Bệnh nhân Covid-19 tại khu cấp cứu, hồi sức của Bệnh viện Phổi Bắc Giang luôn được bác sĩ Trần Thanh Linh và đồng nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi sát.

Bệnh nhân Covid-19 tại khu cấp cứu, hồi sức của Bệnh viện Phổi Bắc Giang luôn được bác sĩ Trần Thanh Linh và đồng nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi sát.

Tình người ở tâm dịch Bắc Giang - Bài 1: Chia lửa chống “hung thần” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Tham gia chống dịch tại Bắc Giang, các y, bác sĩ đến từ mọi miền đất nước hầu như không còn nhớ tới thời gian, không còn khái niệm thứ Bảy, Chủ nhật.

Lời tòa soạn: Tại Bắc Giang - “tâm chấn” của đại dịch Covid-19, trong những ngày đại dịch hoành hành với hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày, ngọn lửa nhiệt huyết đã được thắp lên bởi hàng ngàn, hàng vạn nhân viên y tế tình nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc. Sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm mà họ vun đắp đã vượt lên trên nỗi vất vả, mỏi mệt về thể xác, những giọt mồ hôi thấm đẫm bộ bảo hộ, với mục tiêu duy nhất là sớm dập dịch, đưa người dân trở lại nhịp sống bình yên vốn có.

Bài 1: Chia lửa chống “hung thần” Covid-19

Chia lửa với Bắc Giang, những y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang từng ngày, từng giờ giành giật sinh mệnh cho các bệnh nhân từ “hung thần” Covid-19.

TS. Nguyễn Viết Quang Hiển, Phó trưởng khoa Khoa Gây mê hồi sức A, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, từ ngày 31/5 đặt chân tới Bắc Giang, đoàn công tác của anh được giao nhiệm vụ cùng với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.

Ngày 4/6, Trung tâm bắt đầu hoạt động và tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, phải thở máy, đặt ECMO (tim phổi nhân tạo - PV). Công tác trực theo dõi, điều trị của TS. Hiển và đồng nghiệp diễn ra liên tục, không một phút buông lơi, bởi tình trạng của nhiều bệnh nhân diễn biến rất nhanh, nếu không được theo dõi sát, tính mạng của họ sẽ gặp nguy hiểm.

TS. Hiển kể, có bệnh nhân sức khoẻ đang bình thường nhưng chỉ sau 30 phút đột ngột diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Vậy nên, các bác sĩ phải thường xuyên theo dõi với tâm trạng bất an, kể cả khi hết ca trực, vì lo ngại có tình huống khẩn cấp cần can thiệp. “Nhiều bệnh nhân nặng có tuổi đời rất trẻ, còn cả tương lai phía trước. Do vậy, chúng tôi bảo nhau phải nỗ lực hết sức”, TS. Hiển trải lòng.

Từng chinh chiến qua hàng loạt “tâm chấn” của đại dịch Covid-19, từ Đà Nẵng đến Huế và giờ là Bắc Giang, có thời điểm, TS. Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 không thể về nhà suốt 2 tháng trời. Nỗi nhớ, niềm thương gia đình, người thân được anh chuyển thành hành động cụ thể là nỗ lực hết sức giúp bệnh nhân vượt qua dịch bệnh tàn khốc.

TS. Hoàng kể, đặc trưng khi điều trị bệnh nhân Covid-19 là hạn chế dùng điều hoà. Các bác sĩ và nhân viên y tế phải làm việc ngày đêm trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, ngay cả trong những ngày nhiệt độ lên tới 39-40 độ C. Có những lúc mồ hôi túa ra, người ướt đẫm, đôi mắt cay xè mà không dám đưa tay lên lau.

Tuy vậy, mọi nỗi vất vả dường như tan biến khi bệnh nhân khoẻ lên từng ngày sau quá trình điều trị. “Khi bệnh nhân được cai máy thở, xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp, tình trạng ổn định, ngày họ được rời xa chiếc giường bệnh lạnh lẽo, đáng sợ không còn xa, tôi hạnh phúc như chính mình lành bệnh, chính mình được trở về gia đình trong vòng tay yêu thương”, TS. Hoàng tâm sự.

Tới Bắc Giang lần này, các thành viên Đội Phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy hừng hực khí thế “chống dịch như chống giặc”. Họ được phân công theo dõi, chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân nặng phải thở máy, lọc máu liên tục, thở oxy dòng cao tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang.

Theo chia sẻ của Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang, trước đây, khi anh chi viện cho Đà Nẵng, bệnh nhân trẻ gần như không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ. Nhưng ở Bắc Giang hiện giờ, có bệnh nhân chỉ mấy ngày đã thấy hình ảnh X-quang phổi trắng xóa, nên công tác hồi sức tích cực gian khó hơn.

Nhắc lại ca tử vong của nữ công nhân 38 tuổi tại Bắc Giang, bác sĩ Linh rất ám ảnh và đau xót bởi bệnh nhân còn quá trẻ, không có bệnh nền, hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Sau đó, anh đã phân công, bố trí lại công việc, để lúc nào tại khu cấp cứu, hồi sức của Bệnh viện Phổi Bắc Giang cũng có các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ca bệnh nặng đầu tiên mà Đội Phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang tiếp nhận và quyết định phải đặt nội khí quản ngay cũng là một bệnh nhân trẻ. Có thời điểm tưởng chừng phải đặt ECMO cho bệnh nhân, nhưng các bác sĩ đã kiên trì điều trị thành công bằng thở máy. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Nhận được dòng thư tay của bệnh nhân với dòng chữ “Cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống em”, họ rất xúc động và càng thêm quyết tâm, nỗ lực “chiến đấu” với đại dịch.

Ấm lòng tình dân - y

Ngay từ lúc đặt chân đến Bắc Giang, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã được tiếp đón rất nhiệt tình, được sắp xếp nơi ăn, chốn ở chu đáo. Đặc biệt, nhận được lời động viên của lãnh đạo, người dân địa phương, cả đoàn như được tiếp thêm sức mạnh. Tất cả đều chung một ý chí là nỗ lực bằng tất cả sức lực và trí tuệ để điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân Covid-19.

TS. Hiển kể lại, ngày đầu tới vùng quê Kinh Bắc, anh chợt phát hiện máy tính của mình bị hỏng. Anh rất lo lắng vì đây là công cụ không thể thiếu để làm việc, nghiên cứu tài liệu và anh không thể dễ dàng ra ngoài tìm chỗ sửa. Song, chỉ sau một cuộc gọi tới số điện thoại dịch vụ trên mạng, người thợ máy tính đã tìm tới tận nơi, mang máy tính anh về sửa, rồi mang trả lại mà không hề lấy tiền công.

“Người thợ này còn gửi lời cảm ơn tôi vì đã tới Bắc Giang, mong tôi có sức khoẻ để cứu được nhiều người dân quê anh. Hành động tuy nhỏ ấy của người thợ mà tôi chưa kịp biết tên khiến tôi rất xúc động và tự hứa sẽ không phụ tấm chân tình của những người dân đôn hậu nơi đây”, TS. Hiển nói.

Nhiều người dân ở Bắc Giang đã bày tỏ sự trân trọng, biết ơn bằng việc nấu những bữa ăn ấm nóng, gửi những vật dụng cần thiết hàng ngày cho các bác sĩ, nhân viên y tế. Nhận những món quà nhỏ, nhưng chứa đựng ân tình lớn lao của bà con, các bác sĩ tuyến đầu lại được củng cố thêm niềm tin chiến thắng đại dịch.

Ngoài nỗi nhớ gia đình, các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế còn nhớ da diết mùi vị quê nhà, hương vị các món ăn đặc trưng của người Huế. Bữa cơm của họ có thể không cần nhiều thức ăn, nhưng thứ không thể thiếu là quả ớt cay. “Vị cay nồng của ớt giúp chúng tôi thêm ấm lòng mỗi khi nhớ về quê nhà và động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, chiến đấu cùng bệnh nhân”, TS. Hiển chia sẻ.

Tham gia chống dịch tại Bắc Giang, họ hầu như không còn nhớ tới thời gian, không còn khái niệm thứ Bảy, Chủ nhật. Họ chỉ nhớ hôm nay là ngày thứ bao nhiêu bệnh nhân nhập viện, ngày thứ bao nhiêu bệnh nhân được cai máy thở, ngày bao nhiêu bệnh nhân âm tính để được xuất viện.

Ngoài nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, theo TS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng đoàn công tác tại Bắc Giang, các bác sĩ trong đoàn còn phải đảm bảo an toàn, không để bị lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế và cán bộ hỗ trợ. Họ còn tham gia đào tạo đội ngũ tại chỗ đủ năng lực điều trị bệnh nhân và sử dụng trang thiết bị hiện đại, để khi dịch lắng xuống, các đoàn rút về, thì Trung tâm ICU vẫn được vận hành và duy trì hiệu quả.

Với chất giọng Huế đặc trưng, TS. Nguyễn Đức Hoàng cho biết, Trung tâm ICU tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang thành lập trên nền bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân tâm thần, nên các nhân viên y tế chưa có nhiều kinh nghiệm về cấp cứu, hồi sức tích cực. Do vậy, các bác sĩ đến chi viện vừa tranh thủ làm tốt công tác điều trị, vừa bàn giao những vấn đề cơ bản, thiết yếu nhất, cũng như truyền đạt kinh nghiệm về phòng và điều trị Covid-19 cho đồng nghiệp tại đây.

“Thực tế tại Bắc Giang cho thấy, công tác điều trị gặp khó khăn vì virus có tốc độ lây lan mạnh, số người mắc đông hơn, phạm vi rộng và mức độ nghiêm trọng của bệnh cao hơn”, TS. Hoàng lo lắng…

(Còn tiếp)

Thiếu nhân lực về dinh dưỡng

Trong điều trị bệnh nhân Covid-19, một khâu rất quan trọng là dinh dưỡng cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Huy (Bệnh viện Trung ương Huế), phụ trách vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 tại ICU Bắc Giang cho hay, nếu bệnh nhân nặng chỉ điều trị bằng thuốc, không kết hợp tăng cường dinh dưỡng, thì dễ dẫn tới tình trạng suy kiệt, chậm phục hồi và kéo dài thời gian nằm viện.

Tuy vậy, cái khó của bộ phận dinh dưỡng là thiếu nhân lực. Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang không có nhân viên dinh dưỡng, đoàn chi viện lại chỉ có bác sĩ Huy có chuyên ngành này, nên công việc của anh rất bận rộn. Anh vừa trực tiếp điều phối việc vận chuyển thức ăn sao cho đảm bảo đúng quy chuẩn, vừa chỉ dẫn kiến thức, quy trình nấu súp, nấu cháo, vận chuyển thức ăn cho đội ngũ tại chỗ.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan