Tín hiệu mới từ Fed cứu thị trường, giá dầu thô đã vượt 110 USD/thùng

Tín hiệu mới từ Fed cứu thị trường, giá dầu thô đã vượt 110 USD/thùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư (2/3), sau khi Chủ tịch Fed báo hiệu ngân hàng trung ương có khả năng sẽ tăng lãi suất thấp dự báo.

Bình luận của ông Powell được đưa ra trong cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã giúp các nhà đầu tư bình tĩnh hơn sau khoảng thời gian xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường rơi vào thế khó.

Ông Powell cho biết, ông ủng hộ việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 3, dập tắt một số lo ngại trước đó về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất ở mức cao hơn.

Phiên này, tất cả 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500 đều tăng điểm, với chỉ số tài chính tăng 2,6% sau khi giảm mạnh trong tuần này. Chỉ số ngân hàng phục hồi 3% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2021 trong phiên trước đó.

Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng tiếp tục tăng thêm 2,2%, do giá dầu thô Brent tăng lên mức cao nhất gần 8 năm, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Nga.

Đáng chú ý khác trên thị trường là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,9%, sau khi giảm dưới 1,7% trong phiên trước. Đây là phiên có mức biến động mạnh nhất của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kể từ năm 2020.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones tăng 596,40 điểm (+1,79%), lên 33.891,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 80,28 điểm (+1,86%), lên 4.386,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 219,56 điểm (+1,62%), lên 13.752,02 điểm.

Chứng khoán châu Âu nhích lên trong phiên ngày thứ Tư, khi giá hàng hóa tăng cao đã nâng đỡ nhóm cổ phiếu năng lượng và khai thác, do lo ngại về nguồn cung hạn chế do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,9% lên 446,33 điểm.

Chỉ số theo dõi ngành dầu khí tăng 4,1%, khi giá dầu thô Brent đạt mức 110 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Các công ty khai khoáng đã tăng 2,3%, nhờ giá kim loại bao gồm đồng và nhôm tăng, được hỗ trợ bởi lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung ngày càng tăng.

David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital cho biết: “Thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong vài phiên qua và điều đó đã mang lại cơ hội mua vào”.

Chỉ số STOXX 600 đã giảm hơn 2% vào thứ Ba và giảm khoảng 8% trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế toàn cầu của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đặc biệt là giá năng lượng tăng kéo theo lạm phát vốn đang đe dọa tăng cao.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng được hỗ trợ từ việc Chủ tịch Fed ông Jerome Powell báo hiệu ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong tháng này bất chấp những bất ổn từ cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine.

Kết thúc phiên 2/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 99,36 điểm (+1,36%), lên 7.429,56 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 95,26 điểm (+0,99%), lên 14.000,11 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 101,53 điểm (+1,59%), lên 6.498,02 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do lo ngại ngày càng tăng về tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, với các nhà sản xuất xe năng lượng mới dẫn đầu đà đi xuống do các nhà đầu tư bán phá giá các cổ phiếu với mức định giá cao, trong khi lo lắng về tác động của các lệnh trừng phạt mạnh tay với Nga cũng đè nặng lên tâm lý.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, do lo ngại về việc phong tỏa do dịch covid-19 và doanh số bán ô tô yếu ở Trung Quốc đại lục khiến tâm lý thị trường xuống thấp.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, khi giá hàng hóa tăng và nhu cầu tiềm năng đối với các hãng vận tải dầu và khí đốt do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến cổ phiếu năng lượng và đóng tàu tăng cao.

Kết thúc phiên 2/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 451,69 điểm (-1,68%), xuống 26.393,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,64 điểm (-0,13%), xuống 3.484,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 417,79 điểm (-1,84%), xuống 22.343,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,34 điểm (+0,16%), lên 2.703,52 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Tư giảm khá mạnh do áp lực chốt lời sau khi đã tăng vọt gần 40 USD/ounce trong phiên trước đó.

Ngoài ra, việc Chủ tịch Fed báo hiệu tăng lãi suất trong tháng 3 cũng góp thêm phần khiến vàng chịu tác động mạnh và suy yếu.

Kết thúc phiên 2/3, giá vàng giao ngay giảm 16,6 USD xuống 1.928,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng gần 9 USD lên 1.931 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục tăng vọt do lo ngại gia tăng về việc nguồn cung trong vài tháng tới sẽ gián đoạn sau các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc nhiều công ty lớn rút khỏi lĩnh vực dầu của nước này.

Trong một động thái như “đổ thêm dầu vào lửa”, Nhà Trắng ngày 2/3 cho biết, đang cân nhắc khả năng trừng phạt ngành dầu khí của Nga. Điều này có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 7,19 USD (+6,50%), lên 110,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 7,96 USD (+7,05%), lên 112,93 USD/thùng.

Tin bài liên quan