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm nguồn vốn qua kênh phát hành trái phiếu không mới, đáng nói là độ khó có phần tăng lên, nhưng hướng gỡ khó lại chưa sắc nét.

Lượng vốn huy động giảm

Trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn quan trọng và phổ biến ở nhiều nền kinh tế. So với việc huy động vốn vay từ ngân hàng, việc vay vốn qua phát hành trái phiếu có ưu điểm là doanh nghiệp có thể không cần tài sản thế chấp, quan trọng hơn là chủ động được việc sử dụng nguồn vốn. (Nếu vay ngân hàng, khi muốn giải ngân, doanh nghiệp phải giải trình cụ thể, chờ đợi ngân hàng phê duyệt và trong không ít trường hợp, khi tín dụng được giải ngân thì cơ hội kinh doanh đã đi qua)...

Vậy nhưng, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, bởi có những doanh nghiệp trong suốt thời gian dài không phát hành nổi một đợt, nhưng có những doanh nghiệp chỉ trong một năm triển khai vài đợt phát hành. Chẳng hạn, VietinBank trong năm 2017 đã hai lần thành công trong phát hành trái phiếu. Trong khi doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn “không dám bén mảng” tới sân chơi này.

“Nhiều doanh nghiệp dù muốn tìm kiếm nguồn vốn qua thị trường trái phiếu, nhưng họ vẫn không thể…”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhìn nhận.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm qua đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lãi suất trong năm qua có dấu hiệu tạo đáy, đồng thời thị trường chưa xuất hiện những đợt phát hành trái phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn.

Thêm vào đó, sự khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường còn do một loạt  điều kiện tối thiểu cho một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đến nay vẫn chưa định hình. Đó là việc thị trường chưa có công ty định hạng tín nhiệm, chưa có cơ chế để trái phiếu sau khi phát hành được lưu ký, giao dịch tập trung; hệ thống dữ liệu và minh bạch thông tin về thị trường chưa định hình. Hệ quả của tình trạng này, theo ông Phạm Hồng Hải, đang khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam kém phát triển.

Minh bạch ở đây không chỉ là công khai thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp phát hành, về khả năng trả nợ của họ, mà cần cả về thông tin giá cả trái phiếu. Chẳng hạn, nhà đầu tư muốn mua một loại trái phiếu thì rất muốn biết giá của nó thay đổi ra sao trong quá khứ để có cơ sở tham khảo khi đưa ra quyết định bán. Thế nhưng, vì yêu cầu này của nhà đầu tư không được đáp ứng, nên có khi mua xong trái phiếu, nhà đầu tư phải nắm giữ từ 5 đến 10 năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thanh khoản, mà cả tính minh bạch, hấp dẫn của thị trường…

Lối ra nào kênh trái phiếu doanh nghiệp?

Những khiếm khuyết của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được nhận diện từ lâu, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc xử lý không thể trong một sớm một chiều và cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Theo ông Hải, điều quan trọng nhất để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển là phải đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cũng như nhà phát hành. Để làm được điều này, cần có cơ chế khuyến khích quỹ hưu trí sớm ra đời, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia giao dịch trái phiếu…

Gắn liền với đó là phải đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài các sản phẩm trái phiếu truyền thống có lãi suất cố định hay thả nổi, cần mở đường cho phát hành các loại trái phiếu mới theo thông lệ quốc tế, đáp ứng mong đợi của thị trường như trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, các sản phẩm phái sinh trái phiếu để phòng ngừa rủi ro…

Do một trong những vướng mắc chủ yếu hiện nay khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển liên quan đến cơ chế pháp lý, nên các thành viên thị trường đang mong đợi việc sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mà Bộ Tài chính đang triển khai sớm hoàn tất, trên cơ sở đó định hình hành lang pháp lý mới rộng đường cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Việc hoàn thiện cơ chế này, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cần được thúc đẩy theo hướng đưa ra được các giải pháp rõ ràng, có tính đột phá để tạo cú huých thúc đẩy thị trường phát triển. Các chính sách mới cần hướng tới để thị trường tự quyết định và cạnh tranh công bằng trên cơ sở yêu cầu đảm bảo sự minh bạch, làm rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như các chế tài xử lý đối với các chủ thể tham gia thị trường... 

Liên quan đến hướng thành lập công ty định mức tín nhiệm bị chậm trễ kéo dài, ông Hải cho rằng, tuy định chế này là cần với thị trường, nhất là với nhà đầu tư không chuyên nghiệp do không có đủ nguồn lực để đi đánh giá rủi ro của nhà phát hành. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước cho thấy, để công ty định mức tín nhiệm nội địa phát triển tốt cần liên kết với công ty định mức tính nhiệm uy tín trên thế giới.

Trên cơ sở đó đối tác này sẽ tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ cho công ty định mức tín nhiệm nội địa. Nếu lập ra công ty định mức tín nhiệm, mà không tạo được sự tin tưởng trên thị trường, trong giới đầu tư, thì không mang lại hiệu quả.

Để tạo dựng được thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, theo ông Hải, phải mất 5 - 10 năm với điều kiện nhiều giải pháp đồng bộ phải được triển khai liên tục và hiệu quả. Bởi vậy, để có được thị trường này phát triển chuyên nghiệp, bài bản trong thời gian tới, ngay từ bây giờ, Việt Nam phải bắt tay vào triển khai hiệu quả các giải pháp.

Cái lợi của phát triển thành công thị trường trái phiếu doanh nghiệp là giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn tín dụng, cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nó đảm bảo cho khi những dòng vốn này có trục trặc, thì đã có một trụ cột khác gánh vác nhiệm vụ tài trợ vốn cho nền kinh tế, đó là trái phiếu doanh nghiệp...             

Quan trọng là tăng tính minh bạch cho thị trường

Tìm vốn qua trái phiếu, kẻ ăn không hết... ảnh 1

PGS. TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam 

Để khắc phục một trong những hạn chế lớn hiện nay khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, điều quan trọng là cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện tính minh bạch cho thị trường. Cùng với cần xây dựng chuyên trang thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên sở giao dịch chứng khoán, để cung cấp thông tin về tình hình phát hành, giao dịch, thúc đẩy giao dịch thứ cấp, cần có các quy định nhằm nâng cao chất lượng minh bạch thông tin công bố (nhất là thông tin về báo cáo tài chính), trách nhiệm công bố thông tin, phương tiện và thời hạn cung cấp thông tin mà doanh nghiệp với tư cách là nhà phát hành trái phiếu phải tuân thủ...

 Để các quy định này được tuân thủ nghiêm, công bằng, cần có chế tài xử lý mạnh tay với các trường hợp không tuân thủ.

Các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… cần khẩn trương đưa ra hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quy định mới về điều kiện phát hành, hoạt động của các đại lý, bảo lãnh phát hành... Cùng với phát triển nhà đầu tư tổ chức, cần khắc phục tình trạng nhà đầu tư cá nhân gần như chưa biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp như hiện nay, qua đó góp phần cải thiện sức cầu cho thị trường, tạo thuận lợi cho bên phát hành…

Doanh nghiệp nhỏ chưa có cơ hội tiếp cận thị trường trái phiếu

Tìm vốn qua trái phiếu, kẻ ăn không hết... ảnh 2

 TS. Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng, tập đoàn lớn chào bán thành công khá nhiều trái phiếu, nhưng các doanh nghiệp quy mô nhỏ lại chưa có cơ hội tiếp cận thị trường này. Việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn do thông tin chưa minh bạch, thị trường kém thanh khoản... Phát triển hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển không chỉ của doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực xây dựng đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt, triển khai. Việc này cần xúc tiến khẩn trương để giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tìm kiếm nguồn vốn qua kênh trái phiếu. Thành công trong thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần xử lý nợ xấu của khối ngân hàng hiệu quả hơn.

Hiện doanh nghiệp nợ hệ thống ngân hàng khoảng 180 tỷ USD. Chỉ cần 1/3 số này biến thành trái phiếu và được đưa vào niêm yết, giao dịch, thì không chỉ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, mà còn hỗ trợ xử lý hiệu quả hơn nợ xấu của khối ngân hàng…

Tin bài liên quan