Tin đồn, “đặc sản” của thị trường chứng khoán Việt

Tin đồn, “đặc sản” của thị trường chứng khoán Việt

(ĐTCK) Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác IR, trên thị trường chứng khoán vẫn còn không ít doanh nghiệp không chủ động cung cấp thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư. Đây chính là lý do khiến cho tin đồn vẫn là một thứ “đặc sản” trên thị trường chứng khoán Việt.

Mới đây, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã đặt câu hỏi với lãnh đạo cao nhất của một vài doanh nghiệp về việc họ có nhận thấy giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị doanh nghiệp không và câu trả lời chung từ họ là: “Quá thấp”.

Vậy vì sao công ty không truyền thông, cung cấp thông tin cho thị trường qua trang web của doanh nghiệp, trên các phương tiện báo chí để nhà đầu tư hiểu?

Câu trả lời từ lãnh đạo các đơn vị này là: “Giá cổ phiếu tăng anh cũng có bán đâu, anh chỉ lo làm ăn thôi. Niêm yết công ty là để tạo thanh khoản cho cổ phiếu, cổ đông nào muốn bán thì bán, chứ anh không có nhu cầu đẩy giá cổ phiếu…”.

Có nhiều lý do để ban lãnh đạo giải thích cho việc không quan tâm đến việc cung cấp thông tin, truyền thông về hình ảnh doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng lý do chủ yếu nhất vẫn là lãnh đạo doanh nghiệp không nhận thấy quyền lợi thiết thực cho bản thân từ việc nỗ lực minh bạch thông tin để giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.

Đây chính là môi trường tốt để các “đội lái” khi tìm hiểu doanh nghiệp, nắm bắt được những thông tin có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sẽ mua vào và truyền thông tin ra thị trường dưới dạng tin đồn, thông qua các diễn đàn, để tác động đến giá cổ phiếu.

Trên thị trường, có những nhà đầu tư cá mập chuyên săn các công ty như vậy. Họ chủ động liên kết với lãnh đạo doanh nghiệp để trở thành đầu mối kết nối doanh nghiệp với thị trường bên ngoài, nhằm mục đích là đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp kiếm lời. 

Hiểu được tâm lý “không có động lực để minh bạch thông tin” của ban lãnh đạo doanh nghiệp, nên tại một số doanh nghiệp mà cổ đông nước ngoài tham gia đầu tư như Tổng công ty Sữa Việt Nam (VNM), trong các tiêu chí xét thưởng cho Ban lãnh đạo, cổ đông ngoại đã đưa vào tiêu chí "Mức độ tăng giá của cổ phiếu trong năm". Tức doanh nghiệp kinh doanh chưa đủ mà phải nỗ lực để giá cổ phiếu phản ánh đúng kết quả đó.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp khác lại hiểu rõ tác dụng của thông tin và minh bạch, nên thay vì truyền thông định kỳ, họ lại thông tin theo từng thời điểm.

Chẳng hạn, khi thị trường chứng khoán trầm lắng hoặc sụt giảm, lãnh đạo doanh nghiệp chủ động giữ thông tin tốt lại, thậm chí hạch toán lợi nhuận giảm xuống để giá cổ phiếu giảm giúp họ mua được với giá tốt. Sau đó, khi thị trường sôi động, họ lại hạch toán lợi nhuận, đưa thông tin tốt ra thị trường, thậm chí làm động tác đăng ký mua vào cổ phiếu để đẩy giá cổ phiếu lên, chốt lời khoản đầu tư giá rẻ đã mua trước đó.

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán theo cách này, nhiều hơn rất nhiều số tiền họ có được từ chia cổ tức của doanh nghiệp, hay được sở hữu tính theo tỷ lệ sở hữu của họ.

Trong trường hợp này thì chính lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp lại là người tạo ra môi trường cho tin đồn xuất hiện, thậm chí liên kết chia sẻ thông tin với một hai nhóm đội lái hay môi giới để đẩy giá cổ phiếu. Họ trở thành “ngư ông đắc lợi”.

Những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trên thị trường sẽ không khó để gọi tên những doanh nghiệp có lãnh đạo công ty làm việc này.

Vậy nhưng, cho đến nay, chưa có cơ chế nào có thể hạn chế tình trạng này, ngoại trừ việc kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi nhận thức. Khi mà mục tiêu của cá nhân của người lãnh đạo doanh nghiệp là kiếm tiền từ thị trường chứng khoán và họ hiểu rõ tác dụng của truyền thông và cách thức công bố thông tin thì thật khó để họ thay đổi.

Trong khi các môi giới chứng khoán có thể dễ dàng biết được những thông tin nhạy cảm như tài khoản của lãnh đạo, người nhà lãnh đạo công ty niêm yết kia mở ở công ty nào, mua bán cổ phiếu ở thời điểm nào, thì cơ quan quản lý ít nắm được những thông tin kiểu này.

Cũng không có quy định nào khuyến khích việc tố giác những hành vi giao dịch mua cổ phiếu đón đầu, chốt lời sau tin đồn.

Hành vi mua bán cổ phiếu của nhiều lãnh đạo công ty niêm yết thông qua “tay trong”, vì thế, vẫn được thực hiện dễ dàng, khiến niềm tin vào sự liêm chính trong công bố thông tin tại các doanh nghiệp loại này... còn xa lắc.

Nhà đầu tư hoặc phải giao dịch theo tin đồn, hoặc phải tinh ý nhận diện những doanh nghiệp "nói vậy mà không phải vậy", mới mong vững lái theo thị trường.                                     

Tin bài liên quan