Tìm vốn qua TTCK, chờ quyết sách của tân Bộ trưởng

Tìm vốn qua TTCK, chờ quyết sách của tân Bộ trưởng

(ĐTCK) TTCK đang chờ tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có những quyết sách kịp thời để khơi thông kênh huy động vốn qua TTCK hiện gặp bế tắc.

Ông Đinh Tiến Dũng trở thành Bộ trưởng Tài chính

> Tân Bộ trưởng Tài chính: “Tôi không ngại khó”

Thúc bách từ “người hàng xóm”

Tình trạng kênh huy động vốn qua TTCK đang tỏ ra kém hiệu quả, nếu không muốn nói là rơi vào bế tắc, không chỉ khiến các DN niêm yết sốt ruột, mà còn lan sang “người hàng xóm”. Tại các hội thảo, hội nghị diễn ra trong nửa cuối tháng 5/2013, các nhà quản lý ngành ngân hàng liên tiếp hối thúc cần khẩn trương có thêm những giải pháp phát triển TTCK, để sớm san sẻ gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống ngân hàng.

Tìm vốn qua TTCK, chờ quyết sách của tân Bộ trưởng ảnh 1

Không thể kéo dài tình trạng quá đặt gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế và DN lên hệ thống ngân hàng

“Trong bối cảnh vĩ mô khó khăn hiện tại, hệ thống ngân hàng thương mại khó đáp ứng nhu cầu vốn của DN. Để khắc phục tình trạng này, các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, TTCK cần được triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới”, bà Nguyễn Huyền Diệu, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát biểu tại cuộc họp giao ban về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức.

Kiến nghị trên cũng được ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN nhắc tới tại hội thảo Ngân hàng và DN: giải pháp dòng tiền, diễn ra mới đây, khi cho rằng, đã đến lúc không thể kéo dài tình trạng quá đặt gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế và DN lên hệ thống ngân hàng. Muốn giải quyết căn cơ tình trạng này, cần thúc đẩy TTCK phát triển bền vững và hiệu quả để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN.

Thực tế, khi cơ cấu tài trợ vốn cho DN đạt tỷ lệ hợp lý giữa thị trường tiền tệ và TTCK sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế vĩ mô, vừa giúp DN chủ động hơn trong huy động và sử dụng vốn. Bản thân DN khi quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng (vốn ngắn hạn) cũng đối mặt với nhiều rủi ro, bởi với đặc thù chu kỳ kinh doanh thường kéo dài, DN khó tạo ra vòng quay của dòng tiền nhanh để kịp thu xếp trả nợ ngân hàng. Đây là một trong những lý do khiến nợ xấu dễ phát sinh, làm khó cho cả ngân hàng lẫn DN.

 

Đòi hỏi nóng từ thị trường

Trong khi DN gặp bế tắc trong tìm kiếm vốn qua hệ thống tín dụng, thì họ cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự khi tìm vốn qua TTCK. Theo thông tin được cập nhật trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), 5 tháng đầu năm 2013, số DN phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công qua TTCK chỉ là 19, trong đó 16 trường hợp phát hành ra công chúng, 3 trường hợp phát hành riêng lẻ.

Vì sự bế tắc trên mà các thành viên thị trường liên tục hối thúc Bộ Tài chính, UBCK cần sớm có biện pháp gỡ khó cho DN. Thực tế, nhiệm vụ khơi thông kênh huy động vốn qua TTCK ngay đầu năm nay đã được UBCK xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2013. Tuy nhiên, sau gần nửa năm chờ đợi, đến nay, thị trường vẫn chưa có câu trả lời chính xác liệu DN có được phát hành cổ phần dưới mệnh giá để tăng vốn hay không, nếu được thì bao giờ?

Những bức bách từ thị trường đang đòi hỏi tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có những quyết sách kịp thời. Có ý kiến cho rằng, là Bộ đa ngành, nắm giữ nhiều lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, nên thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ “tư lệnh” ngành tài chính, hẳn ông Dũng chưa dễ có thời gian quan tâm tới lĩnh vực chứng khoán. Bởi vậy, tình trạng huy động vốn bế tắc nói riêng, cũng như hàng loạt vấn đề khác đang đặt ra cho TTCK chưa dễ được giải quyết sớm.

Điều này có thể đúng, nhưng sẽ là chưa đủ khi nhìn lại nhiệm vụ số 1 trong 7 nhiệm vụ ưu tiên của ông Dũng là đảm bảo thu ngân sách nhà nước (NSNN). Liệu nhiệm vụ này có được thực hiện tốt khi nhân tố đóng góp chính vào nguồn thu NSNN là các DN, với tình trạng nhiều DN ốm yếu như hiện tại?

Nói cách khác, thu NSNN chỉ có thể bền vững và tăng trưởng tốt khi cái gốc là DN được “bồi bổ”. Nói như vậy để thấy, việc khơi thông kênh huy động vốn cho DN qua TTCK cần được xem xét đúng tầm quan trọng vốn có của nó trong bối cảnh quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung đang được thúc đẩy để hỗ trợ DN phát triển, qua đó đóng góp bền vững và ngày càng tăng cho NSNN.