Tín dụng bất động sản: Tắc ở đâu?

Tín dụng bất động sản: Tắc ở đâu?

(ĐTCK) Mặc dù lãi suất giảm và điều kiện cho khách hàng vay cũng đã được nới lỏng, nhưng nhiều DN vẫn “kêu” khó tiếp cận khoản vay, cho thấy còn nhiều điểm “tắc”, khiến tín dụng cho bất động sản vẫn chưa thể thông.

Tại TP. HCM, CTCP Địa ốc Hoàng Quân là một trong những DN đầu tiên được Bộ Xây dựng phê duyệt đủ điều kiện vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã đồng ý cho Hoàng Quân vay số tiền 540 tỷ đồng, nhưng cho đến nay, ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân cho DN này.

Theo quy định, DN phải có tối đa 30% vốn đối ứng và không có nợ xấu. Tuy nhiên, để có 30% vốn đối ứng với Hoàng Quân là một giấc mơ không tưởng. BCTC quý III/2013 của Hoàng Quân cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 7 tỷ đồng, trong khi khối nợ ngắn hạn lên đến gần 1.300 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB), dù được TP. HCM chấp thuận cho chuyển đổi dự án, nhưng với tình hình tài chính hiện tại, NTB cũng không đủ điều kiện để tiếp cận khoản vay triển khai dự án.

BCTC quý II/2013 của Công ty cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn trên 1 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Chưa kể đến việc tháng 7/2013, NTB đã bị hủy niêm yết bắt buộc do không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Đến nay, NTB vẫn “im hơi lặng tiếng”. Với tình hình tài chính không mấy sáng sủa như vậy, ngân hàng khó có thể nới lỏng điều kiện cho vay!

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, vẫn còn giải pháp đối với các DN này.

“NHNN có thể chỉ đạo các NHTM cho các DN làm nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi, nhưng chuyển vào tài khoản phong tỏa và chỉ được giải ngân cho đúng danh mục công trình, đã có khối lượng nghiệm thu giai đoạn theo quy định”, ông Châu nói và kiến nghị, rút quy định về vốn đối ứng xuống còn 10% thay vì 30% như hiện tại. Nhưng ngay cả khi chỉ cần 10% vốn đối ứng thì với các DN “cháy túi” như trên cũng không phải điều dễ dàng.

Với những DN khó khăn là vậy, nhưng với những đơn vị kinh doanh tốt, làm sao để tiếp cận khoản vay có lãi suất ưu đãi hơn cũng là cả một vấn đề.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, tổng nợ vay của Lê Thành khoảng 50 tỷ đồng, Công ty không có nợ xấu, các dự án vẫn đang triển khai và bán hàng tốt. Trước đây, khoản vay chịu lãi suất 18%/năm, hiện nay vẫn phải trả 14,5%/năm.

“Chúng tôi không hy vọng tiếp cận được khoản vay lãi suất 5%/năm, nhưng nếu có thể hạ xuống 9 - 10%/năm là đã gỡ khó cho DN rất nhiều”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm, hiện Lê Thành đang xây dựng nhà ở thương mại cho thuê mua trong vòng 49 năm với giá 10 triệu đồng/m2, người mua trả 50 triệu đồng khi ký hợp đồng và mỗi tháng trả góp 6 triệu đồng. Như vậy, so với nhà ở xã hội thì điều kiện cho người mua còn ưu đãi hơn, nhưng DN không được hưởng bất kỳ khoản ưu đãi nào.

Ngoài những nguyên nhân trên, thì vấn đề lãi suất không cố định cũng là lý do khiến tín dụng bất động sản chưa thể thông.

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Khang, hiện hầu hết ngân hàng đều đưa ra gói lãi suất hấp dẫn 8 - 9%/năm, nhưng chỉ ổn định trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm, sau đó lãi suất được thả nổi. Việc thả nổi có thể đẩy lãi suất lên đến 12 - 14%/năm, khiến cả chủ đầu tư và người mua đều dè chừng khi tiếp cận khoản vay. Với DN sẽ không tính chính xác tổng mức đầu tư, trong khi người mua có thể mất khả năng thanh toán vì lãi suất quá cao.

“Ngân hàng phải đưa ra thời gian ổn định lãi suất trong vòng 3 hay 5 năm, sau đó tăng giảm thì phải có biên độ rõ ràng”, bà Mẫu kiến nghị.

Năm 2014, nhiều chuyên gia đều cho rằng, với sự tác động từ chính sách tài chính cho thị trường, thị trường sẽ ấm dần lên. Tuy nhiên,  từ kỳ vọng đến thực tế còn phải qua rất nhiều "cửa" hành chính cần được khơi thông.

Tin bài liên quan