Tín dụng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

Tín dụng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

Mặc dù tình hình tín dụng vẫn chậm trong những tháng đầu năm, song theo đánh giá của các lãnh đạo ngành ngân hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ có phần tăng trưởng nhanh hơn dư nợ bằng VND. Tính đến cuối tháng 4/2014, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong khi dư nợ tín dụng bằng VND giảm 0,09%. Điều đó cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại.

Chỉ tính riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM có dư nợ cho vay 3 tháng đầu năm 2014 tăng 7,5%.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, dư nợ tín dụng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm của Ngân hàng đạt 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ không phải dễ dàng đối với doanh nghiệp, cho dù lãi suất vay khá thấp. Trong giai đoạn 2008 - 2011, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra những thay đổi về đối tượng được vay và quy định đối với tổ chức tín dụng cho vay bằng ngoại tệ, như Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN, Thông tư 25/2009/TT-NHNN, Quyết định số 750/QĐ-NHNN, Quyết định số 74/QĐ-NHNN... Những động thái này cho thấy, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tăng cường kiểm soát và hạn chế tín dụng ngoại tệ. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ mới có thể vay vốn USD.

Mặt khác, rủi ro nợ xấu tăng cũng khiến các ngân hàng “chùn” tay trong việc đẩy mạnh cho vay xuất khẩu. Theo lãnh đạo của Vietcombank, do thị trường xuất khẩu không được thuận lợi, doanh nghiệp thủy sản, gạo… gặp phải khó khăn, nợ xấu chuyển biến phức tạp và tăng lên rất nhanh, nên ngân hàng cũng phải dè chừng khi cho vay.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, tín dụng xuất khẩu luôn được Ngân hàng quan tâm, nhưng sau những vụ vỡ nợ vừa qua trong lĩnh vực thủy sản, nông sản, Sacombank không dám mạnh tay cho vay tín chấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã cạn tài sản thế chấp, nên rất khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lúc này.

Liên quan tín dụng xuất khẩu, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lo ngại rằng, hoạt động này của các ngân hàng Việt Nam sẽ ít nhiều bị tác động bởi tình hình  ở biển Đông hiện nay, bởi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Tin bài liên quan