Lãi vay giảm sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Lãi vay giảm sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Tín dụng có dấu hiệu cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt 0,26% - trong khi 7 ngày trước đó vẫn giảm 0,33% và sự cải thiện còn rõ nét hơn nếu so với mức giảm 0,72% vào cuối tháng 1/2024.

Thu hẹp dần đà giảm

Theo thông tin từ SSI Research, tín dụng tính đến ngày 18/3/2024 vẫn giảm 0,33% so với cuối năm 2023, dù đã cải thiện so với kết quả cuối tháng 2/2023. Trong khi số liệu cập nhật từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 25/3/2024 đạt 0,26% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,99%).

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra vào trung tuần tháng 3/2024, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Dù vậy, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Xét theo ngành kinh tế, theo NHNN, tạm tính đến cuối tháng 1/2024, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 950.800 tỷ đồng (giảm 0,17% và chiếm 7,05% tổng dư nợ nền kinh tế); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỷ đồng (giảm 0,13% và chiếm 25,71%); thương mại - dịch vụ đạt gần 9,06 triệu tỷ đồng (giảm 0,91% và chiếm 67,23%).

Đối với tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng (giảm 1,87%, chiếm 18,31%); nông nghiệp, nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng (giảm 0,33% và chiếm 24,36%), trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực như lúa gạo đạt trên 210.000 tỷ đồng, tăng 1,08% và cà phê đạt trên 119.000 tỷ đồng, tăng 4,11%...

Như vậy, tín dụng đến cuối tháng 3/2024 dù vẫn giảm so với cuối năm 2023, nhưng đã cải thiện hơn so với cuối tháng 2/2024. Dựa vào các số liệu trên, có thể ước tính trong gần 1 tháng qua, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 53.000 tỷ đồng, còn nếu so với đầu năm vẫn giảm khoảng 44.800 tỷ đồng. Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm là do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD và giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND nới rộng... là những yếu tố tác động lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước.

Ngoài ra, khó khăn trong việc cấp tín dụng từ những yếu tố khách quan như tính thời vụ, nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa vay được vốn, khó khăn trong việc triển khai các chương trình tín dụng, khả năng huy động vốn trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng còn hạn chế…

Về yếu tố chủ quan, NHNN cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng cấp tín dụng do nợ xấu tăng, một số khoản nợ cũ chưa được điều chỉnh giảm lãi suất, thủ tục cho vay còn chậm, cơ chế tài sản đảm bảo thiếu linh hoạt, hoạt động huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đều thấp… khiến nguồn vốn tập trung vào tín dụng ngân hàng.

Thực tế, các ngân hàng cũng phải thận trọng khi đẩy vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng như hiện nay, bởi nếu đẩy mạnh cho vay mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng sẽ khó thu hồi nợ. Ngân hàng cũng thừa nhận rằng, “thà ế vốn, còn hơn đẩy mạnh cho vay rồi phải quỳ đòi nợ”.

SSI Research cũng đánh giá, tín dụng tăng trưởng âm và thanh khoản dồi dào là nguyên nhân khiến cho lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm mạnh về dưới 0,2%/năm, tương đương mức ghi nhận vào thời điểm trước khi NHNN phát hành tín phiếu. Chênh lệch với lãi suất USD vẫn duy trì ở mức âm và áp lực tỷ giá hiện hữu.

Đẩy mạnh cho vay, cách nào?

Vốn ngân hàng vẫn khó bơm vào nền kinh tế ngay cả khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh. Nguyên nhân được cho là giai đoạn đầu năm, khách hàng thường hạn chế vay mới, nhất là khách hàng doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều đơn vị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng…, còn người dân tăng dự phòng và giảm vay để chi tiêu. Một số nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn khi quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Ngoài ra, hoạt động cho vay của các ngân hàng còn bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản chậm hồi phục bởi cho vay lĩnh vực này chiếm khoảng 21% tín dụng chung. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống dồi dào và nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hiện có điều kiện thuận lợi để cấp vốn cho vay.

Thực tế, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh ở nhiều ngân hàng, dù chỉ mới ở giai đoạn đầu năm. Đơn cử, Sacombank triển khai nguồn vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất “siêu” ưu đãi chỉ 3%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến hết quý I/2024. Lãi suất ưu đãi áp dụng đối với các khoản vay có thời hạn 3 tháng được giải ngân trong thời gian hiệu lực của chương trình. Trước đó, Sacombank đã tăng nguồn vốn gói tăng tốc sản xuất kinh doanh dành cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3%/năm và triển khai gói vay phục vụ đời sống dành cho khách hàng cá nhân 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm.

SHB đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi, chỉ từ 5,79%/năm. Với cá nhân, lãi vay được điều chỉnh giảm từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.

BVBank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp nhất thị trường là 5%/năm trong 5 tháng đầu kể từ ngày giải ngân; 5,5%/năm cho 6 tháng; 6,5%/năm cho 9 tháng; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9%/năm cho 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân.

Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 5,2%/năm cố định trong 1 năm; 5,5%/năm cố định trong 2 năm; 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (nhưng 6 tháng đầu được áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm). Đối với cho vay mua ô tô, Shinhan Bank áp mức lãi vay 6,3%/năm trong năm đầu giải ngân; 5,9%/năm trong 6 tháng và 7,9%/năm trong 30 tháng sau, với tỷ lệ tài trợ vốn 80% giá trị xe. Riêng với lãi suất cho vay tiêu dùng, do tính chất rủi ro cao và tín chấp nên Shinhan Bank vẫn áp dụng lãi vay từ 11%/năm (tính trên dư nợ giảm dần), hạn mức cho vay tối đa 900 triệu đồng, thời hạn vay 60 tháng.

Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong thời gian ưu đãi 3 tháng đầu, 6%/năm trong thời gian ưu đãi 6 tháng hoặc 6,8%/năm cho thời gian 12 tháng...

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, dù liên tục giảm lãi suất cho vay nhưng các ngân hàng vẫn khó tìm khách hàng tốt để giải ngân. Lý do bởi không ít doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng không thể “thả gà ra đuổi”.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, có 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm lại không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá giảm mạnh khi lạm phát tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị các ngân hàng xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận, tín dụng tăng thấp trong các tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến và dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng bình quân 2 tháng đầu năm trong 10 năm qua (2013-2023) là 0,56%/năm để dẫn chứng.

Theo ông Hùng, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ông Hùng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải cùng triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, hoàn thuế, tăng đầu tư công, kích cầu tiêu dùng... Cùng với đó, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh gỡ vướng pháp lý dự án, đất đai, thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng sản xuất.

Để thúc đẩy cho vay, biện pháp được nhiều nhân viên ngân hàng áp dụng là cho vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm của khách hàng. Ông Nguyễn Minh Anh (TP.HCM) cho hay, do mặt bằng lãi vay đã giảm mạnh, nhất là với hình thức vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm có nơi chỉ còn 4-5%/năm, nên ông mạnh dạn cầm sổ tiết kiệm vay ở một ngân hàng lớn khoản tiền hơn 2 tỷ đồng, rồi đem gửi công ty chứng khoán để được hưởng lợi tức khoảng 7-8%/năm.

Tin bài liên quan